DMO là gì? Hé lộ 6 vấn đề về quản lý điểm đến du lịch Việt Nam cần quan tâm
admin | Đăng lúc 13:51 - 28/11/2022

Để một địa điểm, địa danh phát triển, thu hút nhiều du khách giữa rất nhiều sự cạnh tranh ngoài kia không thể thiếu sự hỗ trợ của Tổ chức quản lý điểm đến (DMO). Vậy DMO là gì? Vai trò của DMO cũng như những vấn đề quản lý điểm đến du lịch Việt nam cần quan tâm hiện nay. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

 

Tìm ra lời giải DMO là gì?

DMO là gì?

DMO (Destination Management Organization) - Tổ chức quản lý điểm đến là một tổ chức phi chính phủ đảm nhiệm công tác quản lý một điểm đến cụ thể.

Quản lý điểm đến là quản lý tất cả các hoạt động, yếu tố tạo nên một điểm đến du lịch, bao gồm: địa điểm lưu trú, tour du lịch, phương tiện di chuyển, điểm tham quan, sự kiện….

Vai trò của Tổ chức quản lý điểm đến (DMO) là gì?

Việc quản lý điểm đến thành công đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch ở cấp địa phương, thu hút khách du lịch và hỗ trợ các doanh nghiệp trong phạm vi nhất định.

DMO tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau nhằm thúc đẩy và phát triển các hoạt động du lịch bền vững, bao gồm: 

- Xây dựng chiến lược, phát triển các tiềm năng nổi bật

DMO chịu trách nhiệm tìm kiếm, khai thác những điểm độc đáo, nổi bật của điểm đến mà mình quản lý, từ đó tiến hành nghiên cứu thị trường, thực hiện các chiến lược tiếp thị để quảng bá các sự kiện, sản phẩm, dịch vụ, địa danh và điểm tham quan đến với đông đảo du khách.

 Nhiệm vụ DMO - quản lý/ tiếp thị điểm đến

- Thu hút đầu tư

Để một địa điểm du lịch phát triển bền vững không chỉ cần phát huy những giá trị vốn có mà phải tận dụng những tiềm năng để thu hút nhà đầu tư. Sự góp sức của các nhà đầu tư sẽ giúp cho điểm đến có thêm nguồn lực trong việc bảo tồn và xây dựng các tiện ích, tiện nghi hiện đại, phù hợp với nhu cầu thị trường du lịch nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của điểm đến đó.

- Giải quyết các mối quan tâm của cư dân bản địa

Để đảm bảo xây dựng du lịch bền vững không chỉ cần đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mà còn giải quyết các mối quan tâm, các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống  người dân bản địa. Ví dụ như các tổ chức quản lý điểm đến cần khai thác các hoạt động du lịch có thể kết hợp với người dân để tạo việc làm cũng như thu nhập cho họ. Ngoài ra tổ chức quản lý điểm đến còn đóng vai trò là cầu nối giữa du khách và các doanh nghiệp địa phương, từ đó giúp phát triển các sản phẩm mới hoặc cải tiến những sản phẩm hiện có để đáp ứng nhu cầu của cả khách du lịch và người dân địa phương.

Những vấn đề cần quan tâm trong quản lý điểm đến du lịch Việt Nam

Nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao, Việt nam trở thành địa điểm thu hút không chỉ du khách nội địa mà còn là địa địa điểm yêu thích của du khách quốc tế. Đến năm 2022 cả nước có 8 di sản thế giới, 49 khu du lịch quốc gia, 28 trung tâm du lịch và 12 đô thị du lịch…đây chính là những tiềm năng tạo nên sự đa dạng trong lựa chọn dành cho du khách khi du lịch tại việt Nam. Để gia tăng sức hấp dẫn của mình các điểm đến du lịch Việt Nam cần chú trọng những vấn đề sau:

- Khai thác và hoạch định các tiềm năng nhằm phục vụ tốt nhu cầu của du khách đồng thời xây dựng hình ảnh và thương hiệu  để nâng cao năng lực cạnh tranh của từng điểm đến trong thị trường du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

- Đảm bảo an toàn, trật tự tại các địa điểm tham quan, khu vực lưu trú hay khi du khách tham gia vào các trò chơi như: bay dù lượn, mô tô địa hình, lặn dưới nước, cano kéo dù bay…

- Xây dựng các tiện nghi cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn du lịch, các sản phẩm du lịch cần được cải tiến phù hợp với xu thế và nhu cầu thị trường, từ đó giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và có xu hướng trở lại cũng như giới thiệu cho bạn bè người thân.

- Quan tâm đến vấn đề vệ sinh từ vệ sinh môi trường tại điểm du lịch, nơi ở, nhà vệ sinh công cộng cho đến mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm hay sự gọn gàng của đội ngũ nhân viên.

- Đào tạo đội ngũ nhân viên nhiệt tình, chu đáo, chuyên nghiệp trong cách đón tiếp, phục vụ du khách. Trau dồi tốt các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, trình độ ngoại ngữ… mang lại ấn tượng và sự hài lòng cho khách du lịch khi sử dụng dịch vụ tại các điểm đến.

- Quản lý giá cả sản phẩm và dịch vụ, không để xảy ra tình trạng chặt chém, tăng giá vô tội vạ. Đảm bảo chất lượng sản phẩm tương xứng với giá thành.

Có thể thấy, làm tốt công tác quản lý điểm đến là điều cần được chú trọng và quan tâm nếu muốn hướng đến du lịch bền vững. Các Tổ chức quản lý điểm đến (DMO) là cầu nối giúp phát huy những tiềm năng, nâng cao giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế.

Theo Hoteljob.vn

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll