Nhắc tới mảnh đất Tây Nguyên người ta hình dung tới một bức tranh sơn thủy hữu tình, tới những bản trường ca hùng tráng hòa quyện trong không gian văn hóa cồng chiêng. Nhưng ít ai biết được vùng đất ấy còn ẩn chứa trong mình biết bao điều huyền bí. Một lần ngược miền thượng xa xôi, chợt ngỡ ngàng rằng giữa đại ngàn hùng vỹ lại xuất hiện một công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa của người Chăm – tháp Chăm Yang Prong.
Bức tranh sơn thủy hữu tình ở Tây Nguyên - Ảnh: Độc Nhất Vô Nhị
Tháp Chăm Yang Prong tọa lạc trong một cánh rừng thưa thuộc địa phận xã Earok, huyện Easup, tỉnh Đăk Lăk. Từ thành phố Buôn Ma Thuột đi theo đường tỉnh lộ 1 về phía Tây Bắc khoảng chừng 100km, du khách sẽ tới một mảnh đất vùng sâu vùng xa của tỉnh, nơi mà dân cư còn rất thưa thớt và hiện hiển xung quanh là bạt ngàn màu xanh của rừng nhiệt đới với những cây bằng lăng cổ thụ, những hệ thực vật dây leo, địa y phong phú và thấp thoáng đâu đó là những giò phong lan lơ thơ đầy quyến rũ.
Đường lên Easup - Ảnh: Maijanduc
Và rồi giữa không gian hoang vu ấy, tháp Chăm Yang Prong đứng sững sững ở đó như dấu tích còn sót lại của những câu chuyện đang dần chìm trong cõi vô định của thời gian. Một công trình kiến trúc đã tốn bao công sức nghiên cứu của những nhà khảo cổ, bao giải thuyết được đặt ra để chứng minh cho sự xâm thực từ lâu đời của nền văn hóa Khomer trên mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại.
Tháp Yang Prong đứng sừng sững giữa rừng - Ảnh: Mộc_Bmt
Người ta cho rằng tháp Yang Prong do người Chăm xây dựng ở Đăk Lăk từ thế kỷ XVIII, tương ứng với triều đại vua Chăm Jaya Sinhavarman III và triều đại nhà Trần của nước Đại Việt ở phía Bắc. Nhưng sau đó, người ta nhận thấy dường như người Chăm dần vắng bóng trên mảnh đất này, gây nhiều tranh cãi cho giới chuyên môn.
Vén màn đại ngàn tìm về Yang Prong - Ảnh: Sưu tầm
Yang Prong hiện ra mang đậm vết tích của thời gian - Ảnh: Sưu tầm
Tháp Yang Prong được coi là một công trình tôn giáo thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga trong văn hóa của người Chăm. Nhưng tới ngày nay, ngọn tháp này lại trở thành một địa điểm tâm linh của người dân vùng đất Easup, từ người Gia Rai, Ê Đê, M’nông cho tới người Kinh đều xem đó như một nơi chốn thiêng liêng. Cái tên Yang Prong lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Với người Ê Đê, Yang Prong tức là một vị thần lớn hay còn gọi là thần tối cao.
Yang Prong lẩn khuất dưới những tán rừng già Easup - Ảnh: Trần Đức Ngôn
Những câu chuyện ẩn chứa sau ngọn tháp là điều thu hút du khách thập phương tìm về Yang Prong trong hành trình du lịch Đăk Lăk. Nhưng khi chiêm ngưỡng công trình kiến trúc này, lòng mỗi người lại mang những cảm xúc khó tả. Nào biết rằng, một ngọn tháp kỳ bí lại có một địa thế đẹp tới vậy. Tháp Yang Prong không xây trên những ngọn đồi cao mà chìm lấp dưới những tán cổ thụ của rừng già Easup. Để rồi quanh đó, con sông Ea H''''''''''''''''leo không ngừng chảy, cứ e ấp uốn lượn quanh khu rừng thưa tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ.
Du khách say mê khám phá Tháp Yang Prong - Ảnh: Sưu tầm
Nước chảy bốn mùa, những tàn cây xanh suốt tháng và lẩn khuất giữa không gian yên bình đó ngọn tháp Yang Prong điêu linh, huyền bí. Thực và ảo đan xen vào nhau, bàn tay tạo hóa và bàn tay con người cùng vẽ nên một hình hài đầy mê hoặc khiến người lữ khách cứ nôn nóng muốn vén bức màn đại ngàn để được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc còn mang bao điều bí ẩn.
Ngọn tháp được thiết kế kiểu hình búp măng - Ảnh: Sưu tầm
Tháp Yang Prong không hề đồ sộ, ngọn tháp chỉ cao 9m, được thiết kế theo kiểu hình búp hoa, nền hình vuông, mỗi chiều năm mét. Toàn bộ tháp được xây bằng gạch nung đỏ trên một nền Cao Bằng đá xanh. Càng lên cao, công trình được thiết kế càng nhỏ dần, chóp tháp là những viên gạch được xếp chồng lên nhau. Nhìn xung quanh, người ta chỉ phát hiện ra một cửa vào duy nhất mở về hướng Đông có bề rộng 1,6m. Không gian trong lòng tháp chỉ rộng 5m3, nhìn vào ba mặt tường còn lại là những cửa giả mang tính chất tượng trưng. Một điều đặc biệt là trong tháp không hề được trang trí hay có bất cứ tượng thờ nào.
Mặt sau của tháp Yang Prong - Ảnh: Sưu tầm
Kiến trúc độc đáo của tháp Yang Prong - Ảnh: Sưu tầm
Một công trình kiến trúc tuy đơn giản những lại ẩn chứa bao điều kỳ thú. Người ta tìm về nơi ấy để thỏa cái trí tò mò, để thử cái cảm giác vạch lá ở rừng, vén màn thiên nhiên và kiếm tìm bí mật. Câu chuyện về ngọn tháp mãi không dừng lại ở đó. Cứ mỗi lần du lịch lên vùng cao nguyên Đăk Lăk là người ta lại nhắn nhủ nhau tìm về tháp Yang Prong. Công trình ấy cứ đứng đó, sừng sững giữa đại ngàn hùng vỹ, in đậm dấu ấn của thời gian hoang phế, như một chứng nhân lịch sử tự ngàn xưa, minh chứng cho sự hiện hữu của người Chăm một thời trên mảnh đất Tây Nguyên.
Nguồn: My tour