Tham quan hồ T’nưng – Đôi mắt mơ màng của thành phố Pleiku
admin | Đăng lúc 8:50 - 15/01/2022

Hồ T’nưng chắc hẳn đã là một địa danh “quen tai” với mọi người dù đã đến hay chưa. Đây là địa danh đã từng xuất hiện trong bài hát “Đôi mắt Pleiku” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Vậy tại sao nó lại được coi là đôi mắt của thành phố Pleiku? Cùng tìm hiểu về địa danh này qua bài viết dưới đây nhé!

 

Vài nét về hồ T’nưng

Hồ T’nưng ở đâu?

Hồ T’nưng nằm trên địa phận xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Hồ cách trung tâm thành phố khoảng 7 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 14.

Khái quát về đặc điểm và nguồn gốc địa lí

Hồ T’nưng là một hồ nước ngọt có trữ lượng lớn nhất Tây Nguyên. Hồ nằm trên 1 cao nguyên bằng phẳng, cao hơn khoảng 800 m so với mực nước biển.

Hồ có hệ thống sinh vật đa dạng từ chim, cá, rùa,…đều có đủ. Mỗi loài lại có rất nhiều chủng loại.

Hồ T'nưng đẹp nín thở cùng mây trời và những cánh rừng rung quanh
Hồ T’nưng đẹp nín thở cùng mây trời và những cánh rừng xung quanh

Theo các nghiên cứu thì hồ T’nưng được hình thành trên miệng của 3 ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động từ lâu. Miệng của các ngọn núi lửa này thông nhau qua các eo khá rộng.

Độ sâu trung bình của hồ từ 16-19 m, chỗ sâu nhất khoảng 40m. Tuy nhiên hàng năm thì độ sâu giảm dần do sự bồi tụ ở đáy hồ. Nhìn tổng quát thì hồ có hình bầu dục. Diện tích hồ rất lớn, vào khoảng 228 ha. Vào mùa mưa, mặt nước có thể lan rộng ra và diện tích có thể lên tới 400 ha.

Hồ nằm ở trên địa hình khá cao nên không có sông suối nào đổ vào. Ấy thế nhưng quanh năm hồ không hề cạn nước mà còn cung cấp cho một con suối cạnh đó. Có thể nguồn cấp nước nằm trong ngọn núi lửa này.

Truyền thuyết về Hồ T’nưng

Truyền thuyết về biển hồ này của người Gia Rai là một kí ức khá đau buồn. Thời xưa, nơi đây có một ngôi làng. Ngôi làng này rất nhộn nhịp, cuộc sống đầm ấm yên vui. Bỗng nhiên có một thời gian, trâu bò trong làng chết sạch. Dân làng cho là thần linh nổi giận, bèn làm lễ hiến tế. Khi làm lễ xong, đang ăn uống no say bỗng nhiên mặt đất rung chuyển, dìm cả làng xuống vực sâu không một ai sống sót. Thấy vậy, mọi người bèn khóc thương, nước mắt rơi lã chã tạo thành biển hồ ngày nay.

Review tham quan hồ T’nưng cho du khách

Con đường dẫn lên hồ

Con đường với hai hàng thông xanh là địa điểm check in tuyệt vời
Con đường với hai hàng thông xanh là địa điểm check in tuyệt vời

Con đường dẫn lên hồ T’nưng được trải nhựa và rất dễ đi. Hai bên đường là những nhành thông xanh mướt, thơm mùi nhựa. Đi trên con đường quanh co này, được ngắm cảnh, được nghe những bản nhạc từ thiên nhiên là phút giây mà bao mệt mỏi trong bạn đều tan biến hết.

Đi hết con đường dốc thơ mộng này, biển hồ Pleiku sẽ hiện ra trước mắt bạn

Biển hồ T’nưng

Hồ hiện ra trước mắt ta, một vẻ đẹp hùng vĩ hoang sơ. Bầu trời xanh in xuống mặt nước thăm thẳm. Những rừng cây um tùm xanh mướt xung quanh. Tất cả như được hòa quyện tạo nên một điểm nhấn cho vùng đất Tây nguyên. Khi có gió, mặt hồ xao động tạo thành những con sóng lớn. Đó chính là lý do tại sao cái tên biển hồ ra đời. Ngoài ra, t’nưng theo tiếng địa phương còn có nghĩa là “hồ trên núi”

Biển hồ đẹp bi tráng trong khoảng khắc ngày tàn
Biển hồ đẹp bi tráng trong khoảng khắc ngày tàn

Biển hồ đẹp tại mọi khoảnh khắc trong ngày, từ bình minh cho đến khi màn đêm buông xuống. Sáng sớm, mặt trời như nhuộm đỏ cả mặt hồ. Khi trời sáng hẳn, bầu trời xanh biếc bao la, những làn mây trắng lững lờ trôi. Tới khi hoàng hôn buông xuống, hồ mang một vẻ bi tráng, đượm buồn. Vào khoảnh khắc ngày dần tàn, từng đàn chim vội vã quay về tổ. Rồi khi trời tối, trăng nhô lên lấp ló sau những tán cây, in bóng xuống mặt hồ bao la. Từng làn gió thổi qua rừng cây, xào xạc xào xạc tạo thành một bản nhạc du dương êm ái. Cảnh đẹp này sẽ khiến du khách không thể quên được dù chỉ đến đây một lần. Tại đây bạn có thể thuê thuyền máy đi du ngoạn và khám phá vẻ đẹp của hồ.

Ngắm ruộng bậc thang, nương chè

Nương chè bát ngát cạnh biển hồ
Nương chè bát ngát cạnh biển hồ

Bên cạnh hồ T’nưng còn có những thửa ruộng bậc thang và những nương chè của người dân. Từng nương chè xanh ngắt, những bậc thang đã làm nên thương hiệu của các vùng đất cao nguyên. Bạn có thể đi tham quan khu vực này và lưu lại những bức ảnh về những thửa ruộng đặc biệt nơi đây

Giá vé tham quan biển hồ T’nưng

Sau đây là bảng giá vé tham quan

  • Người lớn (trên 16 tuổi): 10.000đ/người
  • Trẻ em (dưới 16 tuổi): 5.000đ/người

Giá vé trên là quá rẻ cho một trải nghiệm “đắt giá” như vậy. Nhìn chung giá vé trên là hợp lí cho mọi người.

Trên đây mình đã giới thiệu hồ T’nưng với các bạn độc giả. Hi vọng qua bài viết này, mọi người đã thấy được phần nào vẻ đẹp mình muốn truyền tải. Nếu có cơ hội, mọi người hãy trực tiếp đến đây một lần nhé!

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll