Di tích nhà tù Sơn La là điểm đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử nổi tiếng, ghi dấu tội ác tày đình của thực dân Pháp đối với dân tộc ta.
Nhà tù Sơn La ở đâu?
Di tích Nhà tù Sơn La có lẽ là điểm đến chưa nhiều du khách biết đến. Bởi khi về địa phương này du lịch, đa phần mọi người sẽ quan tâm đến những ngọn thác đẹp như thác Dải Yếm, thác Nàng Tiên hay những đồi chè. Tuy nhiên, những địa điểm lịch sử như nhà tù này cũng là nơi mà bạn nên một lần dừng chân.
Nhà tù Sơn La tọa lạc trên đồi Khau Cả, tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Nơi này không quá khó tìm, nhất là với những du khách lưu trú tại khu trung tâm thành phố. Chỉ cần dành một buổi đến đây, bạn sẽ hiểu hơn về một phần nhỏ trong lịch sử chiến đấu của dân tộc.
Ngày nay, nhà tù đã xuống cấp nhiều dưới tác động của thời gian nhưng tội ác của giặc ngoại xâm vẫn còn hiện hữu. Đến thăm di tích này, bạn sẽ được nhìn thấy một công trình kiến trúc đậm chất Pháp nhưng không phải là một điểm đến văn hóa mà là nơi giam giữ tù nhân.
Di tích nhà tù Sơn La – nơi giam giữ những tù nhân yêu nước
Di tích nhà tù Sơn La được xây dựng từ những năm 1908. Ban đầu, thực dân Pháp chỉ xây nhà tù với diện tích khoảng 500 m2, sau đó dần dần mở rộng đến 1.217 m². 1930 – 1940, nơi đây tiếp tục mở rộng thêm 2 lần nữa, sở hữu diện tích đến 2.184 m2.
Nhà tù được bố trí thành 3 hạng mục lớn: Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà tù Sơn La và Cây đa bản Hẹo. Trong đó, khu nhà tù là nơi thực dân Pháp giam cầm và đày ải những chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Giai đoạn 1930 – 1945, nhà tù này đã giam giữ đến 14 đoàn tù chính trị với 1013 tù nhân.
Để đàn áp ý chí đấu tranh của người cộng sản Việt Nam, chính quyền thực dân đã áp dụng rất nhiều hình thức như còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn,… Kiến trúc di tích nhà tù Sơn La xây dựng kiên cố, tường được xây bằng gạch đá dày từ 40- 60 cm, nóng thiêu đốt vào mùa hè và lạnh cắt da vào mùa đông.
Ngày nay, khi du khách du lịch Sơn La và đến thăm nhà tù này sẽ được chứng kiến nhiều hiện vật là những công cụ tra tấn mà thực dân Pháp từng sử dụng. Qua đó hiểu hơn về tội ác của giặc ngoại xâm, về ý chí chiến đấu cũng những người chiến sĩ cách mạng yêu nước, quyết không khuất phục trước quân thù.
Giữa chốn lao tù đày đọa, người cộng sản Việt vẫn không từ bỏ ý chí và niềm tin vào thắng lợi của cách mạng dân tộc. Nhà tù đã trở thành nơi đào tạo và bồi dưỡng những chiến sĩ có nhiều đóng góp vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ,…
Đến năm 1962, di tích nhà tù này được xếp hạng Di tích quốc gia, trở thành nơi để tuyên truyền và giáo dục về truyền thống cách mạng của thế hệ trẻ. Năm 2014, Nhà tù Sơn La được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Trung bình mỗi năm nơi đây đón gần 300.000 lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử.
Lưu ý khi đến di tích nhà tù Sơn La
Nhà tù này là điểm đến ở Sơn La mang ý nghĩa lịch sử, ghi dấu một đoạn đường hào hùng của dân tộc, là nơi lưu giữ tội đồ của thực dân xâm lược. Vì thế nếu có dịp, bạn hãy một lần đến đây để hiểu hơn về lịch sử chiến đấu của thế hệ ông cha đi trước.
Vốn là một công trình lịch sử đau thương nên khi khám phá nhà tù, du khách nên ăn mặc lịch sự, đi nhẹ, nói khẽ, không tự ý chạm tay vào các hiện vật. Khi chụp ảnh, bạn cũng không nên tạo dáng quá lố mà chủ yếu hãy lưu giữ vài bức ảnh kỷ niệm.
Công trình hiện tại đã bị thời gian làm hư hỏng nhiều và đã trải qua trùng tu nhưng vẫn đậm kiến trúc Pháp. Vì thế nếu không có nhu cầu chụp ảnh, bạn cũng có thể tham quan, chiêm ngưỡng dấu ấn kiến trúc đặc biệt của nhà tù.
Đặc biệt, khi dừng chân tại công trình này, du khách đừng quên đi tham quan cây đào mang tên chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu. Đây là một cây đào to lớn ghi nhớ công ơn của người chiến sĩ vĩ đại đã anh dũng hi sinh trong cuộc kháng chiến chống lại ách xâm lược của thực dân.
Di tích nhà tù Sơn La có thể chưa phải là điểm đến quá nổi tiếng của tỉnh nhưng đây là nơi mà những ai muốn tìm hiểu về lịch sử, về truyền thống cách mạng của tổ quốc nên một lần ghé thăm. Vì thế, có dịp đến Sơn La, bạn nhớ dành ít thời gian đến đây để tham quan và hiểu hơn về công cuộc chiến đấu của quân dân ta trong cuộc kháng chiến của thế kỷ trước.