Những làng nghề truyền thống Cao Bằng không chỉ góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn mang đến nguồn thu nhập ổn định cho bà con địa phương.
Khám phá những làng nghề truyền thống Cao Bằng
1. Làng rèn Phúc Sen
Làng rèn Phúc Sen là một trong những làng nghề truyền thống Cao Bằng nổi tiếng nhất. Đây là làng nghề đã hình thành khoảng 1000 năm trước, nay thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Yên. Từ trung tâm thành phố Cao Bằng đến đây khoảng 30 km, du khách có thể đi theo hướng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng để đến nơi.
Phúc Sen là địa bàn cư trú của dân tộc Nùng An, hiện có khoảng 400 hộ dân theo nghề rèn truyền thống, tạo nên các công cụ cầm tay bằng sắt thép chất lượng. Người dân ở làng nghề này sử dụng các lò rèn thủ công, kết hợp kinh nghiệm lâu năm trong nghề để rèn nên các loại dao, rìu, kéo,… với độ cứng và độ dẻo nhất định.
Để cho ra đời các sản phẩm rèn chất lượng, thợ rèn phải thực hiện 4 công đoạn chính là cắt thép, đập định hình sản phẩm, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. Để tạo nên các mặt hàng rèn đúng chuẩn Phúc Sent hì tôi thép và ram thép là 2 công đoạn quan trọng. Phải thực hiện đúng kỹ thuật thì thành phẩm mới hoàn thiện, đạt chất lượng cao.
Ngày nay khi khám phá làng nghề Phúc Sen, du khách sẽ được dừng chân ghé thăm các hộ gia đình làm nghề rèn lâu đời. Bạn cũng có thể mua các sản phẩm dao, kéo, nông cụ,… về sử dụng hoặc làm quà tặng. Ngoài ra, du khách còn có thể kết hợp đi thăm bản Pác Rằng để trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng nơi đây.
2. Làng hương Phia Thắp
Một trong những làng nghề truyền thống Cao Bằng được nhiều du khách ghé thăm là làng hương Phia Thắp nằm ở xã vùng 3 Quốc Dân, huyện Quảng Uyên. Ngôi làng nhỏ là nơi người Nùng cư trú, gìn giữ nghề làm hương truyền thống từ bao đời nay. Ngày nay, Phia Thắp trở thành điểm đến ở Cao Bằng được đông đảo khách du lịch ghé thăm.
Ở Việt Nam có nhiều ngôi làng sản xuất hương truyền thống, cung cấp các loại hương tự nhiên không hóa chất cho thị trường. Và Phia Thắp là một trong số đó. Để tạo nên các sản phẩm hương tốt, bà con đã tự vào rừng hái lá để mang về phơi khô, tán nhỏ dùng làm chất keo kết dính giữa bột và que hương.
Theo đó, bà con người Nùng ở làng nghề truyền thống nổi tiếng này dùng cây mạy mười làm que để đảm bảo độ dẻo, thẳng và dễ bén lửa. Bên cạnh đó, bà con còn dùng gỗ thông mục nghiền nát tạo thành màu cho hương thêm đẹp. Hương của người Nùng ở Phia Tháp được phơi hoàn toàn tự nhiên. Do đó khi đến làng, bạn sẽ bắt gặp những bó hương tròn xoe được bà con phơi khắp sân nhà.
Hương sau khi phơi phô ráo, chân hương sẽ được nhuộm màu đỏ rồi bó thành từng bó 20 cây. Sau đó bà con có thể mang bán ở chợ phiên hoặc bán cho các đơn đặt hàng có sẵn. Vài năm gần đây, làng hương Phia Thắp bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân bản địa lan tỏa những giá trị của nghề làm hương truyền thống.
3. Làng nghề làm giấy bản
Thêm một làng nghề truyền thống Cao Bằng mà du khách nên ghé thăm đó là làng nghề làm giấy bản của người Nùng An ở xóm Lũng Ỏ, Dìa Trên cũng thuộc xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên. Người Tày ở đây đã nỗ lực gìn giữ nghề làm giấy bản từ vỏ cây mạy sla để tạo nên chất giấy bản xốp, dai, vàng nhạt và không nhòe mực.
Việc sử dụng vỏ cây mạy sla để làm giấy bản sẽ cho ra đời loại giấy có mùi thơm thoang thoảng, dùng để gói xôi, gói bánh hoặc ghi chép thơ ca, gia phả, dán trang trí bàn thờ, nhà cửa. Vì làm từ nguyên liệu tự nhiên nên giấy rất an toàn cho người sử dụng. Chính vì thế mà giấy bản ở đây vẫn giữ được vị thế trên thị trường.
Theo đó, mỗi 2 kg vỏ cây mạy sla có thể làm được khoảng 40 – 50 tệp giấy bản thành phẩm. Việc duy trì nghề này giúp người dân có thu nhập ổn định hơn. Ngoài ra, bên cạnh thu hoạch vỏ cây mạy sla, người ta còn tận dụng thân cây để làm chất đốt, phần lá cây cũng có thể dùng làm thức ăn cho trâu bò, hoàn toàn không lãng phí bất kỳ bộ phận nào của cây.
4. Làng nghề làm đường phên
Có dịp du lịch Cao Bằng, du khách hãy đến xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa để thăm làng nghề làm đường phên của người dân tộc Tày, Nùng tại đây. Đây là làng nghề làm mía đường đã xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước, mang đến các sản phẩm đường phên đặc, màu vàng. Loại đường này dùng làm gia vị và các loại bánh như bánh gai, bánh khảo nổi tiếng của Cao Bằng.
Để sản xuất nên đường phên chất lượng, người ta ép lấy nước mía sau khi thu hoạch, đun trong 4 – 5 tiếng đến khi nước mía dần chuyển thành mật có màu vàng nâu đẹp mắt. Sau đó tiếp tục đổ ra khuôn và cắt miếng, đóng gói. Đường phên thành phẩm chứa đựng những dưỡng chất tinh túy từ cây mía và an toàn cho sức khỏe.
Ở làng nghề này, việc sản xuất đường phên cao điểm nhất vào tháng 11. Đây là mùa bà con sẽ thu hoạch mía và cho ra đời các mẻ đường thơm ngọt, chất lượng. Đường phên thành phẩm chủ yếu bán tại chợ phiên và các khu chợ lân cận để bán. Du khách đến Cao Bằng cũng có thể mua loại đường này về làm quà.
Mỗi làng nghề truyền thống Cao Bằng đều có một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, gìn giữ những nghề nghiệp mà ông bà tổ tiên đã tạo dựng từ thời xa xưa. Ngày nay, những làng nghề này không chỉ góp phần tạo nên dấu ấn đẹp cho văn hóa Cao Bằng mà còn thúc đẩy du lịch phát triển.
Theo luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Instagram + Internet