Nhắc đến Nha Trang nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những bãi biển với phong cảnh thu hút. Tuy nhiên đối với những ai yêu thiên nhiên thì có một địa điểm không thể bỏ qua. Đó là Viện hải dương học.
Vài nét về viện hải dương học
Vị trí
Viện hải dương học tọa lạc tại số 1, Cầu Đá, thành phố Nha Trang trên một vùng đất cao ráo rộng rãi. Nó nằm cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 6km về phía Đông Nam, du khách có thể dễ dàng ghé thăm. “Bảo tàng” thủy sinh này nằm đúng nơi hội tụ của hai dòng hải lưu nóng – lạnh. Chính vì thế, nơi đây rất đa dạng về các loài sinh vật biển, đặc biệt là các rạn san hô với các sinh vật cộng sinh và các loài cá nhiều màu sắc. ngoài ra, vị trí này còn nằm cách hải phận quốc tế không xa. Đây được xem như là vị trí “đắc địa” để xây dựng viện nghiên cứu hải dương.
Lịch sử hình thành và phát triển
Viện được thành lập năm 1922 thời Pháp thuộc. Đây được coi là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á và là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Nơi đây lưu trữ trên 20.000 mẫu vật của hơn 4000 loài sinh vật. Thêm vào đó viện còn có những mẫu vật sống được nuôi và trưng bày trong bể kính.
Quy mô
Viện hải dương học có diện tích lên tới 20ha. Viện được chia làm 5 khu chính. 5 khu đó là: Hồ nuôi sinh vật biển và rừng ngập mặn, Mẫu vật lớn, Rạn nhân tạo, Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa và Đa dạng sinh học biển. Mỗi khu đều có sự đặc trưng và hấp dẫn riêng biệt.
Kinh nghiệm đi viện hải dương học Nha Trang
Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ một số review viện hải dương học Nha Trang về các thông tin như: giá vé, giờ mở/đóng cửa hay những nơi hay ho tại đây.
Giá vé Viện hải dương học Nha Trang
Khác với những khu resort sang trọng, khu vui chơi cao cấp như Vinpearl Land hay các đảo thì giá vé ở đây khá “mềm”
- Người lớn: 40.000/lượt
- Trẻ em hoặc học sinh: 10.000/lượt
- Sinh viên: 20.000/lượt
Hầu hết tất cả những du khách đến đây đều nhận xét rằng với giá vé “hạt dẻ” như trên thì những gì bạn nhận được là quá “hời”. Đối tượng học sinh/sinh viên được hưởng ưu đãi như trên nên khi đến đây, các bạn hãy nhớ cầm theo thẻ học sinh sinh viên nhé!
Viện hải dương học Nha Trang giờ mở cửa/ đóng cửa
Ở đây giờ mở/ đóng cửa được quy định như sau:
- Giờ mở cửa: 6 am
- Giờ đóng cửa: 6 pm
Du khách hãy lưu ý đến khung giờ trên để sắp xếp việc tham quan cho hợp lí. Tránh trường hợp bạn đến quá sớm hay đến sát giờ đóng cửa nên không tham quan được hết các khu ở đây.
Có gì thú vị ở viện hải dương học?
Bảo tàng sinh vật biển và bảo tàng hải dương học là 2 khu vực sẽ đem đến cho bạn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị. Ngoài ra, khu nhà kính và công viên Trường Sa cũng có rất nhiều điều hay ho chờ du khách khám phá.
Bảo tàng sinh vật biển
Bảo tàng sinh vật biển ở đây nổi tiếng với những bộ mẫu vật “khủng”. Đến đây, bạn sẽ được “tận mục sở thị” những gì trước giờ chỉ thấy qua TV hay Internet. Hiện nay tại đây đang lưu giữ 3 mẫu vật “khổng lồ”
- Bộ xương cá voi lưng gù khổng lồ nặng 10 tấn, được tìm thấy trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng. Nó đã bị chôn vùi ở đó hơn 200 năm. Mẫu vật này cao 3m và dài tới 26m
- Tiếp theo là bộ xương bò biển – hay còn được gọi với cái tên “Nàng tiên cá”. Loài này có tuổi thọ khá cao – khoảng từ 60-70 năm. Đây là một loài cá to, khổng lồ và đang dần trở nên hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng.
- Cuối cùng đó là mẫu vật cá nạng hải nặng gần 1 tấn, rộng 5m, dài 3,5m.
Ngoài ra ở đây còn rất nhiều các mẫu vật của các loài khác như cá mập, cá tầm, trai khổng lồ,…
Bảo tàng hải dương học
Bảo tàng hải dương học là một hệ thống không thể tách rời của viện hải dương học Nha Trang. Nếu đến đây mà bỏ qua địa điểm này thì thật là đáng tiếc! Đây là nơi trưng bày về lịch sử của viện, những công trình, thiết bị nghiên cứu cùng lịch sử ngành đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam.
Ở đây hiện đang lưu trữ hơn 20.000 mẫu vật của trên 4000 loài khác nhau. Các loài này không chỉ từ vùng biển Việt Nam mà còn đến từ các nước lân cận. Các mẫu vật được để trần hoặc ngâm trong các bình foocmon và bày trên giá. Hệ thống phân loại cũng được sắp xếp rất khoa học theo loài, theo họ.
“Thủy cung thu nhỏ”
Cái tên “âu yếm” trên chính là dành cho khu nhà kính. Đến đây, bạn sẽ phải mắt tròn mắt dẹt trước vẻ đẹp của những loài sinh vật đầy màu sắc. Nào là những rạn san hô, những loài tảo đủ màu đủ hình dạng đến những loài động vật đáng yêu. Đây chính là nơi lý tưởng để giáo dục các em học sinh về môi trường dưới nước qua đó nâng cao ý thức bảo vệ biển.
Đặc biệt, tại đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng loài cá có cái tên khá kiêu kì – cá công chúa. Thực ra đây chính là loài cá mao tiên. Nó có vẻ ngoài bắt mắt sặc sỡ thế nhưng chớ để bị đánh lừa! Loài cá tưởng chừng như vô hại này lại mang một loại nọc độc gây nguy hiểm.
Công viên Trường Sa
Đây là công viên duy nhất chuyên trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa tại Việt Nam và được khai trương năm 2017.
Trên bờ biển là nơi tọa lạc các hiện vật đặc trưng. Những cột mốc chủ quyền, đèn hải đăng, cây bàng vuông, và bản đồ địa hình đáy Trường Sa đều được tái hiện một cách chân thực nhất bằng mô hình 3D.
Dưới biển là hệ sinh thái rạn san hô vô cùng đa dạng, thành phần loài phong phú và có lịch sử lâu đời.
Viện hải dương học không chỉ là một nơi tham quan đơn thuần. Nó còn là một nơi có giá trị văn hóa và giá trị giáo dục. Bất cứ ai đến với Nha Trang đều nên đến thăm nơi đây một lần. Trên đây là những thông tin cũng như kinh nghiệm đi viện hải dương học Nha Trang mà chúng tôi muốn gửi tới độc giả. Cảm ơn các bạn đã đón đọc.