Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều di tích thành cổ nhất nước ta, ngoài hai di tích thành cổ là Hoàng thành Thăng Long và Thành Cổ Loa nổi tiếng, còn có thành cổ Sơn Tây với lối kiến trúc độc đáo và cổ kính.
Cách thủ đô Hà Nội 45km về phía tây, nằm ở vùng ngoại ô, Thành cổ Sơn Tây thuộc địa phận của cả hai làng cổ là Thuận Nghệ và Mai Trai thuộc thị xã Sơn Tây. Với lối kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ đá ong có một không hai ở Việt Nam, Thành cổ Sơn Tây đã được vua Minh Mạng xây dựng và là một trong những khu căn cứ quân sự quan trọng, bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa.
Thành cổ Sơn Tây ngày nay - Ảnh: Sưu tầm
Cột cờ (vọng lâu) trong thành cổ tháng 4 năm 1884 - Ảnh: Sưu tầm
Cột cờ, Đoan môn và lư hương ngày nay - Ảnh: Sưu tầm
Thành được xây theo cấu trúc hình tứ giác, mỗi bên dài khoảng 40m, tường thành cao khoảng 5m, rộng 4m được xây chủ yếu bằng đá ong xếp chồng lên nhau. Bốn hướng Nam, Bắc, Đông, Tây đều có một cổng để ra vào có tên lần lượt là Tiền, Hậu, Tả, Hữu ứng với bốn phía.
Cửa Tiền là cổng phía Nam của thành, nằm ở đầu phố Quang Trung ngày nay - Ảnh: Sưu tầm
Cửa Hậu là cửa phía Bắc lệch Đông hướng ra sông Hồng - Ảnh: Sưu tầm
Cửa Tả là cổng thành phía Đông lệch nam nhìn ra chợ Nghệ - Ảnh: Sưu tầm
Cửa Hữu là cửa phía Tây lệch bắc - Ảnh: Sưu tầm
Trên mỗi cổng thành đều xây dựng lầu canh gác hay còn gọi là vọng lâu, hai bên vọng lâu có bậc thang dẫn lên lầu canh. Trước mỗi cổng đều có hai khẩu súng thần công dùng để bảo vệ thành. Hiện nay chỉ còn hai khẩu thần công nằm ở cổng phía Bắc thành.
Cầu cửa Bắc ngày nay - Ảnh: Che Trung Hieu
Cửa Bắc thành cổ Sơn Tây với hai khẩu súng thân công còn sót lại - Ảnh: Che Trung Hieu
Vọng lâu trước cổng thành có bậc thang đi lên - Ảnh: Nghia Nguyen Huu
Cũng như phần nhiều các thành trì khác, xung quanh thành cổ Sơn Tây đều có kênh hào bao quanh để bảo vệ thành. Hào sâu khoảng 3m, rộng khoảng 20m và tính toàn thể chu vi khoảng 2km. Hào được nối liền với sông Tích ở phía Tây Nam của thành. Ngoài ra ở phía ngoại thành còn có La thành đắp bằng đất theo bốn hướng để bảo vệ thành.
Hào nước yên ả bao quanh thành cổ - Ảnh: vietnamarchitecture
Các công trình chủ yếu của thành đều xây dựng theo trục chính là hướng Nam – Bắc theo hai cửa trước – sau, bao gồm các di tích như cột cờ, vọng cung, Đoan môn, hành dinh Kính Thiên, Võ miếu.
Cột cờ thành cổ uy nghi sừng sững trong nắng gió - Ảnh: Duc Thang
Cổng tam quan thành (Đoan môn) - Ảnh: Duc Thang
Nếu tham quan theo hướng chính của thành là Nam Bắc, du khách sẽ thấy một lối đi được các rễ cây cổ thụ bao quanh, tỏa bóng xanh um cả một vùng. Đó chính là cổng Tiền nằm ở phía Nam của thành.
Cổng thành như một bức tranh sơn màu cổ tích - Ảnh: tapchithoitrangtre
Đi vào bên trong thành, du khách sẽ thấy ngay cột cờ hùng vĩ cao khoảng 18m được xây dựng trên hai tầng bệ đá ong vững chắc có rào chắn xung quanh bệ. Trên thân cột cờ có khắc các lỗ soi sáng hình hoa thị và dải quạt để chiếu sáng cho bên trong cột cờ. Bên trong cột cờ có cầu thang xoắn dẫn lên đỉnh cột cờ, đứng trên đỉnh cột cờ, du khách có thể ngắm toàn thể khu thành cổ Sơn Tây.
Kỳ đài cao 18m được xây trên một bệ lớn bằng đá ong-Ảnh: Photosvietnam
Tiếp đó là Đoan môn nằm thẳng với cột cờ, gồm 3 cửa, cửa chính lớn nhất nằm ở giữa, hai cửa nhỏ hơn nằm hai bên. Đi qua Đoan môn là một khoảng sân rộng rãi được lát gạch sạch sẽ dẫn thẳng điện Kính Thiên. Đây là nơi quan trọng nhất của thành, dùng làm nơi nghị sự của vua với quan lại.
Đoan Môn mờ ảo trong sương mù - Ảnh: Facebook
Tiếp đó, từ điện Kính Thiên nhìn về phía hướng Đông là khu trại giam và kho lương của thành, đó là nơi dành cho người nhà của binh lính ở. Lại nhìn sang hướng Tây là Võ miếu – nơi ghi danh tên tuổi những người có công đã hi sinh bảo vệ thành. Bên cạnh là dinh thự của các quan lại đầu tỉnh.
Thành cổ rực rỡ trong đêm pháo hoa - Ảnh: facebook
Thành cổ Sơn Tây được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ kinh thành Thăng Long ở hướng Tây Bắc, nơi này hiện nay đã trở thành khu di tích cấp quốc gia với lối kiến trúc độc đáo và vững chắc.
Điện Kính Thiên - Ảnh: Che Trung Hieu
Du khách đến với nơi này sẽ cảm nhận những điều thú vị, tận hưởng bầu không khí cổ xưa. Bốn mùa đều có thiên nhiên trong lành xanh mát với những bờ cỏ xanh tươi, mùa xuân có hàng cây cơm nguội thay lá mới, hoa gạo nở đỏ rực cả góc trời, mùa hè rực lửa với từng chùm phượng đỏ thắm, mùa thu với những hàng cây bồ kết tỏa sắc vàng.
Nét thơ mộng đầy cổ kính - Ảnh: Sưu tầm
Đến thành cổ Sơn Tây vào những ngày đầu xuân với khí trời se lạnh, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng sắc hoa xuân rực rỡ bao quanh bờ hào thành cổ với muôn vàn sắc màu của các loại hoa như hoa mai, hoa đào, quất cảnh, hoa hồng, hoa lan, ly, huệ...bừng sáng cả một góc trời.
Một góc đường cạnh tường thành - Ảnh: Nguyễn Tiến Quang
Con đường bình yên dưới bóng cây - Ảnh: Sưu tầm
Đặc biệt, nếu du khách muốn tận hưởng không gian yên bình, hòa mình vào thiên nhiên thì lại có hàng cây cổ thụ lâu năm với những tán lá rộng và rễ cây vươn dài ôm trọn cả tường thành, cổng thành tạo nên nét rêu phong cổ kính. Điều này sẽ mang lại cho mọi người những phút giây thoải mái tuyệt vời.
Theo Mytour.vn