Nghe cái tên bánh nẳng chắc nhiều người vẩn đang thắc mắc bánh nẳng là gì, nhưng bật mí với các bạn đó là một tên gọi khác của bánh gio mà nhiều nơi gọi là bánh tro. Đây là một loại bánh chỉ cần có gạo nếp là nguyên liệu chính kết hợp với tro của các cây dược liệu mà đã làm nên món ăn đặc sắc và mang hương vị quê hương.
Tìm về với bánh nẳng Lập Trạch – Đặc sản chợ Tràng
Bánh nẳng Lập Trạch nổi tiếng gần xa vì cách chế biến riêng khiến nó gây ấn tượng hơn so với những vùng khác. Chợ Tràng là một khu chợ nổi tiếng của vùng Lập Trạch. Theo tương truyền thì vào ngày 2 tháng 2 Âm lịch thời chống giặc Hán tổ chức một lễ hội để ghi nhớ công lao của tướng Lữ Gia, một trong những sản vật dâng cúng không thể thiếu đó là bánh nẳng.
Người Lập Trạch từ ngày xưa vẫn có câu nói ““Bánh nẳng chợ Tràng, bánh gạo rang Tiên Lữ” để ca ngợi món bánh nổi tiếng này.
Ngày nay, bánh nẳng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ. Thứ bánh giản dị đã đi vào kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ về một thời cứ vào ngày 5/5 Âm lịch hàng năm đều mong chờ mẹ gói cho nồi bánh nẳng để thưởng thức, đó là hơn cả những món quà quý giá.
Bánh gio – nẳng cầu kì trong cách nấu
Hình ảnh bánh nẳng trong những quán hàng, trên những chiếc gánh hàng rong của các cô các dì đã là một phần của cuộc sống nhộn nhịp, hối hả này.
Cầm trên tay chiếc bánh bé xinh khiến ta nghĩ đến những người mẹ tảo tần, chịu khó hi sinh vì con cái làm nên chiếc bánh này. Chiếc bánh đơn giản nhưng cách làm bánh nẳng cũng rất cầu kỳ và cần sự khéo léo mới có được những mẻ bánh ngon ra lò đấy.
Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp, nước nẳng, lá gói bánh. Gạo được chọn làm bánh phải là loại gạo nếp cái hoa vàng, ngon, dẻo, thơm. Theo bí quyết của những người làm bánh lâu năm ở chợ Tràng thì công đoạn chuẩn bị nước nẳng sẽ quyết định đến độ ngon, thơm của bánh.
Nước nẳng được chưng cất từ rất nhiều loại vỏ cây, vỏ quả của các loại cây như cây mân, cây sở, chảu hay si. Các loại cành lá này sẽ được đốt thành tro rồi để nguội đem đi tán nhỏ và hòa vào trong chậu nước, đánh cho đều tay sau đó lọc lấy phần nước trong. Trong khi lọc, nước nẳng phải cho thêm vôi, để lúc sôi sẽ nổi tạp chất lên trên, lọc bỏ đi, để nguội mới cho gạo vào được.
Gạo sau khi đã được chọn kỹ lưỡng qua đêm hoặc từ 6 – 8 tiếng cho mềm ra, lúc này gạo đã ngả sang màu vàng nhìn rất hấp dẫn.
Sau đó, cho gạo vào lá dong, lá chuối, tùy vào đặc điểm của từng vùng mà lựa chọn loại lá phù hợp. Việc gói bánh cũng là cả một sự cầu kỳ, bánh nẳng phải gói thật chặt tay, nhìn phải đẹp mắt.
Cuối cùng là công đoạn luộc bánh, bánh được buộc với nhau bởi dây lạt bỏ vào nồi để khi luộc xong lấy ra cho dễ. Để có được một nồi bánh ngon, bánh phải luộc khoảng 1 – 2 tiếng đều lửa.
Thưởng thức bánh nẳng cũng là một nghệ thuật
Cách ăn truyền thống là ăn bánh nẳng chấm mật, vị thơm dẻo của bánh quyện vào cái ngọt ngào của đường sẽ khiến vị giác cảm nhận được sự thanh mát, hấp dẫn vô cùng.
Ăn bánh là phải ăn từ từ để cảm nhận hết được vị ngon của nó. Từng miếng bánh được cắt nhỏ vào miệng sẽ thấy được đâu đó thấp thoáng chút nồng của nước vôi và ngai ngái của những loại các loại cây thảo mộc.
Bây giờ, cuộc sống hiện đại hơn có nhiều món ăn lạ và ngon hơn nhưng những cái vị thanh thanh mát mát nhè nhẹ của bánh gio vẫn là thứ khiến ta nhớ về một tuổi thơ đẹp. Loại bánh này hiện nay vẫn được sử dụng trong những dịp lễ hội, lễ tết phổ biến nhất là Tết Đoan Ngọ hay để bán cho du khách.
Ai đã từng một lần thưởng thức bánh nẳng, chắc sẽ không quên được màu vàng như hổ phách của bánh, khi ăn vào có vị ngọt dịu. Càng ăn lại càng thấy thích. Đúng là một món quà của hương đồng gió nội.