Lễ đầu xuân đi hội Phủ Dầy sao không ghé qua chợ Viềng? Nếu không đi, bạn sẽ phải chờ tới một năm mới có dịp trải nghiệm. Bởi, chợ Viềng là phiên chợ chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm. Vì vậy, bạn nên đi ngay nhé. Tôi tin chắc đây là phiên chợ khác hẳn với những phiên chợ bạn từng tham gia, sẽ khiến bạn có kỷ niệm nhớ mãi không quên.
Không chỉ có một chợ Viềng?
Tương truyền, chợ Viềng đã có từ hàng trăm năm nay. Từ “Viềng” là từ Hán Việt có nghĩa là thăm hỏi, viếng thăm, trò chuyện.
Từ xưa, chợ Viềng được tổ chức chủ yếu tại bốn địa điểm. Đó là Viềng chùa ở xã Nam Giang, Viềng Phủ ở xã Trung Thành, chợ Viềng ở huyện Nghĩa Hưng và chợ Viềng ở huyện Mỹ Lộc. Tuy nhiên, Viềng Phủ là đông vui hơn cả, khắp mọi miền đều đổ về Viềng Phủ. Phiên chợ mọi người đến thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Từ đây, du khách tiếp tục đi Viềng chùa để đi lễ, cầu an lành năm mới.
Phiên chợ đầu năm thường bắt đầu từ khoảng 11, 12 giờ đêm mùng 7 tháng Giêng đến hết ngày mùng 8.
Câu chuyện về chợ Viềng
Chợ Viềng còn được người Vụ Bản gọi với tên gọi khác là chợ Riềng. Ít ai biết, nguồn gốc chợ Viềng gắn liền với truyền thuyết về công chúa Liễu Hạnh.
Bà Chúa Liễu Hạnh xưa là con gái của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vốn tính cương trực thẳng thắn, bà lên án, vạch tội không ít quan Thiên Đình. Vì thế mà nhiều người không vừa lòng với bà, đã cấu kết luận tội bà. Dù không đành lòng, Ngọc Hoàng đã đầy công chúa Liễu Hạnh xuống trần gian. Người con gái cương trực vẫn vậy. Bà ra tay giúp đỡ dân lành, trừng trị nghiêm khắc bọn cường hào. Khâm phục uy danh của bà, mọi người truyền tai gọi bà là Bà chúa hay “Bà chúa Riềng”.
Xuống trần gian, Ngọc Hoàng thương nhớ con gái không nguôi. Ngài bèn ấn định ngày 8 tháng Giêng tổ chức chuyến thăm con. Nhận lệnh báo từ Thiên Đình, Quan Thổ Công liền trình với Bà Chúa. Để làm yên lòng cha mẹ, Bà Chúa liền nghĩ ra giải pháp tạo ra vẻ náo nhiệt sầm uất nơi mình sinh sống. Bà ra lệnh tất cả cư dân trong vùng phải nghỉ việc để đi chợ vào ngày mồng 8. Hàng hóa là bất cứ thứ gì, không gò bó cụ thế.
Phiên chợ đầu xuân từ đây mà có. Hội chợ mang ý nghĩa gặp gỡ, thăm hỏi cũng là dịp gợi nhắc về Bà Chúa Liễu Hạnh.
Nét đẹp đáng yêu tại chợ Viềng
Bước chân đến phiên chợ là hàng loạt các hàng quán kéo dài tới 5 km trong ánh đèn lung linh. Những sản phẩm được bày bán không phải vật phẩm quý hay đồ gì giá trị xa xỉ. Chúng đều rất dân dã, thân quen. Chắc chỉ có Viềng Phủ, ở một phiên chợ mà lợi ích kinh tế không được đặt lên hàng đầu. Đây là hội chợ nhằm trao nhau may mắn, chút lộc đầu năm.
Ở chợ phiên, người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả. Từ xa xưa, người dân Vụ Bản cho rằng chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành, và cả đôi bên đều cùng vui vẻ hỉ hả ra về đi lễ chùa cầu may cầu lộc. Cho nên, chợ Viềng ai nấy cũng niềm nở, thân thiện, mang cái hạnh phúc của năm mới sang.
Choáng ngợp với hàng hóa tại Viềng Phủ
Đi chợ Viềng, bạn không khỏi thích thú bởi nơi đây đa dạng các cây trồng, vật nuôi. Từ cây trồng để lấy gỗ, cây cảnh (sen đá, xương rồng,…) đến các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây chanh, cây ớt.
Xuất phát từ phong tục xưa, người nông bán cả những vật dụng quen thuộc hàng ngày. Ta như thấy cuộc sống xưa qua cái cày cái cuốc, đôi quang thúng…Cả những thực phẩm cần thiết hàng ngày như gạo, thịt, quần áo, giày dép…cũng nhiều vô kể.
Mặt hàng đồ cổ được nhiều đại gia tìm đến, nên rất dễ bắt gặp những chiếc đèn Hoa Kỳ từ những năm 20, những chiếc lư, đỉnh đồng, điếu bát, ấm chén thời nhà hậu Lê, nhà Nguyễn, những đồng hồ báo thức, vung nồi, lưỡi cày, đồng hồi giữa thế kỷ 20.
Ở Viềng Phủ, thịt bò là món ẩm thực mang ý nghĩa đặc biệt. Cả du khách phương xa về đây cũng háo hức, muốn mua được miếng thịt bò về. Theo dân gian, thịt bê, thịt bò là món ăn may mắn đầu xuân.
Đến chợ Viềng, dù lớn dù nhỏ, ai cũng mua cho mình một món quà. Việc mua bán không quan trọng với mỗi người mà là dịp để họ chơi xuân, Không khí náo nức, những nụ cười tươi rói càng làm ngày xuân thêm rạng rỡ.