Bánh quai vạc mang lôi cuốn, hấp dẫn du khách bởi sự dai giòn sần sật của lớp vỏ bánh, sự ngon ngọt đậm đà của lớp nhân tôm thịt, hòa quyện cùng vị chua ngọt đặc trưng của nước chấm. Tất cả tạo nên món đặc sản dân dã, chân chất như chính con người nơi đây.
Đặc sản dân dã giữa lòng Phan Thiết
Là món ăn có từ lâu đời ở Bình Thuận, nhất là ở Phan Thiết, bánh quai vạc hay còn gọi là bánh quai dạc do cách phát âm của người địa phương. Món ăn tuy dân dã, đơn giản nhưng lại trở thành món đặc sản được nhiều du khách biết đến và yêu thích. Nếu đến Phan Thiết mà chưa từng ăn món bánh quai vạc thì chưa thực sự am hiểu về ẩm thực nơi đây.
Bánh quai vạc nhìn qua khá giống với món bánh bèo (bánh bột lọc) ở Huế hoặc miền bắc. Nhưng bánh thường nhỏ hơn và khi ăn sẽ cảm nhận được sự khác biệt đặc trưng của ẩm thực từng vùng miền.
Cách làm bánh quai vạc nhân mặn
Làm bánh quai vạc không quá phức tạp nhưng yêu cầu sự tỉ mẩn trong từng công đoạn. Nguyên liệu chính để làm bánh gồm bột sắn hoặc bột năng và tôm thịt. Nhân bánh quai vạc thường là tôm, thịt hoặc tôm thịt trộn lẫn tùy vào sở thích của từng người.
Cách làm vỏ bánh
Đầu tiên, bột bánh sẽ được trộn cùng nước sôi già. Lúc này sẽ phải nhào thật lâu và đều tay cho đến khi bột nhuyễn mịn để tạo độ dai cho lớp vỏ. Sau khi nhồi xong thì cắt bột thành từng miếng nhỏ, vo tròn rồi dùng chày cán dẹt ra. Tôm sơ chế sạch, bỏ phần đầu, có thể cắt đôi nếu tôm to, ướp chút gia vị rồi xào chín. Nếu làm bánh quai vạc nhân thịt thì nên dùng thịt băm hoặc cắt nhỏ miếng thịt ra, có thể trộn cùng mộc nhĩ băm nhỏ nếu thích. Sau đó ướp gia vị rồi xào chín. Tiếp theo, cho nhân tôm hoặc nhân thịt vào giữa miếng vỏ bánh đã được cán mỏng. Gập đôi vỏ bánh lại rồi dùng tay miết nhẹ xung quanh mép bánh sao cho nhân không bị hở ra ngoài.
Cách làm nhân bánh quai vạc
Sau khi đã xong phần làm bánh, tiếp theo sẽ là bước luộc bánh. Đặt nồi nước lên bếp đun sôi. Thả bánh vào đun tiếp cho đến khi bánh nổi và chuyển sang màu trắng trong thì bánh chín. Vớt bánh ra cho vào tô nước lọc rồi mới vớt bánh ra đĩa để bánh khỏi dính vào nhau. Chú ý khi luộc bánh chỉ nên luộc từng ít một để bánh được chín đều.
Nếu vớt khi bột chưa chín ăn vào sẽ bị cứng, sượng. Ngược lại nếu đun sôi bánh lâu quá sẽ khiến bánh nhão, ăn không ngon. Bánh sau khi vớt ra cho thêm một chút dầu rồi đảo đều. Hoặc phi thơm hành rồi cho bánh vào chảo đảo sơ qua với dầu để bánh không bị dính và tạo độ thơm ngậy khi ăn. Điểm tô thêm vài lát hành và ớt để tạo sự hấp dẫn.
Nước chấm – linh hồn của món bánh
Đã xong công đoạn làm bánh, nhưng còn một thứ không thể thiếu đó là nước chấm. Nước chấm được coi là linh hồn của món ăn. Món ăn ngon hay không thì nước chấm quyết định đến 50%. Nước chấm dùng cho món bánh quai vạc là nước chấm chua ngọt, gồm nước mắm, đường, ớt, chanh hòa cùng nước lọc với tỷ lệ vừa phải. Khi ăn không bị mặn, nổi được cả vị chua và vị ngọt mới đạt chuẩn. Khi ăn, hòa một ít nước chấm trộn đều với bánh cùng hành phi để thưởng thức.
Vị dai giòn sần sật của vỏ bánh hòa quyện cùng nhân tôm thịt ngon ngọt, đậm đà, kết hợp với vị chua ngọt của nước chấm chắc chắc sẽ làm hài lòng bất cứ du khách nào khi thưởng thức món bánh đặc sản truyền thống này của người dân BìnhThuận.
Địa chỉ ăn bánh quai vạc ở Bình Thuận
Để được ăn món bánh quai vạc đúng chuẩn, thơm ngon thì bạn phải ghé vào Phan Thiết khi đến Bình Thuận. Bạn không khó để tìm được hàng quán ở đây, dưới đây là một số địa chỉ cho bạn tham khảo:
- Quán bánh ở địa chỉ 1HA – Kim Đồng, TP Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán bánh Võ Thị Sáu, phường Bình Hưng, TP Phan Thiết, Bình Thuận.
- Góc ngã tư Cao Thắng và Trần Hưng Đạo, TP Phan Thiết.
- Các quán hàng ở trong chợ Phan Thiết.
Bánh quai vạc tuy đơn giản, dân dã mà đậm đà, chân chất như chính những người dân mến khách nơi đây. Sau khi thỏa sức khám phá thành phố biển Phan Thiết xinh đẹp, đừng quên thưởng thức món đặc sản quai vạc để lưu giữ trong mình những ký ức đẹp về văn hóa ẩm thực nơi đây nhé.
Theo Poliva