Bánh nậm cũng là một trong những đặc sản nổi tiếng tại thành phố Huế. Món ăn này có cách làm cũng khá đơn giản nhưng để chuẩn vị thì bạn cần có bí quyết riêng. Vậy cách chế biến bánh nậm Huế như thế nào là ngon nhất?
Cách làm bánh nậm Huế ngon không thể cưỡng
Với bất kỳ món ăn nào thì cũng cần có nguyên liệu đầy đủ cùng một số bí quyết riêng trong quá trình chế biến. Để làm được món bánh nậm lọc Huế ngon chuẩn vị, hãy làm theo các bước sau:
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu để làm món bánh này gồm có:
- 250 gram bột gạo
- 50 gram bột năng
- Khoảng 450 – 600 ml nước
- 100 gram tôm
- 100 gram thịt nạc
- Dầu ăn cùng các gia vị như muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, nước mắm, bột màu điều
- Lá chuối
Làm phần nhân cho bánh nậm Huế
Với món đặc sản này thì phần nhân rất quan trọng, quyết định cho việc ăn bánh nậm ngon hay không. Cách làm như sau:
- Tôm rửa thật sạch, sau đó bóc vỏ và băm nhuyễn
- Thịt nạc rửa sạch và cũng băm nhuyễn
- Ướp tôm và thịt đã được băm cùng với các gia vị như muối, đường, hạt nêm, bột ngọt, tiêu
- Phi thơm hành tỏi. Sau đó cho tôm, thịt vào đảo nhanh tay. Thêm bột màu điều để nhân có màu đỏ thu hút.
- Xào cho đến khi tôm thịt chín và ráo nước thì tắt bếp.
Làm phần bột bánh nậm
Phần bột bên ngoài cũng cần có bí quyết thực hiện để món ăn được hoàn hảo.
- Trộn đều bột gạo và bột năng. Khuấy cùng nước lọc, dầu ăn, chút đường và muối. Để bột đạt được độ dẻo đúng chuẩn thì bạn cần phải điều chỉnh tỷ lệ nước và bột hợp lý. Thông thường tỷ lệ này là 2:1.
- Đặt hỗn hợp bột lên bếp khuấy nhanh tay với lửa vừa. Đến khi bột đặc lại và bắt đầu chuyển sang màu trong hơn thì tắt bếp. Bạn vẫn tiếp tục khuấy đều hỗn hợp đến khi bột sệt và mịn.
Cách gói bánh nậm đúng nhất
Đầu tiên bạn phải rửa lá chuối thật sạch, trụng sơ qua nước sôi có chút muối để mềm lá. Cắt lá thành từng miếng hình chữ nhật kích thước 20 x 15 cm. Bôi dầu ăn lên bề mặt không gân của lá chuối.
Rải một lớp bột mỏng vừa và cho nhân tôm thịt vào giữa. Gấp hai bên mép lá lại và bẻ hai đầu sao cho bánh có hình chữ nhật. Đặt bánh lên mặt bàn vuốt nhẹ để cho phần bột được tán đều. Gói bánh đẹp và đúng nhất là theo tỷ lệ 1 thìa canh bột với ¾ thìa cà phê nhân.
Cuối cùng là công đoạn hấp bánh. Xếp bánh vào xửng đang sôi và hấp trong thời gian từ 15 đến 25 phút. Bánh chín và lấy ra để nguội hoặc ăn khi còn nóng.
Pha nước mắm chấm bánh nậm
Món bánh nậm miền Trung hấp dẫn và đặc trưng cũng chính là nhờ một phần vào nước chấm. Cách làm cũng không quá khó. Bạn chỉ cần cho nước mắm và đường lên bếp nấu sôi. Khi đường tan hết thêm vào một ít nước lọc để giảm độ mặn. Để nguội và pha thêm nước cốt chanh, ớt tỏi băm sao cho vừa miệng.
Bánh nậm Huế ngon khi đạt được các tiêu chuẩn: bánh đẹp, màu trắng sữa, nhân có màu đỏ hấp dẫn, trải đều trên bột bánh. Bánh mềm nhưng không bở, thoang thoảng hương thơm từ mùi lá chuối.
Top 3 các quán bán bánh nậm ngon tại Huế
Với cách làm đơn giản như trên bạn vẫn có thể làm được món bánh nậm Huế tại nhà. Tuy nhiên, nếu có cơ hội ghé thăm mảnh đất cố đô này, bạn hãy ghé những địa chỉ dưới đây để thưởng thức món bánh nậm chuẩn hương vị xứ Huế:
Quán Bà Đỏ
Nhắc đến các quán bán bánh đặc sản ở Huế thì không thể nào bỏ qua quán Bà Đỏ. Hương vị bánh nậm béo ngậy cùng nước chấm đặc biệt thơm ngon chính là điểm thu hút các thực khách đến đây. Ngoài ra, quán còn có không gian rộng rãi, có cả chỗ đậu xe ô tô. Bạn hãy ghi lại địa chỉ này nhé: 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Huế.
Quán Mệ Lé
Quán nằm trong hẻm với không gian sân vườn mộc mạc. Đây là một trong những quán mà khách du lịch nước ngoài rất thích. Bánh nhà làm nên chất lượng đảm bảo khỏi chê. Ngoài bánh nậm thì quán còn có các loại bánh đặc sản Huế khác như bánh bèo, bột lọc,…
Địa chỉ: 104/17/9 Kim Long, Thành Phố Huế
Quán Trung Bộ
Đặc điểm của quán này là bánh nậm ngon, sạch sẽ. Cô chủ quán rất vui vẻ và nhiệt tình, khiến các thực khách vừa được ăn ngon vừa được “mát lòng”. Mỗi loại bánh tại đây đều có hương vị đặc trưng riêng biệt.
Địa chỉ: 16 Tô Hiến Thành, TP Huế
Bài viết trên đây chúng tôi đã chia sẻ đến bạn cách làm bánh nậm Huế ngon không thể cưỡng. Bên cạnh đó là những địa chỉ mà bạn hãy nhớ ghé đến khi có dịp du lịch cố đô để được thưởng thức món đặc sản này.