Văn Thánh Miếu – Điểm đến văn hoá hấp dẫn của Vĩnh Long
admin | Đăng lúc 14:27 - 14/01/2022

Văn Thánh Miếu hay còn được ví là “Quốc Tử Giám ở Nam Bộ” là di tích lịch sử nổi tiếng của Vĩnh Long. Khi đến đây du khách có cơ hội tìm hiểu về lịch sử văn hoá cũng như kiến trúc cổ xưa đậm tính dân tộc. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được xây dựng nhằm đề cao Nho giáo. Và đây cũng là một điểm đến du lịch hấp dẫn được đông đảo du khách gần xa ghé thăm khi có dịp du lịch Vĩnh Long.

 

Quang cảnh bình yên
Quang cảnh bình yên

Vài nét về lịch sử Văn Miếu Thánh Vĩnh Long

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là được mệnh danh là “Quốc Tử Giám” của vùng đất Nam Bộ. Người chủ xướng xây dựng công trình này là Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông. Toạ lạc bên bờ sông thuộc làng Long Hồ nay là phường 4, TP Vĩnh Long; Văn Thánh Miếu được xây dựng để thờ cúng Khổng Tử. Đây cũng là tụ điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước.

Khi chiếm thành Vĩnh Long, Pháp lấy cớ thiếu gỗ xây dựng dinh tham biện định phá bỏ Văn Thánh Miếu. Lúc đó những người Minh Hương đứng đầu là ông Bá hộ Trương Ngọc Lang đứng ra ngăn cản. Chính vì vậy công trình văn hóa này mới tồn tại đến hôm nay.

Nét đẹp kiến trúc của Văn Thánh Miếu

Cổng tam quan

Cổng tam quan của Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
Cổng tam quan của Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Sau hơn 100 năm xây dựng, Văn Thánh Miếu đến nay vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ xưa của mình. Cổng tam quan xây theo lối cổ lâu uy nghi với ba tầng mái được sơn màu thiếp vàng. Cổng được thiết kế theo hình vòm, đơn giản nhưng đầy tính mỹ thuật. Phía trên cổng chính có ba chữ Hán “Văn Thánh Miếu” và phía dưới là hàng chữ quốc ngữ; hai bên cổng chính có đôi câu đối bằng chữ Hán.

Điện Đại Thành

Đi qua cổng là con đường thần đạo dẫn lối vào điện Đại Thành. Có ba tấm bia đá nằm trên con đường thần đạo này. Tấm bia số 1 là trước tác của Phan Thanh Giản trước khi tuẫn tiết. Tấm bia số 2 để kỷ niệm Tống Hữu Định,giới trí thức trong cuộc trùng tu ngôi miếu lần 2. Cuối cùng, tấm bia số 3 ghi lại di chúc của Trương Thị Loan (con gái Bá hộ Trương Ngọc Lang)

Bia đá nằm trên con đường vào điện Đại Thành
Bia đá nằm trên con đường vào điện Đại Thành

Cuối đường thần đạo chính là điện Đại Thành. Bên trong nơi chính điện thờ Khổng Tử và bốn vị cao đồ được ban gọi là “Tứ Phối”. Bàn thờ hai bên tả hữu thờ 12 vị cao đồ. Hai bên chính điện có hai gian nhà để thờ 72 vị là học trò giỏi của Khổng Tử.

Tuỵ Văn Lâu

Tụy Văn Lâu (hay Văn Xương Các) nằm bên phải đường thần đạo. Năm 1914, Tụy Văn Lâu mới được trùng tu với nền gạch; cột gỗ căm xe; mái lợp ngói ống. Trong Tụy Văn Lâu còn lưu giữ Sắc phong thần của nhà Nguyễn trao cho Phan Thanh Giản. Tầng trên lầu thờ ba vị Văn Xương Đế Quân(những vị thần chuyên lo việc học hành thi cử). Tầng dưới thờ Sùng đức tiên sinh Võ Trường Toản và cụ Phan Thanh Giản. Nơi đây còn thờ các quan trọng thần ở Vĩnh Long:Tổng đốc Trương Văn Uyển, Đốc học Nguyễn Thông…

Tuỵ Văn Lâu ( Văn Xương Các)
Tuỵ Văn Lâu ( Văn Xương Các)

Kinh nghiệm tham quan Văn Thánh Miếu

Nếu muốn tham quan Văn Thánh Miếu bạn có thể đăng ký các Tour Miền Tây có hành trình về Vĩnh Long. Trường hợp các bạn muốn đi du lịch tự túc có thể di chuyển đến Vĩnh Long bằng xe khách hoặc xe máy đều được.

Hàng năm tại điện Đại Thành có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh; có lễ vía cụ Phan Thanh Giản vào các ngày 4 và 5 tháng Bảy âm lịch; lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12 và 13 tháng Mười âm lịch. Các bạn có thể cân nhắc tham quan ngôi miếu vào những dịp lễ trên để có thể khám phá về văn hoá lịch sử, công trình kiến trúc tuyệt đẹp cũng như bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân.

Tuy đã được tu bổ nhiều lần Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ của mình. Ngôi miếu đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Đây chính là niềm tự hào đối với những người con xứ Vĩnh Long. Hy vọng bạn sẽ có 1 chuyến đi tuyệt vời khi đến đây nhé!

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll