Không chỉ có vậy, đây cũng là nơi được nhiều loài rùa biển chọn tour "du lịch" kết hợp sinh đẻ.
Nước biển Hòn Cau trong vắt nhìn thấu tận đáy, quyến rũ như một viên ngọc lục bảo, đẹp mê hồn. Ảnh: H.C
Bình Thuận vừa quyết định xếp hạng di tích thắng cảnh cấp tỉnh đối với “Thắng cảnh Hòn Cau” thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau được thành lập ngày 15/11/2010 với tổng diện tích 12.500 ha, bao gồm vùng biển (12.360ha) và đảo Hòn Cau (140 ha) hay còn gọi là Cù Lao Câu với cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo và hấp dẫn.
Hòn Cau được các nhà khoa học xếp vào top đầu về giá trị sinh thái. Khu bảo tồn biển Hòn Cau còn giữ nét hoang sơ với nhiều bãi tắm cát trắng mịn làn nước trong xanh rất thu hút du khách tham quan.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực Hòn Cau có 234 loài san hô, 324 loài cá, 119 loài thân mềm, 32 loài da gai kích thước lớn và 46 loài giáp xác, bò sát, trong đó có nhiều loại quan trọng và giá trị kinh tế cao như tôm hùm bông, tôm hùm đỏ, rùa xanh và đồi mồi.
San hô ở Hòn Cau.Ảnh: H.C
Hòn Cau còn có hệ thực vật biển rất phong phú và đa dạng, điển hình như rong và tảo. Thống kê còn cho thấy, khu vực Hòn Cau có 34 loài thủy sinh vật nằm trong danh mục quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó 1 loài ở mức độ cực kỳ lớn và 11 loài có mức độ rất lớn.
Ngoài ra vùng biển Tuy Phong nói chung và khu vực đảo Hòn Cau nói riêng còn là bãi đẻ của các loài rùa biển khi đến mùa sinh sản.
Hoạt động bảo tồn ở Hòn Cau. Ảnh: H.C
Nơi đây hội đủ các yếu tố, giá trị khoa học về lịch sử, văn hóa, địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên và nhiều loài hải đặc sản quý hiếm, các rạn san hô có độ bao phủ cao, đa sắc màu, hình dáng phong phú.
Hòn Cau được các nhà khoa học xếp vào top đầu về giá trị sinh thái. Ảnh: H.C
Hòn Cau được xem là khu bảo tồn loài, sinh cảnh thủy sinh đáp ứng các tiêu chí là khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh trưởng và phát triển của các loại động thực vật biển quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao. Trong đó có rùa biển, loài động vật nguy cấp, quý hiếm đang sinh sống và lên bờ sinh sản thường xuyên hàng năm. Ngoài ra, trên đảo Hòn Cau còn giữ lại một số di tích, đền thờ thần Nam Hải…
Hòn Cau còn có nhãn rừng - hay còn gọi là nhãn dại, là những cây nhãn mọc tự nhiên không có bàn tay chăm sóc của con người, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thiên nhiên. Trái thường nhỏ hơn nhãn trồng, cơm mỏng hơn nhưng lại rất thơm, vị ngọt thanh, "ăn là ghiền".
Nhãn rừng khi vào mùa thơm lừng. Ảnh: H.C
Vào khoảng tháng 7, các cây nhãn rừng trên đảo Hòn Cau vào mùa chín rộ với những chùm nhãn trĩu nặng, thơm lừng. Một niềm vui nho nhỏ mà thiên nhiên tặng cho những người bảo tồn trên đảo.
"Nhà hộ sinh rùa biển" tại Khu bảo tồn Hòn Cau
Vào tháng 8 năm nay, người dân đi đánh bắt đã vô tình nhìn thấy cá voi xuất hiện gần khu vực cảng Vĩnh Tân, nằm trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Cá voi xuất hiện được xem là điều may nắm. Ảnh do ngư dân chụp
Cá voi to, màu đen nặng khoảng 1 tấn ngụp lặn, ngoi lên mặt nước nhiều lần để săn mồi. Cá voi chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn rồi lặn và bơi đi xa. Nhiều người chứng kiến, thích thú chụp ảnh, quay lại và chia sẻ lên mạng xã hội.
Loài cá đặc biệt này xuất hiện, dù chỉ thời gian ngắn, nhưng đã góp phần minh chứng môi trường nước nơi đây đang ổn định. Và nhiều người cho rằng đây là điều may mắn.
Đến tháng 9, trong vùng biển thuộc Khu bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong), xuất hiện một đàn cá heo tầm 10 cá thể. Đàn cá này thoải mái bơi lội và rượt theo đàn cá dỗi, tạo nên hình ảnh khá đẹp mắt.
Đàn cá heo bơi lội tung tăng. Ảnh: H.C
Cá voi, cá heo xuất hiện, cùng với sự phát triển mạnh của quần thể san hô, hệ sinh thái hải sản phong phú trong khu bảo tồn, tín hiệu vui cho môi trường biển nơi đây và có thể khu vực này có nguồn thức ăn phong phú nên đàn cá heo di chuyển đến kiếm ăn.
Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/