Tháp bà Ponagar đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Chăm Pa
admin | Đăng lúc 9:06 - 20/12/2021

Không chỉ là một điểm du lịch đơn thuần, tháp bà Ponagar còn là một di tích lịch sử. Nơi đây lưu giữ những gì đẹp và tinh túy nhất về văn hóa của vương quốc Chăm Pa cổ. 

 

Tháp bà Ponagar ở đâu?

Tháp bà Ponagar nằm trên một ngọn đồi nhỏ ven dòng sông Cái
Tháp bà Ponagar nằm trên một ngọn đồi nhỏ ven dòng sông Cái

 

Tháp bà Ponagar nay thuộc phường Vĩnh Phước, Nha Trang. Nằm cách trung tâm thành phố 2 km về phía Bắc, đây là một địa điểm mà du khách có thể dễ dàng ghé thăm. Ngôi đền tọa lạc cạnh dòng sông Cái, trên một ngọn đồi nhỏ cách 10-12 m so với mực nước biển.

Lịch sử của tháp bà Ponagar

Ngôi đền được xây dựng trong thời kì Hoàn Vương Quốc (thế kỉ 8-13). Đây là khoảng thời gian mà đạo Hindu đang cường thịnh ở vương quốc Chăm Pa. Trải qua những sự tàn phá của cả con người và thiên nhiên, cho đến ngày nay tháp bà Ponagar vẫn giữ được sự hùng vĩ thuở sơ nguyên. Theo bia đá được khắc năm 817, cấu trúc còn sót lại được xây dựng sớm nhất là Mandapa. Cũng chính bia đá này đã lưu giữ lại những “vàng son” của một quốc gia hùng mạnh trong quá khứ.

Truyền thuyết về Ponagar của người dân Chăm Pa

Nữ vương Po Nagar là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển. Bà là người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Bà có tất cả 97 chồng. Thế nhưng duy chỉ có Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà sinh được 38 người con gái. Sau này tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay.

Ý nghĩa tháp bà Ponagar

Thuở ban đầu nơi đây chỉ là một tòa tháp nhỏ được dùng để thờ Thiên Y thánh mẫu. Tuy nhiên sau khi cùng dân tộc trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi đền được xem như một minh chứng cho sự tồn tại của một nhà nước hùng mạnh trong quá khứ.

Kiến trúc của Tháp bà Ponagar

Kiến trúc ba tầng

Tháp bà Ponagar được xây dựng theo chuẩn kiến trúc Chăm Pa cổ xưa với ba tầng:

    • Tầng thấp: Nơi đây đã từng là vị trí của cổng đền tuy nhiên hiện nay đã không còn nữa. Những gì còn lưu lại bây giờ là những bậc thang đá để dẫn lên tầng giữa
    • Tầng giữa: Nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 mét và cao hơn 3 mét. Ở hai bên các dãy cột lớn có 12 cột nhỏ và thấp hơn, tất cả lại nằm trên một nền bằng gạch cao hơn 1 mét. Vì vậy người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng
Tầng giữa của tháp bà Ponagar
Tầng giữa của tháp bà Ponagar
 
    • Tầng trên cùng: Là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Bậc thang bằng đá ong ở phía Nam tháp bà được xây dựng về sau này để phục vụ nhu cầu du lịch tăng cao.
Tượng nữ thần bằng đá hoa cương màu đen
Tượng nữ thần bằng đá hoa cương màu đen
 

Ở đây, nổi bật nhất là Tháp Bà Ponagar. Tháp được xây dựng với bốn tầng, tượng trưng cho sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo. Bên trong có tượng nữ thần cao 2,6 mét, tạc bằng đá hoa cương màu đen. Tượng thần ngồi trên bệ đá hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Các tháp khác thờ thần Shiva, thần Sanhaka và thần Ganeca.

Kĩ thuật xây dựng

Kĩ thuật xây dựng tháp của người Chăm cổ đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu. Đa phần các công trình ngày nay dùng xi măng để nối hai viên gạch và chúng ta sẽ nhìn thấy lớp kết dính này này. Tuy nhiên đến với tháp Bà Ponagar bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy giữa hai viên gạch không hề lộ chất kết nối nào. Hai viên gạch đặt khít lên nhau một cách hoàn hảo. Có người cho rằng người Chăm cổ đã dùng dầu rái để kết dính hai viên gạch lại với nhau. Tuy nhiên đây chỉ là giả thuyết và bí ẩn này hiện nay vẫn chưa được giải đáp.

Kinh nghiệm du lịch tháp bà Ponagar

Giá vé tháp bà Ponagar

So với những địa điểm “sang chảnh” khác ở Nha Trang thì giá vé ở đây rất rẻ. Chỉ với 22.000 – còn rẻ hơn một cốc trà sữa bạn đã có thể chiêm ngưỡng khu di tích tuyệt vời này. Đối với những ai hứng thú với du lịch tâm linh thì đây chính là một địa điểm không thể bỏ qua.

Tháp bà Ponagar giờ mở cửa/đóng cửa

Tháp bà Ponagar không chỉ mở cửa vào dịp lễ hội mà còn vào cả những ngày thường. Du khách có thể đến đây vào bất kì ngày nào trong khoảng 8 am – 18pm.

Còn nếu muốn được tìm hiểu nhiều văn hóa “hay ho” hơn, du khách có thể đến đây vào dịp lễ hội. Lễ hội diễn ra từ ngày 20-23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là một lễ hội lớn được tổ chức long trọng. Đây không chỉ là một nghi thức quan trọng với người dân địa phương mà còn đối với cả tỉnh Khánh Hòa. Có rất nhiều hoạt động được tổ chức như trình diễn múa lân, múa bóng, đọc kinh cầu an,… Các hoạt động này nhằm cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, tốt lành với người dân.

Đến tháp bà Ponagar mua gì về làm quà?

Những chiếc túi thổ cẩm
Những chiếc túi thổ cẩm
 
Những bức tượng điêu khắc để làm quà lưu niệm
Những bức tượng điêu khắc để làm quà lưu niệm
 

Tại đây có bán các đồ lưu niệm thủ công như tượng điêu khắc, túi vải dệt,… Quý khách có thể mua về làm quà lưu niệm cho người thân và bạn bè. Các món đồ này được bày bán tại cổng hoặc ngay bên trong tháp

Tháp bà Ponagar còn là một địa điểm linh thiêng, một di tích lịch sử. Đây được đánh giá là một địa điểm “đáng” đi đối với những ai muốn tìm hiểu tín ngưỡng và văn hóa của vương quốc Chăm Pa xưa. Nếu có dịp ghé thăm Nha Trang, bạn hãy ghé thăm nơi này nhé!

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll