Người Việt Nam có lẽ đã quen với câu “Chè Thái, gái Tuyên”, ý khen ngợi chè Thái Nguyên và con gái xứ Tuyên Quang. Nhưng ẩm thực Tuyên Quang cũng hấp dẫn không kém, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau!
Ăn gì khi đến Tuyên Quang? Ẩm thực Tuyên Quang nhất định phải thử
Nộm da trâu
Da trâu hay thịt trâu nói chung là món ăn phổ biến ở các tỉnh miền núi. Ẩm thực Tuyên Quang cũng nổi tiếng với món nộm da trâu ngon miệng. Sau khi rửa sạch sẽ, da trâu được hơ trên bếp lửa cho sạch lông, rồi cạo sạch vỏ ngoài đen, chỉ để lại phần vàng trong. Sau đó, luộc da cho sạch bẩn và mềm, dễ ăn.
Nộm da trâu ăn có vừa miệng hay không là nhờ công đoạn thái miếng. Để thái được miếng da trâu cần dao thái bén ngọt, thớt gỗ dày và sự kiên trì. Miếng da to bản được thái thành vát chéo, mỏng và đều tay. Người Tuyên Quang sử dụng các gia vị như: riềng, sả, mắc khén, rau mùi tàu, tỏi, ớt để làm món này. Đặc biệt, người ta còn sử dụng nước măng chua đun sôi để nguội thay cho chanh hay giấm như ở vùng khác.
Nộm da trâu ăn kèm với các loại lá sung, lá đinh lăng, rau thơm. Khi ăn nhất định phải gắp đầy đủ các loại lá, cuốn lại và chấm vào chính chén nước ngâm da trâu để cảm nhận được hương vị lạ miệng. Từng miếng da trâu thơm nồng mùi mắc khén, có vị hăng hăng của các loại rau ăn kèm, cùng nước măng chua thanh mát.
Chè Khau Mút
Khau Mút là một loại chè đặc sản ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Chè Khau Mút mọc trên đỉnh núi Khau Mút, là đỉnh núi cao nhất Tuyên Quang, quanh năm mây phủ. Trên đỉnh núi, tổ tiên người Dao đã trồng những cây chè shan tuyết cổ thụ. Để đến được vùng hái chè Khau Mút, người ta phải mất nhiều giờ đồng hồ băng rừng. Tuy đường đi khó khăn nhưng những người phụ nữ Dao vẫn cần mẫn trong công việc như một lẽ dĩ nhiên. Những cây chè Khau Mút hàng trăm năm tuổi mọc trong rừng sâu cho ra những lá chè ngon tuyệt đỉnh. Chè sau khi hái được chế biến thủ công, giúp chè thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Rượu ngô Na Hang
Rượu ngô men lá Na Hang là một sản phẩm có từ lâu đời và nổi tiếng của huyện Na Hang, tạo nên đặc trưng của ẩm thực Tuyên Quang. Mùi thơm của men lá và ngô, vị cay êm dịu là đặc thù cảm quan khiến rượu ngô níu chân du khách mỗi khi đến với Na Hang. Đồng bào các dân tộc huyện Na Hang với kinh nghiệm hàng trăm năm làm men và nấu rượu đã đúc kết được những kinh nghiệm để làm được những mẻ rượu ngô men lá có tính đặc thù.
Muốn rượu thơm ngon thì đầu tiên phải có loại men được tổng hợp từ 38 loại cây thảo mộc sinh trưởng trong điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm không khí trung bình năm là 85%. Ngoài men lá như trên, chất lượng nguyên liệu ngô hạt cũng là yếu tố quan trọng. Ngô phải được trồng trên địa bàn huyện Na Hang. Hạt ngô sau khi thu hoạch được phơi khô. Khi hạt ngô đạt độ ẩm khoảng 15% mới được đưa vào quy trình nấu rượu.
Hoa kè hấp thịt
Hoa kè là món ăn đặc trưng của người dân tộc Tày huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình. Qua các công đoạn chế biến, những món ăn từ hoa kè đã trở thành thức ngon đãi khách. Hoa kè có vị thanh mát, ngọt dịu sau vị đắng lúc ban đầu. Hoa kè được nhồi thịt, nấu canh, xào mẻ, mỗi món một hương vị. Đối với món hoa kè hấp thịt, người ta thường lấy thịt băm nhỏ thêm hành tươi, mộc nhĩ, hạt tiêu, gia vị rồi trộn đều với trứng.
Hoa kè sau khi bỏ nhụy, rửa sạch rồi mang nhồi thịt. Khi nhồi xong, hoa được hấp trong chõ khoảng 15 phút. Khi chín, những bông hoa nở xòe cùng nhân thịt mềm, thơm đánh thức mọi giác quan của thực khách. Hoa kè hấp thịt chấm với nước mắm ngon, vị đăng đắng nơi đầu lưỡi nhanh chóng qua đi để rồi được thay thế bằng vị ngọt, thêm vị bùi của trứng, thịt, cay nồng của tiêu xay làm ấm lòng người sành ăn.
Cam sành Hàm Yên
Cam sành là một loại quả nổi tiếng được trồng lâu đời của huyện Hàm Yên, mang hương vị đặc trưng, hấp thụ tinh hoa từ đất, gió, nắng và nguồn nước mát lành nên vị ngọt cũng khác hẳn cam sành vùng khác. Nếu có dịp ghé thăm vùng đất này, du khách sẽ được dịp mãn nhãn bởi những đồi cam bạt ngàn, phủ kín đến tận chân trời.
Cam sành được trồng khắp Hàm Yên, nhưng nổi tiếng hơn cả phải kể đến các xã Yên Thuận, Yên Phú, thị trấn Hàm Yên hay nhiều nhất là tại Phù Lưu. Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi là hai yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên hương vị thơm ngon của cam sành. Nhiều người cho rằng, chính nhờ nguồn nước từ ngọn núi Phá Phúng đã mang đến vị ngọt của loại quả này.
So với những giống cam khác trên cả nước thì cam sành Hàm Yên có vị ngọt thanh, hương thơm dịu. Cam mới ra quả sẽ có màu xanh, khi chín thì chuyển sang vàng óng, trái căng mọng, lốm đốm. Vỏ cam sành Hàm Yên khá mỏng và sần sùi nhẹ lúc chín. Cam chứa trên 10% hàm lượng đường, nhiều vitamin C cùng các loại axit hữu cơ, các chất khoáng và dầu thơm…
Bánh dày nhân vừng đen Na Hang
Đến với các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình, du khách không thể bỏ qua một món rất đặc trưng của ẩm thực Tuyên Quang, đó là bánh dày nhân vừng đen của người Tày. Người phụ nữ Tày làm bánh dày nhân vừng đen rất công phu và tỉ mỉ. Họ chọn gạo nếp nương, hạt đều đem đãi sạch rồi cho vào chõ đồ chừng 30 phút. Khi những hạt gạo nếp vừa chín đều, dẻo, người ta cho vào cối sạch để giã nhuyễn.
Thời gian giã cũng phải mất gần 1 giờ đồng hồ, nhịp giã bánh phải đều tay. Để có nhân vừng đen, người Tày phải tra vừng trên nương từ tháng 3, 4 hàng năm và đến tận tháng 7, tháng 8 mới cho thu hoạch và dự trữ suốt một năm. Hạt vừng đem rang trên lửa nhỏ, đảo đều đến khi chín rồi mang giã nhỏ.
Ngoài ra để làm bánh dày thơm ngon còn cần đến mật mía. Người Tày không trộn vừng đen với nước đường, bởi như thế nhân bánh sẽ không thơm. Mía đem ép lấy nước sau đó nấu cho đến khi quánh và sánh lại rồi mới được mang ra làm bánh. Người Tày thường gói bánh dày nhân vừng đen bằng lá chuối đã được hơ qua lửa cho mềm, dai.
Bánh gai Chiêm Hóa
Từ những chiếc lá gai thơm, ngọt, kết hợp với các nguyên liệu dân dã, quen thuộc đã tạo nên một món bánh nổi tiếng ở Chiêm Hóa, nằm trong danh sách những món ăn nổi bật của ẩm thực Tuyên Quang. Nằm bên dòng sông Gâm hiền hòa, Chiêm Hóa là nơi có diện tích trồng cây gai lớn của tỉnh. Hầu hết các hộ gia đình đều trồng cây gai nếp.
Khi thu hái lá gai, người ta chọn lá già, có màu xanh đậm. Sau khi hái, tiến hành tước bỏ gân lá rồi đem đi phơi khô. Để tạo nên hương vị đặc trưng của bánh gai, người dân ở đây đều có bí quyết riêng. Lá gai khô được ninh nhừ cho đến khi đen tuyền, sánh quyện, sau đó trộn với bột gạo nếp cái hoa vàng cho mềm mịn.
Nhân bánh được làm từ đỗ xanh hấp chín và cùi dừa cạo mỏng. Bên ngoài bánh được rắc thêm vừng để thơm ngon hơn. Ở Chiêm Hóa, người dân thường gói bánh gai thành một cặp. Sau khi hấp từ 1 đến 2 tiếng, bánh gai được hong khô đến khi lá bánh ráo nước và se lại. Bánh gai có vị ngọt thanh, bùi ngậy, đã trở thành món ăn mang hương vị riêng có của mảnh đất Chiêm Hóa.
Gỏi cá bỗng
Nhắc đến ẩm thực Tuyên Quang, chắc chắn không thể thiếu món gỏi cá bỗng sông Lô. Cá bỗng chỉ sống ở đoạn nước trong, dòng chảy mạnh, vì thế cá rất khỏe, thịt dai giòn. Đây là loại cá tiến vua thời xưa, cùng với cá anh vũ, vì cá thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Cá thuộc loại trắm, chép, nhưng mình thon, thịt có màu hồng đỏ.
Nước chấm gỏi cá bỗng cũng là một yếu tố quan trọng. Gỏi cá bỗng phải được chấm với nước chấm chẻo mới đúng vị. Sau khi phi lê cá, những phần thừa và xương cá sẽ được băm nhỏ, rang lên, phi thơm cùng hành tỏi và các gia vị khác. Những nguyên liệu này được nấu theo công thức truyền thống để tạo nên thứ nước xốt sánh mịn thơm ngon, đó là “chẻo”.
Rau rừng được xếp theo thứ tự lá to ở ngoài cùng, lá nhỏ đặt bên trong, sau đó quấn thành hình chiếc phễu. Thực khách sẽ gắp lát cá thái mỏng được trộn thính đặt bên trong phễu lá, múc chẻo rưới lên, khéo léo cuộn chặt tay để nước chẻo không bị chảy ra ngoài. Vậy là đã có bữa ăn ngon miệng, đậm đà tình người xứ Tuyên.
Theo iVIVU.com