Nhà thờ gỗ (hay còn gọi là nhà thờ chính tòa Kon Tum) là một công trình kiến trúc tôn giáo rất độc đáo. Được coi như “báu vật” giữa núi rừng Tây Nguyên, nơi đây là niềm tự hào của người dân Kon Tum bao đời nay. Bài viết dưới đây sẽ đưa đến cho bạn những thông tin về địa điểm này.
Nhà thờ gỗ ở đâu?
Nhà thờ tọa lạc tại đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, thuộc trung tâm TP. Kon Tum. Nơi đây được khởi công xây dựng vào năm 1913 bởi một linh mục người Pháp. Đến năm 1918 thì hoàn thành. Vậy là nhà thờ đã có tuổi đời cả trăm năm.
Đi tới đây theo đường nào?
Trước tiên du khách cần di chuyển tới TP. Kon Tum. Nếu đi bằng máy bay bạn sẽ phải đáp xuống tại sân bay Pleiku. Sau đó bắt taxi hoặc xe bus về Kon Tum với quãng đường khoảng 50km. Nếu di chuyển bằng xe khách thì sẽ tới thẳng được nhưng thời gian lại lâu hơn. Tuyến Hà Nội – Kon Tum dài khoảng 1080km. Tuyến TP.HCM – Kon Tum khoảng 576km.
Từ trung tâm TP. Kon Tum đến nhà thờ gỗ thì dễ dàng rồi. Bạn chỉ cần đi theo đường Nguyễn Huệ tầm 2km là sẽ tới nơi. Bạn có thể xem trước Google maps nếu sợ lạc đường. Nếu không cách đơn giản nhất là hỏi người dân địa phương.
Thời điểm thích hợp nhất để tham quan
Bạn có thể tới nơi đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhưng Poliva gợi ý thời gian thích hợp nhất là vào 2 tháng 11, 12. Lúc này Kon Tum đang vào mùa khô, tuy nhiên lại không nắng nóng như đợt tháng 3, 4. Hơn nữa dịp cuối năm sẽ có rất nhiều ngày lễ để bạn cảm nhận được không khí náo nhiệt.
Nếu muốn cảm nhận sự trầm mặc, cổ kính nơi đây thì bạn nên tới vào buổi sáng nhé. Thời gian này vì ít người làm lễ nên việc khám phá sẽ dễ dàng hơn. Bạn chỉ cần mặc quần áo nghiêm túc và chỉnh tề là được.
Kiến trúc độc đáo “hớp hồn” du khách của nhà thờ gỗ Kon Tum
“Choáng ngợp” từ ngay phía bên ngoài nhà thờ
Ngay khi vừa đặt chân tới nơi, chắc chắn bạn sẽ phải “ngỡ ngàng” trước một nhà thờ gỗ uy nghi, tráng lệ nằm trong khuôn viên rộng và đẹp lung linh. Những nét đặc trưng riêng biệt nơi đây sẽ níu chân du khách khiến ai cũng quyến luyến không nỡ về. Nhà thờ là sự kết hợp hoàn hảo từ lối kiến trúc phương Tây và nhà sàn gỗ của đồng bào Tây Nguyên.
Như tên gọi, nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Loại gỗ được sử dụng chủ yếu là cà chít (sến đỏ), rất đặc trưng của Tây Nguyên. Vì vậy toàn bộ nhà thờ mang một màu nâu mang lại vẻ trang trọng. Đặc biệt, nhờ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân mà gỗ kết dính với nhau bằng mộng, không hề có sự can thiệp của chiếc đinh nào. Giữa nền trời xanh biếc, nhà thờ gỗ nổi bật lên khiến ai nấy đều phải “xuýt xoa”.
Nhà thờ gỗ Kon Tum có bố cục hài hòa, là một công trình khép kín. 24m là chiều cao mặt chính của nhà thờ. Bao gồm 4 tầng, nhỏ dần khi lên cao. Nổi bật nhất là ô cửa sổ hình tròn nằm ở tầng 2, được tạo nên bởi các khung kính. Nhờ ô cửa sổ này mà vẻ rực rỡ của nhà thờ được tăng lên gấp bội. Phía trên đỉnh được đặt một cây thánh giá bằng gỗ tạo sự uy nghiêm, trang trọng. Khuôn viên đặt tượng Đức Cha Martial Jannin Phước – vị Giám mục đầu tiên tại Kon Tum. Ngoài ra còn có nhà rông, cô nhi viện, cơ sở mộc, cơ sở may, dệt thổ cẩm.
Phía bên trong nhà thờ cũng lung linh không kém phần
Bạn nhất định phải bước vào chính điện để có thể chiêm ngưỡng được toàn bộ những nét độc đáo của nhà thờ gỗ. Các hàng cột được trang trí công phu, tạo thành hình vòm làm không gian trở nên mát mẻ rộng rãi. Kết hợp cùng với vô số bức tranh kính đầy màu sắc khiến khung cảnh thêm phần diễm lệ.
Giống như kiểu làm nhà truyền thống của người miền Trung là đất trộn rơm, trần và tường của nhà thờ cũng được xây dựng theo cách như vậy. Nhưng điều đặc biệt ở đây là đã qua thời gian cả trăm năm, nhà thờ gỗ vẫn đứng sừng sững uy nghiêm giữa nắng gió Tây Nguyên. Hơn thế lại còn chưa hề có dấu hiệu xuống cấp nào.
Trên tầng 2 của nhà thờ còn có một phòng truyền thống. Nơi đây lưu giữ những hiện vật, bút tích về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX. Ngoài ra là các hình ảnh, tài liệu về lịch sử hình thành và sự phát triển của đạo giáo cho đến ngày nay.
Đến nơi đây chắc chắn du khách sẽ có cảm giác yên bình, thoải mái. Tâm hồn được thư thái hơn sau những lo âu bộn bề của cuộc sống Không chỉ vậy, đảm bảo bạn còn “mang về” được những bức ảnh “siêu chất” luôn đấy. Góc nào của nhà thờ gỗ cũng có thể là điểm check-in tuyệt đẹp.
Khám phá nhà thờ gỗ xong nên ăn gì?
Poliva gợi ý một số quán ăn gần nhà thờ gỗ cho bạn tham khảo:
-
- Bánh Đa Cua (451 Hùng Vương, p. Quang Trung, Kon Tum)
-
- Phố Mì Cay Seoul 12 Cấp Độ (339 Phan Chu Trinh, p. Quyết Thắng, Kon Tum)
-
- Bèo – Cake & Drink (724 Phan Đình Phùng, p. Quang Trung, Kon Tum)
-
- Yours Cafe (33 Trần Hưng Đạo, Kon Tum)
Các khách sạn gần nhà thờ gỗ
Để thuận tiện cho chuyến du lịch của mình, các bạn có thể tham khảo một số khách sạn có giá cả hợp lý mà Poliva gợi ý dưới đây:
-
- Indochine Hotel Kon Tum (30 Bạch Đằng, p. Quyết Thắng, Kon Tum): Từ 500.000đ – 800.000đ/phòng/2 người
-
- Khách sạn Thịnh Vượng (16B Nguyễn Trãi, p. Thống Nhất, Kon Tum): Từ 200.000đ/phòng
-
- Khách sạn Hữu Nghị (69 Bà Triệu, p. Quyết Thắng, Kon Tum)
-
- Khách sạn Bình Minh (204 Trần Hưng Đạo, p. Thắng Lợi, Kon Tum)
Đây chắc chắn là một điểm đến không thể bỏ qua nếu bạn có cơ hội du lịch Kon Tum. Hy vọng với những thông tin trên đây, chuyến đi của bạn sẽ thật vui vẻ và đáng nhớ.
Theo Poliva