Văn Miếu Quốc Tử Giám được biết đến là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Văn Miếu không chỉ là di tích lịch sử nổi tiếng của thủ đô mà còn chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử tinh hoa của dân tộc.
Đôi nét khái quát về Văn Miếu
Văn Miếu Quốc Tử Giám ở đâu?
Văn Miếu thuộc khu vực quận Đống Đa, Hà Nội. Nếu đi từ Hồ Gươm thì bạn sẽ theo đường Lê Thái Tổ. Sau đó rẽ phải vào đường Tràng Thi. Tiếp tục đi về phía đường Cửa Nam, Nguyễn Khuyến rồi cuối cùng rẽ trái vào đường Văn Miếu. Cần chú ý là đường Hà Nội có rất nhiều đoạn một chiều. Vì thế nên bạn cần chú ý tuân thủ đúng luật để tránh vi phạm luật giao thông.
Nếu lựa chọn bằng xe bus, bạn có thể lựa chọn những tuyến sau: 23, 02, 38, 41, 25.
Giá vé vào Văn Miếu Quốc Tử Giám
Hiện tại khi du lịch Văn Miếu thì du khách phải mua vé tham quan. Giá vé dành cho người lớn có mức giá là 20.000đ. Vé trẻ em có mức giá là 10.000đ. Đây được coi là mức giá khá rẻ. Giá áp dụng đồng thời cho cả khách Việt Nam và khách nước ngoài. Lịch mở cửa Văn Miếu Quốc Tử Giám là tất cả các ngày trong tuần, từ Thứ Hai đến Chủ Nhật.
Nét độc đáo của Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng năm nào?
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới thời Vua Lý Thánh Tông. Vua cho tạc tượng Khổng Tử, Chu Công, cùng tứ phối và hình vẽ các hiền nho. Mục đích là để thờ cúng, tế lễ bốn mùa.
Đến năm 1076, Vua Lý Nhân Tông cho xây nhà Quốc Tử Giám liền ngay sau Văn Miếu. Đầu tiên, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý. Cho đến năm 1253, Vua Trần Thái Tông cho mở rộng quy mô Quốc Tử Giám. Từ đó thu nhận cả con cái thường dân có học lực xuất sắc vào học.
Đến thời kì Hậu Lê, Nho giáo thịnh hành. Năm 1484, Vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ của những người đỗ Tiến sĩ từ khóa thi năm 1442 trở đi. Đến thời kỳ hiện nay tại Văn Miếu chỉ còn lại 82 tấm bia tiến sĩ.
Kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám
Khu vực đầu tiên tính từ cổng chính Văn Miếu cho đến cổng Đại Trung Môn. Hai bên phải trái của Đại Trung Môn có 2 cửa nhỏ. Phía bên trái có tên gọi cửa Thành Đức (trở thành người có đức). Phía bên phải có tên gọi cửa Đạt Tài (trở thành người có tài). Cổng Đại Trung Môn được xây theo kiến trúc thuần Việt 3 gian. Chính giữa cổng treo 1 tấm biển đề chữ Đại Trung Môn.
Khu vực thứ hai tính từ Đại Trung Môn là Khuê Văn Các. Khuê Văn Các được xây dựng vào năm 1805. Công trình độc đáo với kiến trúc gỗ lấy hình ảnh là ngôi sao Khuê tỏa sáng rực rỡ. Các mặt của Khuê Văn Các được tạo hình 4 cửa sổ tròn với những con tiện tỏa hào quang ra bốn phía. Khuê Văn Các được coi là biểu trưng cho nền giáo dục và văn chương Việt Nam.
Khu vực thứ ba là giếng nước hình vuông Thiên Quang. Không gian nơi đây tạo nên sự tương sinh thủy mộc.
Tổng thể Văn Miếu có 2 hàng bia tiến sĩ ghi danh các sĩ tử đỗ đạt. Mỗi hàng bia tiến sĩ có 41 bia. Các bia đá được đặt trang trọng trên một con rùa tượng trưng cho sự bất tử. 82 tấm bia đá là biểu trưng ý nghĩa cho những con người từng đã từng đỗ đạt thành danh. Đây chính là sự tượng trưng cho sự hiếu học của người Việt Nam qua 82 khoa cử.
Ý nghĩa lịch sử của Văn Miếu
Văn Miếu có ý nghĩa to lớn là trường đại học đầu tiên của nước ta. Hình ảnh Văn Miếu Quốc Tử Giám chính là niềm tự hào về truyền thống hiếu học bất diệt. Những bảng vàng rực rỡ của ông cha là tấm gương soi sáng, là ngọn đuốc rực cháy với hậu thế.
Ngoài ra, ngày nay Văn Miếu còn là địa điểm tổ chức nhiều hội thơ. Là địa điểm để khen tặng những học sinh ưu tú, có thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó còn là địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch. Đồng thời, mỗi dịp tết đến xuân về, đây cũng là điểm hẹn “xin chữ” của người dân Hà Nội. Văn Miếu còn là nơi các “sĩ tử” trước mỗi kỳ thi thường tìm đến để cầu mong có một kết quả như ý.
Văn Miếu Quốc Tử Giám chính là một viên ngọc sáng của dân tộc Việt. Chắc hẳn đây sẽ là điểm đến thú vị trong chuyến hành trình sắp tới của bạn.