Tháp Chiên Đàn là một trong những ngôi tháp cổ của nền văn hóa Champa mang kiến trúc và trang trí khác biệt so với những công trình cùng niên đại nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng như du khách cả nước.
Tháp Chiên Đàn nằm ở đâu?
Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn - hai Di sản thế giới được UNESCO công nhận mà còn là vùng đất của những ngôi tháp cổ kính có tuổi thọ hàng nghìn năm, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mà còn sở hữu một ngọn tháp cổ nằm nép mình khiêm nhường về phía Tây của quốc lộ 1A, thuộc làng Chiên Đàn, xã Tam An, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Chiên Đàn chọn cho mình một chỗ đứng riêng biệt nhưng cũng rất thuận tiện để tham quan, cách thị xã Tam Kỳ 10km về phía Bắc, cách Đà Nẵng 60km về phía Nam. Nếu có dịp du lịch Quảng Nam hay Huế, Đà Nẵng, bạn có thể kết hợp cùng chuyến ghé thăm quần thể ba tháp Chàm Chiên Đàn đứng song song với nhau, đóng thành hàng thẳng theo trục Bắc – Nam, có các cửa chính đều cùng quay về hướng đông trên một gò cao này nhé.
Ý nghĩa tên gọi tháp Chiên Đàn
Theo tiếng Phạn thì phiên âm của từ Chiên Đàn là từ chữ Chandan mang ý nghĩa là cây lô hội.
Người xưa dùng tên gọi này để đặt tên cho cụm ba ngọn tháp Chàm đứng song song với nhau theo trục Bắc - Nam, nhưng lại cùng hướng mặt về phía Đông, bao gồm: Tháp Bắc, Tháp Giữa và Tháp Nam. Công trình tôn giáo đặc sắc này được dựng nên với mục đích làm nơi thờ cúng ba vị thần: SIVA, VISHNU, BRAHMA trong văn hóa Champa.
Các tháp còn có tên gọi chung khác là Kalan. Đây được xem như kiến trúc quan trọng nhất trong quần thể đền - tháp Ấn Ðộ giáo vì nó tượng trưng cho một tiểu vũ trụ riêng biệt, gồm 3 phần:
- Ðế tháp được gọi là Bhurloka thể hiện thế giới trần tục.
- Thân tháp được gọi là Bhuwarloka mang ý nghĩa về thế giới tâm linh. Đó cũng là khu vực trung gian - nơi mà con người tự thanh tịnh bản thân để có thể tiếp xúc với tổ tiên, hướng đến tinh thần hòa nhập với thần linh.
- Mái tháp được gọi là Swarloka. Phần này tượng trưng cho thế giới thần linh. Đây là nơi các chư thần tụ tập. Chính vì vậy tất cả đều quay mặt về hướng Đông. Bộ phận này của tháp Chiên Đàn được xây dựng trong suốt thế kỉ 11 và 12.
Tháp Chiên Đàn được xây dựng khi nào?
Tháp cổ Chiên Đàn được xây dựng vào cuối thế kỷ X - đầu thế kỉ XI. Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, bị ảnh hưởng bởi thời tiết và chiến tranh nên hiện nay, ngôi tháp không còn giữ được cấu trúc nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, khu vực trung tâm vẫn vẹn nguyên dáng dấp hoàn chỉnh, đặc trưng cho kiến trúc Chămpa cổ, thể hiện rõ nhất ở phần thân và chóp mái. Riêng hai tháp Bắc - Nam nằm hai bên thì chỉ còn giữ được một phần thân. Theo các nhà nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ học, thì tháp Nam Chiên Đàn được xây dựng trước nhất, sau đó là tháp giữa trung tâm và cuối cùng là tháp Bắc.
Kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn lịch sử
Là một công trình tôn giáo - văn hóa, địa điểm du lịch Quảng Nam nổi tiếng, tháp Chiên Đàn dù bị hư hại khá nhiều nhưng mang sức hút và sự quyến rũ khó cưỡng với du khách. Bởi ẩn chứa trong công trình nghìn năm tuổi đó, là một dáng vẻ trang nhã và cổ điển khiến người ta liên tưởng tới Thánh địa Mỹ Sơn, đồng thời cũng có phong cách của các tháp ở Bình Định.
Hơn hết, ngọn tháp này vẫn giữ được nguyên vẹn dáng dấp của một tháp Chăm cổ với tháp vuông có các tầng mái. Đặc biệt khu vực tháp trung tâm cao hơn hẳn các tháp còn lại. Ngoài ra, tất cả vòm cửa đều được vót nhọn lên phía trên như hình mũi giáo. Với sự kết hợp kỳ lạ, độc đáo của nhiều phong cách kiến trú Chăm khác nhau qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân cổ đã tạo nên công trình ấn tượng ở xứ Quảng Nam ngày nay.
Nếu phân tích sâu hơn về kiến trúc của tháp Chiên Đàn Quảng Nam thì mỗi tháp trong quần thể này được gọi là một Kalan, còn được gọi là tiểu vũ trụ. Cả ba ngôi tháp đều có hình dạng giống nhau với đế tháp hình vuông, mái tháp là các tầng thu nhỏ dần lên phía trên. Hầu hết các cột ốp tường nhô ra vừa phải. Từng tháp đều có 3 cửa giả với phần trên có vòm uốn cong nhọn hình lá bồ đề và một cửa ra vào.
Phần thân của tháp cổ này khác biệt các ngôi tháp khác ở chỗ không có hoa văn trang trí. Bù lại, khu vực chân tháp được xây vô cùng chắc chắn, thậm chí nền móng và trên các đường diềm mái được ốp bằng đá sa thạch và chạm một dãy mặt Kala.
Tính tới thời điểm hiện tại thì Chiên Đàn là nơi lưu giữ số hiện vật điêu khắc bằng sa thạch nhiều nhất trong nhóm 3 tháp ở Quảng Nam gồm: Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An. Thật vậy, trải qua gần 10 thế kỉ nơi này vẫn còn lưu lại được những tác phẩm bằng đá tinh vi, sinh động mang cảm hứng từ sử thi Ramayana lừng danh của Ấn Độ.
Hầu hết các tác phẩm điêu khắc trong tháp cổ được thể hiện dưới các hình thù đa dạng, bao gồm những chiến sĩ cầm vũ khí trong tư thế canh gác hay chiến đấu, hoặc hình các vũ nữ mình trần đang nhảy múa điệu Chămpa cổ xưa với dáng vẻ uyển chuyển, linh hoạt. Bên cạnh đó là hình của các nữ thần, tượng linh vật, biểu tượng trong văn hóa Chăm như rắn Naga, chim thần Garuda, voi với đầu quay ngang có đôi vai to, sư tử, bia đá,…
Riêng về những bức tượng ở tháp Chiên Đàn được thể hiện khá đơn điệu, mộc mạc chứ không đa dạng hay sinh động như các bức chạm khắc bằng đá ở phần chân tháp. Theo góc nhìn từ các nhà nghiên cứu thì hầu hết chúng không mang nét duyên dáng nhẹ nhàng như phong cách Trà Kiệu, cũng không còn các chi tiết trang trí rườm rà như phong cách Tháp Mẫm mà giản dị và khỏe khoắn hơn.
Tháp cổ Chiên Đàn với kiến trúc độc đáo, kho tượng người và động vật còn bảo lưu nét đẹp của nghệ thuật Trà Kiệu từ cuối thế kỷ X được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị nghệ thuật cũng như lịch sử. Nơi đây cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nếu có dịp đến Quảng Nam, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm và tham quan di tích cổ này nhé.