Côn Sơn Kiếp Bạc là quần thể kiến trúc cổ kính và khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Nơi đây luôn níu giữ du khách bởi sự yên bình, trong lành. Hãy cùng khám phá di tích lịch sử và thiên nhiên tươi đẹp nơi đây nhé!
Côn Sơn Kiếp Bạc ở đâu?
Đây là cụm di tích thuộc tỉnh Hải Dương. Chùa Côn Sơn thì thuộc xã Cộng Hòa, cách Hà Nội khoảng 70 km. Đền Kiếp Bạc thuộc thôn Dược Sơn và thôn Vạn Kiếp. Tên gọi Kiếp Bạc cũng là ghép tên của hai thôn nơi xây dựng đền.
Để đến với khu du lịch Côn Sơn Kiếp Bạc thì du khách di chuyển từ Hà Nội theo hướng cầu Thanh Trì. Đi qua cầu Thanh Trì theo hướng cao tốc Hà Nội – Bắc Ninh. Sau đó di chuyển đến đầu thành phố Bắc Ninh thì có biển chĩ dẫn rẽ đi Phả Lại. Đi theo biển chỉ dẫn này đến ngã 3 thị trấn Sao Đỏ thì có biển chỉ đường đi Côn Sơn – Kiếp Bạc. Cứ theo các biển chỉ dẫn tại đây du khách sẽ đến được khu di tích này.
Về thăm Côn Sơn Kiếp Bạc lắng nghe lịch sử nơi đây
Côn Sơn Kiếp Bạc là khu di tích gồm chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc. Nơi đây nổi tiếng yên bình. Đến đây du khách sẽ sống lại những phút giây hào hùng của dân tộc. Thưởng ngoạn cảnh đẹp, tận hưởng bầu không khí trong lành và chắc chắn không thể thiếu những hình ảnh đẹp về Côn Sơn Kiếp Bạc.
Khu di tích Côn Sơn
Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, sơn thủy hữu tình là ấn tượng đầu tiên của bất kì ai khi đến nơi đây. Chùa được xây dựng từ thế kỉ XIV, cho đến nay trải qua nhiều lần tu bổ nhưng vẫn giữ được nét cổ kính nguyên sơ. Phía Bắc chùa có núi Ngũ Nhạc. Bên cạnh chùa là núi Côn Sơn. Nguyễn Trãi đã ngợi ca cảnh đẹp nơi đây bằng những câu thơ:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.”…
Qua những câu thơ ta thấy Nguyễn Trãi đã dành cho nơi đây biết bao tình cảm mến thương. Đến mảnh đất địa linh nhân kiệt này, du khách sẽ được tìm hiểu một thời hào hùng lịch sử của dân tộc ta. Ngôi chùa này có kiến trúc chữ Công, gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà Tổ,…
Các địa điểm nổi tiếng quanh Côn Sơn mà du khách không thể bỏ lỡ: Thanh Hư động, Đền thờ Nguyễn Trãi, Đền thờ Trần Nguyên Đán, bàn cờ tiên, Đăng Minh Bảo tháp, hồ Côn Sơn, suối Côn Sơn… Các địa điểm này rất gần chùa Côn Sơn, do đó du khách tham quan tại chùa đừng quên ghé các địa điểm này nhé.
Đền thờ Nguyễn Trãi
Đây là công trình trọng điểm ở Côn Sơn. Di tích này vô cùng đẹp và thanh bình. Con đường vào đền du khách sẽ được đi trên cây cầu đá. Tam quan đền có tượng Nguyễn Trãi được đúc bằng đồng. Nhân dân ta luôn tỏ lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc đến vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Khu di tích Kiếp Bạc
Nằm trong thung lũng tươi xanh, trù phú. Khu di tích Kiếp Bạc có núi Rồng hùng vĩ bao xung quanh. Sự khoáng đạt, thanh bình nơi đây sẽ khiến du khách xóa tan đi mọi mệt mỏi, ưu phiền. Đền Kiếp Bạc có khuôn viên rộng lên đến 13,5 km2. Lối kiến trúc cổ kính nơi đây sẽ khiến du khách bị cuốn hút. Cổng tam quan của đền xây dựng theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”.
Với bề dày lịch sử hơn 700 năm, khu di tích Kiếp Bạc là trung tâm văn hóa tâm linh lớn ở đồng bằng Bắc Bộ. Do đó nơi đây tổ chức các lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự.
Lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc
Lễ hội nơi đây gắn với những nét văn hóa dân gian đặc sắc. Lễ hội diễn ra hằng năm với hai mùa. Lễ hội mùa xuân Côn Sơn Kiếp Bạc và lễ hội mùa thu Côn Sơn Kiếp Bạc.
Lễ hội mùa xuân
Lễ hội này được tổ chức ngày 16 đến 23 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội nhằm tưởng nhớ ngày mất của Đệ Tam thánh tổ Huyền Quang Tôn giả. Những nghi lễ chính của lễ hội như tế lễ, diễn xướng, lễ tế trời đất. Các trò chơi náo nhiệt như đập niêu, pháo đất, chọi gà, cờ người…
Lễ hội mùa thu
Diễn ra từ ngày 15 đến 20 tháng Tám Âm lịch. Lễ hội nhằm tưởng nhớ ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và anh hùng Nguyễn Trãi. Các nghi thức được diễn ra trang trọng như: Lễ rước cỗ tiễn Thánh, lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu. Lễ cầu an, lễ ban ấn,… nhiều trò chơi dân gian thu hút người dân tham gia.
Hòa mình vào phong cảnh hữu tình, du khách sẽ thấy cuộc đời sao mà đáng yêu đến thế. Mọi mệt mỏi được xua tan. Đến Côn Sơn Kiếp Bạc vào mùa lễ hội, du khách cũng sẽ đắm chìm trong những trò chơi dân gian, các nghi lễ trang trọng nhằm ghi nhớ công ơn các bậc tiên tổ.