Mỗi dân tộc đều sở hữu những loại bánh đặc sản mang hương vị khác nhau. Đặc biệt là người dân tộc vùng núi Tây bắc luôn đem đến những món ăn mới lạ độc đáo. Bánh ngải chính là một loại bánh đặc biệt của người dân tộc Tày. Món bánh không chỉ mang hương vị đặc trưng của người dân vùng cao mà còn chứa đựng tâm tư tình cảm của họ.
Giới thiệu món bánn đặc sản riêng của người Tày
Bắc Kạn là một vùng đất sơn thủy hữu tình. Vẻ đẹp của núi rừng xanh thẳm cùng con người thân thiện khiến bạn đã đến một lần thì sẽ muốn quay lại nhiều lần nữa. Điều đặc biệt là Bắc Kạn còn có rất nhiều món ăn đặc sản độc đáo. Những món đặc sản đều là món ăn truyền thống của người dân nơi đây. Chính vì vậy, ẩm thực Bắc Kạn vô cùng phong phú và hấp dẫn chờ bạn đến khám phá.
Một trong những món ăn vang danh nhất xứ Bắc Kạn chính là bánh ngải. Đây được xem là một loại bánh đặc biệt chỉ có người Tày mới có. Chiếc bánh nhỏ xinh nhưng hương thơm bay xa khắp xóm làng. Cùng với đó là vị ngọt tự nhiên khiến du khách vương vấn mãi không thôi.
Hình ảnh bánh ngải gắn liền với người dân tộc Tày. Bánh đại diện cho sự khéo léo của người phụ nữ. Thể hiện tính nhu mì, đảm đang và tháo vát của người chị, người mẹ trong gia đình. Ngoài ra, bánh còn có màu xanh rất tự nhiên đại diện cho núi rừng xanh thẳm ở vùng Tây Bắc.
Loại bánh đặc sản này thường được dùng trong các ngày tết, lễ quan trọng của người Tày. Bánh không chỉ mang hương vị thơm ngon, dân dã mà còn có công dụng tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, du khách đến đây nhất định phải thử món bánh này một lần trong đời.
Cách làm bánh ngải Bắc Kạn thơm ngon đúng vị
Cách làm bánh ngải tuy không khó nhưng đòi hỏi người làm sự khéo léo và cẩn thận. Muốn bánh thơm ngon phải chọn loại nếp hương tốt. Lá ngải phải tươi xanh và sạch tự nhiên. Người làm phải xử lý tốt mùi hăng của lá ngải như vậy bánh mới thơm và không bị đắng.
Lá ngải sẽ được đun trong nước tro bếp từ 2 đến 3 giờ. Tro bếp phải là tro sạch từ nứa hoặc tre. Sau khi đun xong thì đổ lá ngải ra ngoài và rửa thật sạch. Sau đó bỏ gân lá, cuống lá rồi vắt kiệt nước thành từng nắm vừa lòng bàn tay.
Gạo nếp phải được ngâm từ 6-7 tiếng sau đó đem đi đồ xôi chín. Xôi vừa chính thì phải đem đi giã nát ngay lúc còn nóng cùng nắm lá ngải. Giã đến khi xôi trở thành bột dẻo mịn là có thể dùng để làm bánh.
Nhân bánh ngải đặc sản thường được làm từ đường phên đun chảy trộn cùng vừng đen rang chín. Nhân bánh phải pha thật vừa vị, không quá ngọt cũng không quá nhạt. Nhân chính là bí quyết tạo nên hương vị khác biệt của chiếc bánh xứ Bắc Kạn.
Bánh ngải thanh mát không chỉ ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh
Bánh ngải là một loại bánh rất dễ ăn. Kể cả những người thích lá ngải hay không thích thì cũng có thể ăn được. Bánh ăn vào rất mát cho cơ thể và không gây ngấy. Vị hăng hăng của lá ngải dung hòa cùng mùi thơm, dẻo của nếp kết hợp với nhân vừng đen ngọt thanh sẽ tạo nên một hương vị dân dã nhưng không dễ quên.
Nhìn chiếc bánh màu xanh tươi bạn sẽ liên tưởng ngay đến những đồi nương xanh bát ngát của núi rừng Tây Bắc. Cái hoang dã của lá rừng cùng những hương vị tự nhiên đem lại cảm giác thanh mát, thư giãn.
Ngoài hương vị ngon ngọt đến say đắm thì bánh ngải còn có công dụng như một vị thuốc. Bánh có thể giúp điều hòa khí huyết, chống được những cơn đau đầu dai dẳng và điều trị cảm cúm. Sở dĩ loại bánh này có thể chữa bệnh là vì lá ngải được dùng như một loại thuốc đông y chữa được nhiều loại bệnh.
Mặc dù rất thơm ngon và đặc biệt nhưng giá bánh ngải lại vô cùng hợp lý. Nếu bạn đến Bắc Kạn thưởng thức trực tiếp món bánh này lại càng rẻ hơn. Một người chỉ cần từ 20.000 – 40.000 đồng là đã được thưởng thức no nê. Đừng bỏ qua món bánh đặc trưng này của người Tày khi ghé lên Tây Bắc nhé!