Những món bánh này là đặc trưng của xứ Huế và rất được du khách yêu thích. Ai đã ăn một lần thì không thể quên được hương vị của những món đặc sản dân dã này.
BÁNH BÈO
Bánh bèo hấp dẫn từ tên bánh, nhưng hấp dẫn hơn cả là cách ăn, nếu chưa nói đến lạ miệng và ngon. Ai cũng hình dung việc ăn bánh thường phải bóc vỏ, bỏ lá, cắt thành miếng… Thế nhưng bánh bèo Huế lại có cách thưởng thức rất độc đáo. Thưởng thức bánh bèo đúng cách là phải ăn bánh trong từng chén nhỏ xinh xinh (loại chén người xưa hay dùng, gọi là chén bông cỏ) để sao cho khi đổ bột vào bánh phải thật mỏng và hình dáng giống một cánh bèo. Và khi ăn bánh bèo không sử dụng đũa mà bằng que tre vót mỏng như một mái chèo nhỏ, lùa lách vào từng miếng bánh, như là ta đang nhể ốc vậy.
Bánh bèo Huế - Ảnh: sưu tầm
Đến Huế, ở đâu cũng có thể thưởng thức món bánh bèo. Từ những gánh hàng đi rao của các mẹ, các chị, hoặc cũng có thể vào các quán hàng từ các hẻm ngõ cho đến đường phố Huế. Mật độ đông nhất là ở đường Ngự Bình, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quanh Cung An Định… đến mức người ta quen gọi tên phố là “phố bánh bèo” thay cho tên gọi chính thức của nó.
Địa chỉ gợi ý: Ngã ba Trương Định - Bà Huyện Thanh Quan, kiệt bên phải Cung An Định ở đường Nguyễn Huệ: Quán Bà Đỏ ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm: bánh lọc Mụ Cai ở cuối đường Chi Lăng (quán này nổi tiếng nhưng phải có người chỉ đường vi rất khó tìm)
MẶN MÀ BÁNH BỘC LỘC NHÂN TÔM XỨ HUẾ
Bánh bột lọc vốn là món ăn phổ biến trên khắp đất nước, đặc biệt là ở vùng Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, ở Huế, bánh bột lọc nhân tôm được người dân bản xứ chế biến và gói ghém theo một cách khá riêng biệt, tạo nên vẻ độc đáo và hấp dẫn của món ăn dung dị này.
Từng chiếc bánh bột lọc hình chữ nhật nhỏ bằng hai đầu ngón tay được gói cẩn thận trong lá chuối xanh. Vỏ bánh màu trắng đục có độ dai dai, sần sựt của bột sắn hòa trộn cùng vị mặn đậm đà của nhân tôm thịt. Nhưng để thưởng thức được trọn vẹn hương vị của bánh bột lọc thì nên dùng tay bóc lá, cầm miếng bánh chấm vào chén nước mắm có vị ngọt từ nước luộc tôm, vị cay nồng của ớt xanh xắt nhỏ. Tất cả tạo nên một vị thanh mát, cay cay nơi đầu lưỡi, ăn hoài mà vẫn không ngấy.
BÁNH NẬM ĐẬM ĐÀ HƯƠNG VỊ HUẾ
Cùng với bánh bèo. bánh lọc, bánh nậm từ lâu đã trở thành món ẩm thực đặc trưng xứ Huế. Bánh nậm truyền thống được làm bằng bột gạo, nhân tôm và gói bằng lá dong. Lúc ăn, lột bánh ra, trải lên đĩa, nhớ để nguyên lá gói, mùi của lá sẽ giúp người ăn đỡ ngấy. Múc nước mắm mặn tưới đều lên bánh, lấy thìa tre lóc ra, gấp thành miếng vuông vức. Bỏ vào miệng, nhớ đừng nhai vội để thưởng thức cảm giác bột gạo tan đều ra, thấm sâu, béo ngậy, thơm lừng.
Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày rằm, mồng một. Đặc biệt, còn có bánh nậm nhân thịt... cóc, dành cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, cũng ngon và hấp dẫn không kém bánh nậm tôm. Bóc một chiếc bánh nậm, phía dưới lớp vỏ mang màu xanh nõn của sự sống sẽ thấy rõ màu trong trắng của bột, màu đỏ son sắt của nhân, có lớp trên, lớp dưới, có trước, có sau như tính cách người Huế.
Bánh nậm đậm đà - Ảnh: sưu tầm
BÁNH XÈO CÁ KÌNH LÀNG CHUỒN DÂN DÃ MÀ NGON
Từ lâu làng Chuồn đã nổi tiếng với nhiều đặc sản. Là một trong ít làng có lễ hội làng được tổ chức vào ngày 16 và 17/7 âm lịch thường niên. Làng Chuồn cũng nổi tiếng với nhiều món ẩm thực như bánh tét làng Chuồn, rượu gạo làng Chuồn, bánh xèo cá kình làng Chuồn. Trong các món ẩm thực, món bánh xèo cá kình lại gắn với chợ. Không có quán bánh xèo ở làng này mà chỉ có những quầy bánh xèo ở chợ. Cái lạ, cái ngon ở bánh xèo làng Chuồn chính là con cá kình. Đặc sản tươi ngon của đầm phá được chế biến một cách dân dã và mộc mạc, một không gian ăn dân dã, một cách ăn dân dã. Sự hòa trộn các yếu tố đó một cách tài tình là để giữ cái chất nguyên sơ của sự hình thành một món ăn. Rời khỏi không gian đó, cách ăn đó chắc cảm giác về sự thú vị sẽ vơi đi rất nhiều...
Bánh xèo cá kình - Ảnh: sưu tầm