8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh ai cũng muốn mua về làm quà năm mới
admin | Đăng lúc 8:32 - 06/02/2024

Bánh tét Trà Cuôn Trà Vinh, tung lò mò An Giang, nem Lai Vung Đồng Tháp, chả hoa ngũ sắc,... đều là những đặc sản Tết miền Tây trứ danh được ưa chuộng vào dịp năm mới.

 

Thời gian cuối năm là lúc nhà nhà người người lo mua sắm Tết, bên cạnh những món ngon truyền thống thì những đặc sản của các vùng miền trên khắp cả nước, mà đặc biệt là sản vật miền Tây rất được các bà nội trợ yêu thích. Không thể thiếu trong danh sách  món ngon vật lạ ở các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long là các loại bánh mứt, nem, chả, lạp xưởng và tôm khô. Cùng khám phá những món ăn hấp dẫn này nhé.

Top 8 đặc sản Tết miền Tây ngon nức tiếng

1. Bánh tét Trà Cuôn Trà Vinh

Nếu ngày Tết miền Bắc không thể thiếu món bánh chưng thì những ngày cuối năm cũ - đầu năm mới của miền Tây Nam Bộ nhất định phải có đòn bánh tét. Dù cũng có hình dáng và cách gói không khác nhiều so với các loại bánh tét miền Nam nhưng tùy vào từng vùng, từng tỉnh khác nhau mà sẽ có cách chế biến vỏ cùng nhân bánh lạ và độc đáo riêng. Nổi tiếng và được tìm mua làm quà Tết nhiều nhất trong số các món đặc sản miền Tây có lẽ là bánh tét Trà Cuôn Trà Vinh.

8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh - Bánh tét Trà Cuôn
Bánh tét Trà Cuôn. Ảnh: jonh.lt

Để làm nên những đòn bánh tét đúng chuẩn Trà Cuôn đòi hỏi người nấu phải cẩn thận và tỉ mỉ trong từng công đoạn. Đầu tiên là phải chọn loại nếp sáp Trà Vinh chính hiệu rồi mang đi vo 6 - 7 lần. Sau đó mới để cho ráo nước, mang trộn với nước rau ngót hay các loại nước ép từ rau cũ khác để để tạo màu xanh, đỏ, tím, vàng tự nhiên cùng mùi thơm đặc trưng. Cuối cùng là làm nhân bánh được nấu từ thịt heo nạc trộn với thịt mỡ. Trong thành phần nhân còn có đậu xanh loại ngon cùng lòng đỏ của trứng vịt muối. Tất cả tạo nên hương vị độc đáo, khó quên của món bánh đặc sản miền Tây ngon lành.

Sau khi hoàn thành những lát bánh tét đủ màu sắc tím vừa ngon, vừa đẹp mắt sẽ được mang ra và cúng lễ gia tiên. Sau đó trong bữa cơm cuối năm cũ đầu năm mới, bánh được dọn lên và ăn kèm thịt kho tàu hay chiên lại cho bữa sáng tiện lợi vào ngày hôm sau.

2. Mứt chuối phồng Bến Tre

Từ xưa người miền Tây đã có truyền thống làm nhiều món bánh  mứt vào dịp Tết để cúng ông bà, dùng trong nhà và đãi khách từ xa đến. Và ở vùng đất du lịch Bến Tre thì mứt chuối phồng là một trong những món được ưa chuộng nhất. Những miếng mứt chuối có lớp bánh tráng bên ngoài giòn tan ẩn chứa vị chuối thơm ngọt bên trong hòa cùng hương thơm cay cay của gừng già, vị béo béo của đậu phộng tạo nên món ngon hấp dẫn của nền ẩm thực Nam Bộ.

3. Mứt dừa miền Tây

Nhắc đến dừa ai cũng nghĩ đến Bến Tre - vùng đất của nhiều khu du lịch sinh thái nổi tiếng như Cồn Phụng, khu du lịch Lan Vương, Hạ Thảo,... Tuy nhiên không chỉ ở xứ dừa mới có nhiều dừa và đặc sản Tết miền Tây mang tên mứt dừa mà món ngon này có mặt ở rất nhiều tỉnh thành Nam Bộ khác như Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang,...

8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh - Đặc sản nức tiếng xứ dừa
Đặc sản nức tiếng xứ dừa. Ảnh: mutdua.ben_tre_11

Người ta thường nói nếu ngày Tết mà không có mứt thì không còn  là Tết trọn vẹn nữa. Và dù từng vùng miền, tỉnh thành có những loại mứt khác nhau, nhưng được ưa chuộng nhất chắc chắn là mứt dừa. Bởi vì mứt dừa rất dễ tìm nguyên liệu và dễ chế biến. Hầu như ai cũng có thể làm được. Chỉ cần có một chút tỉ mỉ và khéo tay là người ta sẽ làm được món mứt có hương vị thơm ngon, ngọt dịu cùng màu sắc bắt mắt, hấp dẫn bao thực khách. Mứt dừa cũng rất dễ bảo quản nên càng được nhiều khách du lịch miền Tây chọn mua làm quà biếu Tết hay các dịp lễ, chạp,...

8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh - Bánh tét lá cẩm Cần Thơ
Bánh tét lá cẩm Cần Thơ. Ảnh: Wild.daisy278

Bên cạnh bát tét, chuối phồng và mứt dừa, còn cò nhiều món ngon khác của ẩm thực miền Tây được bày bán nhiều vào dịp Tết như bánh tét lá cẩm Cần Thơ họ Huỳnh, mứt sơ ri Gò Công, kẹo mãng cầu me,... Tất cả đều là những món ăn chơi vừa ngon vừa lành khiến bao du khách phương xa phải lòng.

4. Nem Lai Vung - Đồng Tháp

Nem Lai Vung cũng là một trong những đặc sản Tết miền Tây được nhiều người yêu thích. Nếu như xứ nẫu Bình Định có miếng nem Chợ Huyện đậm đà nhấm cùng chén rượu Bàu Đá, Hà Nội có nem Phùng nổi tiếng thì hiếm có người miền Tây nào không biết đến nem Lai Vung. Đó là thứ nem chua có xuất xứ từ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh - Nem có màu đỏ hồng tươi
Nem có màu đỏ hồng tươi. Ảnh: Angibando.

Thoạt nhìn từ bên ngoài, bạn sẽ thấy miếng lá chuối gói gọn phần nem bên trong với màu đỏ hồng tươi. Trong phần nem còn có một miếng tỏi cắt lát và hạt tiêu sọ  đưa vị cay cay. Món ngon miền Nam này thường được dùng làm món ăn khai vị cùng với chả lụa, giò thủ trong những buổi tiệc. Không chỉ vậy, vào những ngày ngán thịt cá, người miền Tây còn dùng nem như món ăn cùng cơm hay bún trong bữa ăn gia đình giản dị. Nem Lai Vung cũng là món rất hợp để ăn chơi, làm mồi nhậu lai rai vì có vị chua ngọt cay vô cùng ngon miệng.

8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh - Nem được gói trong lá chuối
Nem được gói trong lá chuối. Ảnh: Hacooking1468

Những chiếc nem Lai Vung có cách chế biến khá công phu. Hơn thế nữa, mỗi gia đình ở Đồng Tháp cũng có bí quyết riêng của mình. Tuy vậy, cách làm phổ biến vẫn là chọn phần thịt nạc heo còn tươi rồi lọc hết gân, mỡ, sau đó xắt mỏng cho vào cối. Sau khi đã cho thêm đường, muối vừa đủ thì mang giã cho nát hoặc xay nhuyễn. Khi đã xay xong mới cho thêm da heo (bì), thính vào trộn đều, đừng quên rắc thêm vài hạt tiêu và miếng tỏi đã xắt lát mỏng. Công đoạn cuối cùng là gói nem vào lá chùm ruột hoặc lá vông non. Lớp ngoài cùng mới là lá chuối. Đặc sản Tết miền Tây này rất được lòng nhiều du khách vì mang vị chua chua ngọt ngọt cay cay bắt miệng, kích thích vị giác. Nếu có dịp du lịch miền Tây đúng dịp cận Tết bạn nhớ tìm mua để ăn và đãi khách đầu năm nhé.

8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh  - Nem Lai Vung
Nem Lai Vung có cách chế biến công phu. Ảnh: brijan1301

5. Chả hoa ngũ sắc

Cùng với chả lụa, chả bò hay giò thủ quen thuộc trong bàn tiệc ngày Tết, người miền Tây còn sáng tạo nên nhiều loại chả đẹp mắt, ngon miệng khác mà chả hoa ngũ sắc là ví dụ điển hình. Gọi là chả hoa ngũ sắc vì chúng có nhiều lớp tạo thành món ăn đầy màu sắc.

Nhân chả ngũ sắc thường là lòng đỏ trứng muối được bọc thêm lớp thịt bằm mộc nhĩ cà rốt bên ngoài. Lớp tiếp theo là pate và ngoài cùng là ngoài là trứng tráng. Tất cả làm nên một món chả độc đáo ngày Tết, góp phần tạo nên những đặc sản hấp dẫn của vùng sông nước. Ngoài chả ngũ sắc, còn có một món khác có cách làm tương tự là gà rút xương nhồi pate. Cả hai món này đều có thể dùng để bày mâm cỗ cúng ngày Tết, khiến thực khách vừa thấy ngon vừa ấn tượng.

8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh - Chả hoa Năm Thụy
Chả hoa Năm Thụy, món ăn làm đẹp mâm cỗ Tết miền Tây. Ảnh: truyehinhdulich.vn 

6. Lạp xưởng

Lạp xưởng không chỉ là đặc sản Tết miền Tây được yêu thích mà còn là món ăn rất phổ biến ở miền Nam. Đến hẹn lại lên, vào những ngày cận Tết, người ta lại tìm mua lạp xưởng ngon để làm mâm cơm cúng tổ tiên, mừng năm mới thêm tươm tất, để ăn và đãi khách trong những ngày đặc biệt nhất của một năm. Người Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng thường chọn các nguyên liệu gồm thịt heo, mỡ heo, tôm tươi, thịt gà, ngũ vị hương, rượu mai quế lộ trộn chung với gia vị muối, tiêu, đường... để làm thành món ngon này.

8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh - Món lạp xưởng ngon
Món lạp xưởng ngon trứ danh có công thức chế biến riêng của mình. Ảnh: Quaquengon

Lạp xưởng ở các tỉnh Tây Nam Bộ có nhiều loại: từ lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô đến lạp xưởng nạc. Ngoài lạp xưởng heo còn có lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá… hoặc lạp xưởng bò như tung lò mò An Giang. Các địa phương khác như Cần Giuộc (Long An), An Giang đều vô cùng nổi tiếng với món lạp xưởng ngon trứ danh có công thức chế biến riêng của mình. Lạp xưởng có thể được luộc, chiên hay nướng đều rất ngon. Trong đó, được nhiều người ưa chuộng nhất chính là chiên bằng nước. Vì không dùng dầu nên món ăn sẽ vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.

7. Tôm khô Cà Mau

Những ai từng du lịch Cà Mau dù chỉ một lần đều ấn tượng với hệ thồng kênh rạch chằng chịt ở đây. Cũng chính vì thế mà vùng đất này rất dồi dào cá tôm. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, người dân nơi đây đã làm nên đặc sản cá khô, tôm khô chất lượng cao với hương vị thơm ngon, mà vẫn giữ được độ ngọt tự nhiên của hải sản, nhất là tôm. Tôm khô Cà Mau là một trong những đặc sản Tết miền Tây được chọn mua nhiều. Món ngon này có nhiều mức giá khác nhau tùy loại, dao động từ 500k đến hơn 2 triệu và vô cùng hút khách trên thị trường dịp Tết.

8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh - Tôm khô Cà Mau
Tôm khô Cà Mau Ảnh Khundinn

8. Dưa hấu Long An

Ngày Tết miền Tây người ta thường bày mâm tiệc gồm chiếc bánh tét, tô thịt kho tàu, dĩa tôm khô củ kiệu và nhất là không thể thiếu những miếng dưa đỏ ươm ngọt lành. Theo lời những người lớn tuổi thì ngày xưa người ta thường chọn mua dưa hấu tròn để chưng tết. Những quả khác thì lấy ra để cắt ăn dần trong các bữa ăn đầu năm. Dưa hấu có thể ăn như món tráng miệng hoặc đơn giản là dùng để chấm với thịt kho trứng.

8 đặc sản Tết miền Tây trứ danh - Dưa hấu Long An
Dưa hấu Long An. Ảnh: Anhxanhhoaquasach

Long An là tỉnh trồng nhiều giống dưa hấu nổi tiếng nhất miền Nam. Loại đặc sản trái cây này được nhiều người ưa chuộng dịp Tết vì có ruột đỏ au, hạt nhỏ hoặc không hạt, ăn vào ngọt thanh và mọng nước, vô cùng thích hợp với những ngày nắng đầu năm.

8 đặc sản Tết miền Tây trên đây là những gợi ý phù hợp khi bạn đang phân vân chưa biết mua gì làm quà biếu Tết người thân bạn bè khi có du hội du ngoạn miền Tây những ngày cuối năm. 

Theo LuhanhVietNam.com.vn

Ảnh: Internet

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll