Nằm trong cụm di tích Phố Hiến, Văn miếu Xích Đằng Hưng Yên là nơi thể hiện cho tinh thần hiếu học, biểu tượng của Nho giáo Việt Nam. Kiến trúc cổ lâu đời, nơi hội tụ những tinh hoa, điểm tham quan lý tưởng cho bạn khi đến với mảnh đất này.
Đôi nét về Văn miếu Xích Đằng
Nằm kế bên dòng sông Hồng được phù sa bồi đắp thuộc thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Văn miếu Xích Đằng hay Văn miếu Sơn Nam là một trong số các Văn thánh miếu nổi tiếng tại Việt Nam, đồng thời là di tích lịch sử quan trọng của nơi đây. Lối kiến trúc hình chữ “Tam” độc đáo, bên trong lưu giữ nhiều hiện vật và bia đá quý giá.
Địa điểm này luôn là lựa chọn hàng đầu cho chuyến hành trình khám phá thành phố. Từ cầu Yên Lệnh nằm trên Quốc lộ 38 bạn đã có thể thấy bóng dáng Văn miếu Xích Đằng từ xa với điểm nổi bật nhất là 2 cây gạo cổ thụ trồng ngay trước cổng. Vẻ đẹp cổ kính mà đầy cuốn hút bao năm vẫn vẹn nguyên nơi đây.
Lịch sử Văn miếu Xích Đằng Hưng Yên
Được xây dựng vào thế kỷ 17 do triều đình thời vua Lê Thánh Tông muốn chấn hưng lại đạo nho, Văn miếu này được chọn làm nơi tổ chức các cuộc thi trong trấn Sơn Nam đồng thời thờ các bậc hiền nho. Sau đó, năm 1832 thì được trùng tu lại, đến nay Văn miếu tại Hưng Yên đã tồn tại được gần 400 năm.
Đây không chỉ là nơi ghi danh những bậc hiền tài đã đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam thượng thời xưa mà còn là biểu tượng bất khuất về tinh thần hiếu học của con dân phố Hiến truyền thống lâu đời. Là 1 trong 2 Văn miếu lâu đời nhất ở nước ta hiện tại và chỉ đứng sau Văn miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội. Trở thành di sản quý giá không chỉ cho các thế hệ hôm nay mà còn rất lâu về sau. Tên gọi của di tích này lấy tên từ địa danh mà nó được xây dựng là Xích Đằng.
Thiết kế cổ của Văn miếu ở Hưng Yên
Toàn bộ khuôn viên của khu Văn miếu này có diện tích là 6.000m2, trong đó được chia thành: cổng Tam Quan, khu chính, khu tháp thờ, lầu khánh, lầu chuông và 2 dải vũ. Nổi tiếng nhất là Tam quan được xây dựng theo kiểu 2 tầng và 8 mái giữ nguyên vẹn kết cấu từ khi xây dựng, nó còn được lấy làm biểu tượng đáng nhớ của Hưng Yên.
Lầu chuông và lầu khánh được đặt 2 bên sân. Lầu chuông thay cho lầu trống như ở Văn miếu tại Hà Nội, bên trong treo quả chuông đồng, còn lầu khánh treo khánh đá. Tất cả đều là di vật cổ còn sót lại được đúc và dựng vào thế kỷ 18. Thời xưa trong các kỳ thi tiếng chuông và tiếng khánh vang lên để báo hiệu bắt đầu hay kết thúc. Không những vậy, trong mỗi dịp lễ hội còn thay cho lòng biết ơn và tri ân đến những bậc hiền nho.
Hai dãy tả vu và hữu vu có kiến trúc 5 gian, trưng bày các hình ảnh về giáo dục và du lịch ở Hưng Yên. Thiết kế Văn miếu Xích Đằng Hưng Yên khu toà chính được xây theo kiểu chữ Tam với: tiền tế, trung từ và hậu cung. Hệ thống mái liên hoàn, mặt chính quay về hướng Nam, từ cửa đến xà cột đều bằng gỗ lim. Bên trong thờ Khổng Tử - người sáng lập đạo Nho, thầy giáo Chu Văn An - "ông tổ đạo Nho" cũng như các vị thánh hiền trong Nho giáo.
Bên trong khu nội tự có cả 9 tấm bia, bên trên đề danh 200 vị khoa bảng đỗ đạt cao thời phong kiến. Toà tháp tăng cao 5 tầng phủ đầy rêu phong, vẫn còn sừng sững bên trong Văn miếu Xích Đằng. Những công trình cổ, hiện vật quý giá luôn được bảo tồn để giới thiệu cho các thế hệ mai sau.
Tham dự lễ hội Văn miếu Xích Đằng
Hàng năm vào dịp đầu năm học hay ngày Nhà giáo Việt Nam, mọi người thường hay đến Văn miếu này để tổ chức các hoạt động báo công, vinh danh hay trao thưởng,... Theo kinh nghiệm du lịch Hưng Yên nếu muốn tham gia lễ hội của Văn miếu Xích Đằng hãy đến vào dịp mùng 4-5 Tết. Ngoài phần lễ, các hoạt động như hát ca trù hay cho chữ đầu xuân cũng được nhiều người hưởng ứng và thích thú.Các điểm tham quan gần Văn miếu Xích Đằng
- Chùa Hiến:
Nhắc đến địa điểm gần Văn miếu tại Hưng Yên thì không thể bỏ qua ngôi chùa này. Chùa toạ lạc tại đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng vào năm 1992. Đến đây vãn cảnh, cảm nhận không khí yên bình để biết vì sao những người con nơi đây lại tự hào về quê hương mình đến vậy.
- Chùa Chuông:
Nằm ở xóm Chùa, thôn Nhân Dục, xã Hiến Nam cũng khá gần với Văn miếu Xích Đằng Hưng Yên. Ngôi chùa này thuộc hệ phái Bắc tông và xây dựng vào thế kỷ XV. Trải qua nhiều lần trùng tu, tại đây vẫn còn lưu giữ 52 pho tượng cổ quý giá cùng khánh đá , chuông đồng,...
- Làng hương xạ Cao Thôn:
Làng làm sản phẩm truyền thống nổi tiếng tại Hưng Yên. Hương ở đây có mùi thơm thanh tao, không quá gắt mà còn lưu lại rất lâu. Đến đây tìm hiểu nghề làm hương chất lượng, thân thiện với môi trường. Chất lượng tốt cùng hình thức đẹp và đậu tàn nên sản xuất nhộn nhịp quanh năm, nhất là những tháng giáp Tết.
- Đền Mẫu:
Đến di tích thuộc phường Quang Trung bạn sẽ cảm nhận được không khí trang nghiêm. Đền thờ Quý phi họ Dương, người đã tuẫn tiết để thể hiện lòng trung thành với Tổ Quốc cũng như chung thuỷ với vua. Vãn cảnh Đền Mẫu thanh tịnh khám phá những nét đẹp về văn hóa nơi đây, đồng thời cũng giúp xua tan đi bao lo toan và mệt mỏi của cuộc sống thường ngày.
- Hồ Bán Nguyệt:
Nằm đối diện đền Mẫu, thuộc phường Quang Trung, nơi gắn liền với truyền thuyết mảnh gương của Hằng Nga đánh rơi. Không gian xanh với cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Hình dáng cong cong tựa nửa vầng trăng khuyết cộng thêm vẻ đẹp nên thơ khiến nhiều người ghé qua ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm.
Khám phá Văn miếu Xích Đằng Hưng Yên để tìm hiểu thêm về văn hoá và tinh thần hiếu học của người dân phố Hiến. Biết nhiều hơn về di tích lịch sử quan trọng của nơi đây, cũng như lưu lại được cho mình những khoảnh khắc đáng nhớ.
Theo luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet