Chùa Âng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của Trà Vinh; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994. Đây là trung tâm văn hoá, nghệ thuật và tôn giáo và là ngôi chùa cổ nhất trong số những ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh.
Chùa Âng nằm ở đâu?
Chùa Âng (tên đầy đủ là chùa Angkorajaborey) tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh; cách trung tâm Trà Vinh hơn 5 km về hướng tây nam và cách quốc lộ 53 hơn 500 m về hướng đông; nối liền với danh thắng Ao Bà Om và Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh.
Tại sao được gọi là Chùa Âng?
Cách sử dụng tên gọi nơi đây không được thống nhất; điều này gây không ít khó khăn cho những du khách lần đầu đến đây. Tại cổng chùa xây dựng vào năm 1958, tên chùa được ghi rõ là “Angarrãjapurĩ” ( có nghĩa là Văn minh). Ngoài ra tại phòng trụ trì ghi “Angkorajaborey (Âng)”; trên bảng giới thiệu của Ban Quản lý di tích lịch sử ghi là “Ang Korrajaborey (Âng)” và thêm cả tên tiếng Việt là ” Chùa Văn Minh”. Chùa Âng chắc có thể được đọc lệch từ tên “Angarrãjapurĩ” mà thành.
Chùa Âng có điểm gì đặc biệt?
Lịch sử Chùa Âng
Theo truyền thuyết, Chùa Âng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ thứ 10, khoảng năm 990. Dù đến năm 1695 ngôi chùa được trùng tu nhưng cũng chỉ là mái lá bằng tre, nứa đơn sơ. Năm 1842, chùa mới được dựng lại bằng những chất liệu gỗ quý; lợp ngói và tường xây. Chùa còn được trùng tu vài lần nữa cho tới khi có được vẻ uy nghi trang nghiêm như hiện tại. Trải qua rất nhiều lần sửa chữa và thay đổi nhưng về cơ bản ngôi chùa vẫn giữ được nguyên trạng như buổi đầu mới hình thành. Ngày 25 tháng 8 năm 1994, Chùa Âng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Kiến trúc ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh
Cổng chùa
Cổng chùa Âng được trang trí mang đậm phong cách kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ; được thiết kế theo kiểu “tam quan”, bên trên là ba ngọn tháp tượng trưng với hình chằn Yeak và Rea Hu. Hai bên trụ cổng có đắp bức tượng hình nữ thần Kâÿno và tượng Krũd mình người đầu chim. Toàn bộ các bức tượng đều được điêu khắc theo lối truyền thống của nền văn hoá Khmer xưa.
Xung quanh chùa có hào nước sâu bao bọc và một gian tháp 5 ngọn. Gian tháp này chính là nơi lưu giữ xương cốt của những bậc sư thầy trụ trì đã qua đời.
Chính điện chùa Âng
Chính điện chùa quay hướng Đông, nằm nên nền cao 2m. Mái lợp ngói, gồm 3 tầng, mái trên cùng dốc và cao hơn 2 mái còn lại. Bộ mái được chống đỡ bởi 12 cây cột bằng gỗ quý; trên mỗi đầu cột có tượng tiên nữ và chim thần. Hai đầu hồi được đóng kín bằng một tấm gỗ hình tam giác; chạm khắc rất công phu và tỉ mỉ. Các diềm mái có hình rồng cách điệu, đầu chúc xuống, thân soãi theo dốc mái, vảy rồng uốn cong ngược lên; tạo cảm giác mái ngói vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát.
Giữa chính điện chùa Âng là gian phòng thờ Phật Thích Ca; cũng là nơi diễn ra các nghi thức tôn giáo của Phật giáo Nam Tông. Bệ thờ Phật khá rộng, tượng Phật chính có chiều cao 2,1m. Có 50 tượng Phật khác có kích thước nhỏ hơn với được tạo bằng đá hoặc gỗ nằm xung quanh. Ba phía vách chính điện có hàng chục tranh vẽ kể về cuộc đời của đức Phật. Trần chính điện được trang trí bốn bức bích họa lớn theo chủ đề: Phật đản sinh, xuất gia, đắc đạo, nhập niết bàn.
Lễ hội chùa vào thời gian nào?
Hàng năm, Chùa Âng thường tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer như: Chol Chnam Thmay ( lễ mừng Năm mới); sên dolta (lễ cúng ông bà); Ok Om Bok (lễ cúng trăng). Vào những dịp này, ngôi chùa thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái và tham quan. Đây cũng là nơi tổ chức các lễ tôn giáo lớn như lễ ban hành giáo lý, lễ Phật đản, lễ nhập hạ, lễ xuất hạ cho các vị sadi,…
Chùa Âng là một trong những địa điểm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa phổ biến của người dân Trà Vinh. Đây là nơi lý tưởng cho các bạn thích khám phá những giá trị lịch sử văn hoá tín ngưỡng.