Chợ nổi Ngã Bảy không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là địa điểm du lịch Hậu Giang độc đáo, mang đậm dấu ấn đời sống và văn hóa miền sông nước Cửu Long cuốn hút với nhiều du khách.
Vì sao gọi là chợ nổi Ngã Bảy?
Chợ không chỉ là nơi trao đổi kinh tế và hàng hóa, chốn mưu sinh, kiếm sống mà còn là điểm tham quan du lịch độc đáo ẩn chứa vẻ đẹp văn hóa vùng miền của từng địa phương. Nhất là chợ nổi - khái niệm quen thuộc, nét văn hóa đặc trưng với người dân Đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay. Đó là tên gọi của những khu chợ buôn bán trên sông nước, kênh rạch chằng chịt. Khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ hầu như nơi đâu cũng có chợ nổi. Từ chợ Cái Răng Cần Thơ, chợ nổi Cái Bè Tiền Giang, chợ Ngã Năm rồi Ngã Bảy đều vô cùng nổi tiếng với khách du lịch nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Trong số đó, chợ Ngã Bảy Hậu Giang nổi tiếng có quy mô lớn nhất và không khí sinh hoạt cũng nhộn nhịp bậc nhất thu hút nhiều du khách du lịch miền Tây tham quan, trải nghiệm.
Gọi là chợ Ngã Bảy vì đây chính là nơi gặp nhau của 7 tuyến sông thuộc khu vực Nam Bộ bao gồm Cái Côn, Búng Tàu, Mang Cá, Sóc Trăng, Lái Hiếu, Xẻo Môn và Xẻo Dong. Ngoài ra, người ta còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp Hậu Giang. Đây được xem là chợ đầu mối với đủ loại hàng hóa, nông sản. Thương lái ở đây vừa bán sỉ, vừa bán lẻ với hàng hóa từ khắp nơi tập trung về rồi sau đó phân phối đi khắp nơi, trong và ngoài nước.
Từ bao đời nay, người dân các tỉnh miền Tây đã vô cùng quen thuộc với hình ảnh những chiếc ghe chở đầy hàng hóa. Nhìn từ xa đã thấy các cây bẹo cao cao treo đủ loại cây trái, nông sản nhằm giới thiệu sản phẩm được bán cho người mua dễ chọn lựa.
Chợ nổi Ngã Bảy nằm ở đâu?
Ngôi chợ đồng thời là địa điểm du lịch miền Tây nức tiếng không chỉ là địa danh chứa đựng nét văn hóa độc đáo của cuộc sống Nam Bộ mà còn là chốn lưu dấu bước chân tiền nhân, thể hiện tập quán văn hóa đậm chất thương hồ của bao thế hệ trên vùng đất phù sa màu mỡ Hậu Giang.
Đều đặn vào thời điểm 2 - 3 giờ sáng mỗi ngày, ghe thuyền khắp Nam Kỳ lục tỉnh hội tụ về và ngay sau đó cảnh tượng buôn bán nhộp nhịp bắt đầu diễn ra tại Ngã Bảy - nơi còn được gọi là “chợ nổi Phụng Hiệp” vì nằm ngay trên địa bàn Phụng Hiệp, ngày nay thuộc địa phận thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Sau khi tìm hiểu về tên gọi và vị trí của ngôi chợ, không ít du khách cảm thấy thú vị vì tính cách giản dị, chân chất, chẳng cầu kì của người miền Tây vì cứ hễ thấy sao thì gọi tên vậy vừa để dễ nhớ và dễ nhận biết. Đặc biệt là với du khách nước ngoài thì khung cảnh náo nhiệt giữa miền sông nước bình yên thật sự độc đáo và gây ấn tượng mạnh. Vì vậy mà nếu có dịp đi du lịch Nam Bộ, nhất là vào mùa nước nổi miền Tây, bạn nhớ check in chợ nổi Phụng Hiệp nhé.
Lịch sử hơn trăm năm của chợ nổi Ngã Bảy
Chợ Ngã Bảy được hình thành vào năm 1915 và có bề dày lịch sử hơn trăm năm, cổ kính không thua kém các ngôi chợ lâu đời khác trên bờ như chợ Đầm Nha Trang hay chợ Bến Thành Sài Gòn. Đây cũng là khu chợ có không khí mua bán nhộn nhịp và nổi tiếng bậc nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long từ xưa đến nay.
Theo lời kể của các bậc cao niên thì vào những ngày cao điểm, nhất là dịp Tết, trung tâm chợ có đến hơn 3.000 chiếc xuồng, ghe cùng hàng trăm chiếc đò ngang tấp nập làm nên cảnh tượng trên bến dưới thuyền cực kỳ náo nhiệt. Đấy là ban ngày, còn khi đêm xuống thì khung cảnh lại chuyển sang lấp lánh với hàng trăm ngọn đèn dầu, đèn bình giăng giăng khắp nơi, sáng rực cả một khúc sông không thua gì đêm hội hoa đăng.
Bên cạnh hoạt động buôn bán, còn có nhiều làng nghề đặc trưng được hình thành ven 7 nhánh sông như đóng ghe, đan cần xé, trồng rẫy… Tất cả làm nên bức tranh sinh hoạt nhộn nhịp, sinh động của vùng quê miền Tây. Khu chợ dần trở nên nổi tiếng và đi vào thơ ca, nhạc họa với vẻ đẹp say đắm lòng người. Hiếm có người dân Hậu Giang nào không thuộc lòng câu hát vọng cổ buồn man mác của anh bán chiếu chung tình trong Tình anh bán chiếu: "Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào".
Với lịch sử hình thành và hoạt động trên 100 năm qua, chợ Ngã Bảy vừa là chốn mưu sinh của người dân miền sông nước, vừa là nơi gắn liền trong tiềm thức, góp phần vun đắp nên ký ức tuổi thơ của bao người con xa quê.
Những trải nghiệm độc đáo ở chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp
Hầu hết các gian hàng buôn bán tại chợ Ngã Bảy đều nằm trên ghe, xuồng. Và cũng giống như nhiều chợ nổi khác, người ta đi chợ, mua hàng cũng bằng ghe là chủ yếu. Dù di chuyển trên sông không được thuận tiện và nhanh chóng như trên bờ nhưng buôn bán trên sông cũng có nhiều điểm thú vị.
Đầu tiên và gây ấn tượng từ xa với nhiều người chính là các cây bẹo, vốn là cây sào cao treo một ít hàng hóa lên để dể nhận biết, phân biệt những thứ mình bán. Có thể nói đây là một hình thức quảng cáo độc đáo và mới lạ với nhiều du khách vì ít gặp, thậm chí hiếm nơi nào có được.
Điều đặc biệt thứ hai là hàng hóa ở chợ Ngã Bảy vô cùng đa dạng và phong phú. Nằm trên vùng đất Tây Nam Bộ, nơi được xem là thiên đường cây ăn trái với những miệt vườn Cái Bè, vườn trái cây Cái Mơn,... nức tiếng cả nước nên không khó hiểu khi trái cây được bày bán rất nhiều ở đây.
Đi chợ nổi bạn sẽ được chiêu đãi bằng đủ các giác quan từ thị giác bởi màu vàng ươm của những trái xoài cùng màu đỏ tươi của chôm chôm,... đến khướu giác qua hương thơm ngọt của sầu riêng,… bởi thính giác vì tiếng rao vui tai từ nhiều xuồng ghe bày bán nhiều loại trái cây tươi ngon khác nhau được hái từ đầu ngày cho kịp buổi chợ sáng sớm. Những đặc sản trái cây miền Tây Nam Bộ này không chỉ thơm ngon mà còn có giá rất phải chăng nữa đấy.
Bên cạnh đó thì hàng nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng và nhất là các loại chiếu cũng chiếm số lượng lớn. Ấn tượng hơn là trên chợ nổi còn có một khu riêng biệt bán rắn, rùa, sóc, chim, kỳ đà… Và khi Tết đến, nhiều ghe chở hoa kiểng, mai vàng, vạn thọ, bonsai... khoe sắc rực rỡ cả một đoạn sông.
Nhưng hấp dẫn du khách nhất chính là trải nghiệm thưởng thức món ngon Hậu Giang đặc sắc của ẩm thực Tây Nam Bộ như bún riêu, bánh canh, bánh xèo, bánh cuốn nóng, cháo lòng, hủ tiếu, phở, cà phê, nước ngọt... ngay trên xuồng, ghe lênh đênh trên sông. Chưa hết, du khách còn có cơ hội ngồi xuồng ba lá thả hồn theo sóng nước Hậu Giang và lắng nghe từng câu vọng cổ dài miên man mà ngọt lịm. Thỉnh thoảng còn bắt gặp một dáng áo bà ba thon thả đang chèo xuồng trên sông lớn nữa đấy.
Dành thời gian du lịch Hậu Giang và ghé thăm chợ nổi, bạn sẽ cảm nhận được nét đặc trưng riêng biệt của địa danh này bên cạnh tính cách quen thuộc của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long đấy, đừng bỏ lỡ nhé.
Một số lưu ý khi đi chợ nổi Ngã Bảy
Bạn nên canh giờ đi thật sớm vì chợ họp rất sớm, thậm chí từ 2-3 giờ sáng, khoảng 5-7 giờ là cao điểm cho việc mua bán nông sản tươi. Ngay khi mặt trời lên, một số ghe chở hàng cũng bắt đầu tỏa đi nhiều hướng. Tuy là từ sau đó đến chiều và tối, chợ vẫn tiếp tục hoạt động nhưng đi sớm sẽ mang lại trải nghiệm đặc biệt nhất cho du khách.
Ngoài ra, hầu hết hàng hóa ở chợ nổi cũng được bày bán theo mùa nên bạn nhớ để ý nhìn vào cảnh xuồng ghe tấp nập, đầy ắp loại trái cây nào để biết được đang mùa trái nào nhé.
Thời gian gần đây, chợ Ngã Bảy đã được đầu tư hệ thống đường giao thông, xây bến tàu khách du lịch, bổ sung hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước nên khu chợ cũng được di dời đến một địa điểm khác. Dự kiến sau khi hoàn thành chợ nổi sẽ được khôi phục về vị trí cũ và tiếp tục trở thành một điểm nhấn du lịch của tỉnh Hậu Giang nói riêng và miền Tây nói chung.
Hình ảnh về những chiếc ghe, xuồng chở đầy hàng hóa và buôn bán tấp nập trên sông nước Ngã Bảy mang một vẻ đẹp miền Tây vừa mộc mạc, dễ chịu lại thân quen, gần gũi và ẩn chứa nhiều điều thú vị với du khách gần xa. Có thể nói rằng, chợ nổi Ngã Bảy hơn 100 năm tuổi đã và đang không ngừng tạo nên dấu ấn văn hóa Hậu Giang đến với du khách mọi miền đất nước.
Bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên lắm đấy nên hãy nhanh tay lên kế hoạch đến một trong những khu chợ nổi miền Tây nức tiếng này nhé.