1. Giới thiệu về Mù Cang Chải
Mù Cang Chải vốn là một huyện nhỏ thuộc tỉnh Yên Bái. Nơi này nổi tiếng với bức tranh thiên nhiên rộng mở những ruộng bậc thang bao la, được bao trọn bởi sắc vàng và sắc xanh của những cánh đồng lúa bạt ngàn.
Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên trời ban, cùng với những ngôi làng nhỏ lấp ló phía xa xa của người dân sinh sống tại đây, thật không ngoa khi nói rằng Mù Cang Chải quả thật là một viên ngọc quý của du lịch tỉnh Yên Bái nói riêng và của cả nước ta nói chung.
Nằm trong huyện cùng tên, thị trấn Mù Cang sẽ mở ra trước mắt du khách đặt chân đến đây một không gian tràn ngập hương thơm của cánh đồng lúa, phía xa xa lại là dòng suối nhỏ uốn lượn cùng những đồi núi trập trùng, khiến du khách sẽ cảm thấy bản thân trở nên thật nhỏ bé giữa những bao la, hùng vĩ của thiên nhiên giữa chốn Tây Bắc này.
2. Vị trí địa lý và hướng dẫn di chuyển tới Mù Cang Chải
2.1. Mù Cang Chải ở tỉnh nào?
Như đã nói ở phía trên, Mù Cang Chải là tên một thị trấn nhỏ, cũng là tên của một huyện thuộc tỉnh Yên Bái, nằm bên vùng đất Tây Bắc nổi tiếng với những dãy núi cao trập trùng của nước ta.
Nơi này cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 300km và cung đường đi không phải quá dễ dàng nên du khách cũng nên lưu ý để lựa chọn phương tiện di chuyển sao cho phù hợp và an toàn nhé.
2.2. Hướng dẫn di chuyển tới Mù Cang Chải
Mù Cang Chải nằm tách biệt bên mạn sườn phía Tây của dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ – dãy núi cao nhất nước ta, nơi có đỉnh Fansipan – nóc nhà của Đông Dương nên đường đi tới nơi này chủ yếu đi qua con đường 32 mà thôi.
Những con đường di chuyển khác cũng sẽ có nhưng chủ yếu phù hợp với những người đam mê “phượt” và người dân địa phương đã quen với di chuyển trên những cung đường nguy hiểm.
Đối với du khách miền Bắc và các tỉnh lân cận, du khách có thể bắt xe khách để đi đến Mù Cang Chải, thường là đi qua thị xã Nghĩa Lộ.
Một số ít hãng xe sẽ di chuyển trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Quãng đường di chuyển khá dài và nguy hiểm, sẽ mất của du khách khoảng 4 đến 5 giờ đồng hồ.
Đối với du khách miền Trung và du khách miền Nam, du khách hoàn toàn có thể lựa chọn giữa hai phương tiện là máy bay và tàu hỏa để cập bến thủ đô, sau đó từ thủ đô sẽ bắt đầu hành trình di chuyển đến Mù Cang Chải.
Nếu di chuyển bằng máy bay thì sẽ tiết kiệm thời gian cho du khách hơn khi du khách sẽ chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để bay từ bất cứ sân bay nào có đường bay thẳng tới sân bay Nội Bài (TP. Hà Nội).
Sau đó, thông thường du khách sẽ có một ngày để ở lại thủ đô và khám phá vòng quanh và ngày hôm sau sẽ xuất phát bằng xe khách đến Mù Cang.
Đối với việc di chuyển bằng tàu hỏa tới thẳng thị trấn Mù Cang Chải nhưng tuyến đường dài và xa nên sẽ mất của du khách kha khá thời gian. Nhưng bù lại, du khách sẽ có cơ hội được ngắm nhìn cảnh sắc tươi đẹp của những vùng đất mà du khách sẽ đi qua.
Còn đối với những tay “phượt” đã cứng tay và ưa mạo hiểm thì việc di chuyển đến Mù Cang cùng hội bạn trên chiếc xe mô tô hoặc xe máy của mình cũng là một lựa chọn khá lý tưởng, để du khách có thể tự do mà tận hưởng không gian bao la, hùng vĩ nhưng không kém phần bình yên và trong lành nơi đây.
3. Vẻ đẹp trữ tình say đắm của Mù Cang Chải
Sở hữu vẻ đẹp vẫn luôn được cho là nên thơ trữ tình, vậy rốt cuộc Mù Cang Chải hiện lên trước mắt du khách là gì?
Gây ấn tượng đậm nét với du khách chính là hình ảnh Mù Cang với những vựa lúa bậc thang được bao phủ bởi màu vàng tươi của đồng lúa chín, phía xa xa là trập trùng những dãy núi cao cao, mở ra một thung lũng với dòng suối nước chảy uốn lượn quanh co.
Tất cả trở nên mờ mờ ảo ảo dưới làn khói của bếp khi chiều xuống. Có lẽ chính bởi vì hình ảnh này mà trong lòng du khách dù chưa một lần đặt chân về đây cũng sẽ mường tượng được phần nào nét trữ tình sâu thẳm của mảnh đất này.
Đặt chân đến mảnh đất Mù Cang Chải này, du khách sẽ thấy như được ôm trọn bởi thiên nhiên Tây Bắc – nơi mang trong mình hai nét đẹp vừa đối lập lại vừa hòa quyện với nét bao la, hùng vĩ và nét thơ mộng, bình yên.
Và nét đối lập còn được thể hiện ở những mùa hoa, những mùa hòa sẽ khiến du khách thêm yêu thiên nhiên, lại càng thêm yêu mảnh đất bình yên này hơn nữa.
Mùa xuân, mảnh đất này được bao trùm bởi sắc hồng nhẹ nhàng, tươi tắn của hoa tớ dày (hay còn gọi là hoa đào rừng). Bước vào mùa hè, Mù Cang Chải lại được thay tấm áo mới mang một sắc vàng tươi sắc, rực rỡ giống như những ánh nắng của mùa hè cùng với hoa cải dầu.
Đến mùa thu, mảnh đất này thu hút du khách không chỉ bởi những ruộng lúa đang vào giai đoạn chín vàng mà còn bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch đặc trưng của mảnh đất Tây Bắc.
4. Những chốn “check-in” chắc chắn phải ghé khi tới Mù Cang Chải
4.1. Đèo Khau Phạ
Để đặt chân được đến du lịch Mù Cang Chải, du khách sẽ phải vượt qua con đèo Khau Phạ – một trong tứ đại đỉnh đèo của nước ta, nổi tiếng là những con đèo với những khúc cua vô cùng nguy hiểm.
Đối với tài xế lái xe khách hay với những du khách đi “phượt” bằng xe máy hoặc mô tô, khi đi qua con đèo này cũng phải thật cẩn thận và chắc tay lái.
Được mệnh danh là “cổng trời” của mảnh đất Yên Bái, dừng chân bên đèo Khau Phạ, du khách sẽ được tha hồ phóng tầm mắt mà chiêm ngưỡng núi rừng bao la hùng vĩ cùng với thiên nhiên xanh tươi ngút ngàn của mảnh đất Tây Bắc này.
Theo tiếng dân tộc, “Khau Phạ” có nghĩa là sừng trời, tựa như đang miêu tả những ngọn núi cao ngút nơi đây nhô lên như những chiếc sừng vươn tới trời xanh vậy.
Cũng chính bởi lẽ đó mà dường như những ngọn núi trên con đèo này đều như ẩn như hiện giữa mây mù trắng xóa, khiến mọi thứ trở nên huyền ảo hơn dưới mắt du khách.
4.2. Ruộng bậc thang
Đặt chân đến Mù Cang Chải thì chắc chắn du khách sẽ không thể bỏ qua hành tình khám phá và “check-in” tại những thửa ruộng bậc thang đẹp say đắm lòng người khi bước vào mùa lúa chín được rồi.
Những thửa ruộng bậc thang tại đây đã từng lọt vào “Top 20 điểm đến sắc màu nhất thế giới” và “Top 50 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2020”, đủ để du khách thấy được vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang này chưa nào?
Ruộng bậc thang tại mảnh đất này chủ yếu là những mảnh ruộng nhỏ, thường tọa lạc trên những ngọn núi với độ cao từ 800 cho tới 1700m.
Mù Cang Chải sở hữu diện tích hơn 800ha ruộng bậc thang, chủ yếu tập trung ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải.
Đây cũng được xem như là vùng danh thắng đặc biệt của mảnh đất Yên Bái bình yên và đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Những thửa ruộng bậc thang tại đây còn gắn liền với đời sống sinh hoạt cũng như những tập tục của người dân tộc Mông sinh sống trên mảnh đất này nên đặt chân đến đây, bạn sẽ không chỉ bỏ túi những tấm ảnh “check-in” xin sò mang về mà còn được trải nghiệm cũng như tìm hiểu về văn hóa cũng như nếp sống sinh hoạt thường nhật của người Mông.
Giữa một diện tích rộng lớn của những thửa ruộng bậc thang san sát nhau thì những thửa ruộng bậc thang tại 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình đặc biệt gây ấn tượng với du khách đã từng một lần đặt chân đến đây.
Đồi mâm xôi La Pán Tẩn được mệnh danh là đồi ruộng bậc thang đẹp nhất của vùng trung du Tây Bắc. Ngọn đồi này sở hữu hình dáng tròn đều, gợi cho du khách nhớ đến quả mâm xôi.
Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc đến đồi Móng Ngựa ở Sáng Nhù – đồi ruộng bậc thang bán nguyệt sở hữu vẻ đẹp đến hoàn hảo, luôn luôn đông đúc du khách đổ về đây để “check-in” và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngọn đồi này.
4.3. Thác Pú Nhu
Con thác nằm tại xã La Pán Tẩn này cũng là một chốn chắc chắn bạn phải ghé qua “check-in” nếu có dịp du lịch Mù Cang Chải.
Con thác này sở hữu chiều cao cihr hơn 20m nên không được phân chia thành quá nhiều tầng thác riêng biệt, tựa như một cột thác thẳng đứng từ trên trời cao đổ xuống vậy.
Cùng với bức tường đá dựng thẳng và những phiến đá với đủ dạng hình thù, sắp xếp lộn xộn nhưng lại vô cùng “nghệ thuật”, thác Pú Nhu hiện lên trước mắt du khách tựa như một bức tranh thủy mặc vậy.
4.4. Rừng trúc Mù Cang Chải
Và tất nhiên, rừng trúc Mù Cang Chải cũng là chốn nổi tiếng thu hút rất nhiều du khách đổ về đây. Hiện tại có hai rừng trúc mà bạn có thể “check-in”. Đó là rừng trúc thuộc địa phận xã Púng Luông và rừng trúc của xã Mồ Dề.
Rừng trúc của xã Púng Luông có tên gọi là Nả Háng Tủa Chử. Rừng trúc này sở hữu dicchj tích hơn 1ha với tuổi đời lên tới hơn 60 năm. Còn rừng trúc ở xã Mồ Dề tọa lạc tại bản Háng Sung và sở hữu tuổi đời còn lớn hơn rừng trúc ở xã Púng Luông.
Đặt chân vào rừng trúc này, du khách sẽ được chìm đắm giữa một không gian trong lành và tươi mát với những rặng trúc xanh tươi thẳng tắp, lại điểm tô điểm xen kẽ với những chiếc ghế, những chiếu nghỉ và những xích đu được làm từ trúc.
Điều đặc biệt hơn là rừng trúc lại nằm giữa thiên nhiên bao la ngút ngàn của mảnh đất Tây Bắc này, khiến cho không gian nơi đây càng trở nên trong lành hơn nữa.
5. Những hoạt động khám phá khác tại Mù Cang Chải
Bên cạnh hoạt động “check-in” cùng những background xịn sò cho những bức ảnh triệu “like” của mình thì đặt chân tới Mù Cang Chải, bạn cũng hoàn toàn có thể khám phá và trải nghiệm rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác gợi ý cho bạn ngay dưới đây thôi.
5.1. Khám phá bản Lìm Mông
Đặt chân đến mảnh đất này, chắc chắn du khách sẽ không thể bỏ qua hoạt động khám phá bản làng của những người dân tộc sinh sống tại đây được rồi.
Và nổi bật hơn hết tại Mù Cang Chải chính là bản Lìm Mông bình yên này. Nơi đây nằm trong lòng thung lũng Cao Phạ với đỉnh đèo Khau Phạ hùng vĩ, lại sở hữu những thửa ruộng bậc thang khi tới mùa lúa chín sẽ khoác lên mình màu áo vàng óng ả. Tất cả hòa quyện lại mang đến cho du khách một không gian quá đỗi bình yên và nên thơ đến lạ thường.
Bản Lìm Mông nằm ngay dưới chân đèo Khau Phạ nên tuy đường đi có hơi nguy hiểm và khó đi một chút nhưng đổi lại, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cũng như thả mình giữa thiên nhiên nên thơ say đắm lòng người nơi đây.
Muốn đặt chân đến bản Lìm Mông của người dân tộc Mông, du khách sẽ phải vượt qua bản của người dân tộc Thái sinh sống nên coi như du khách sẽ được dừng chân ghé lại và khám phá cuộc sống thường nhật cũng như thưởng thức ẩm thực thơm ngon của hai dân tộc thiểu số này.
5.2. Khám phá những lễ hội tại Mù Cang Chải
Đặc biệt hơn nữa, nếu đặt chân đến du lịch Mù Cang Chải vào đúng dịp lễ hội thì du khách sẽ được trải nghiệm và khám phá nhiều hơn nữa về văn hóa cũng như cuộc sống thường nhật của người dân tộc thiểu số nơi đây.
Nhắc đến chuỗi lễ hội tại Mù Cang thì trước tiên phải kể đến lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang bởi nơi đây sở hữu những thửa ruộng bậc thang thuộc vào top đẹp nhất trên thế giới.
Lễ hội này thường diễn ra vào tháng 9 hàng năm, khi bước vào mùa lúa chín với rất nhiều hoạt động thú vị. Trong đó phải kể đến lễ hội camping trên đồi ruộng bậc thang cùng những hoạt động khác như đốt lửa trại hay nấu nước ngoài trời.
Lễ hội này cũng là dịp để quảng bá văn hóa đặc sắc của người dân tộc Mông tại Mù Cang Chải đến với du khách cả trong và ngoài nước có dịp ghé qua mảnh đất ngày.
Chợ phiên vùng cao cũng là một trải nghiệm chắc chắn bạn phải thử trong chuỗi hoạt động của lễ hội ruộng bậc thang. Đây cũng chính là hoạt động thể hiện rõ nét nhất văn hóa của người dân thiểu số sinh sống ở vùng cao Tây Bắc, khi họ không họp chợ mỗi ngày giống người dân dưới xuôi mà sẽ họp theo tuần hoặc theo tháng.
Đến với chợ phiên vùng cao, du khách có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm nông, lâm sản như mật ong, táo mèo, mận tam hoa,… hay những sản phẩm thủ công với những hoạt tiết thổ cẩm sặc sỡ sắc màu do chính người dân tộc thiểu số nơi đây làm ra.
Kế đến cũng không thể bỏ qua lễ hội dù lượn trên đèo Khau Phạ . Lễ hội dù lượn này thường được tổ chức 2 lần trong năm, một lần vào mùa nước lên chuẩn bị cho mùa vụ mới và một lần là khi những cánh đồng lúa bước vào giai đoạn chín vàng.
Bay lên đỉnh đèo Khau Phạ, bạn sẽ tự như đang được lơ lửng trên mùa vàng của mảnh đất Tây Bắc bao la này và được trải nghiệm ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả từ trên cao, chắc chắn sẽ là những trải nghiệm vô cùng đáng giá.
6. Thời điểm lý tưởng để du lịch Mù Cang Chải
Thời điểm lý tưởng nhất để bạn có thể dừng chân ghé lại Mù Cang Chải và có được những bức ảnh “check-in” đẹp nhất cùng những trải nghiệm đáng nhớ nhất chính là khi nơi này bước vào mùa thu, rơi vào khoảng tháng 9 – tháng 10.
Lúc này những thửa ruộng bậc thang tại đây cũng bước vào mùa lúa chín, khoác lên mình chiếc áo với ánh vàng óng ả và rực rỡ như những tia nắng mùa hè. Có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ thấy được sắc vàng vốn nóng bỏng và rực rỡ nay lại êm dịu và yên bình đến thế.
Còn nếu không thể đặt chân đến Mù Cang Chải vào mùa thu, du khách hoàn toàn có thể đặt chân đến đây vào bất cứ mùa nào trong ba mùa xuân – hạ – đông còn lại bởi mỗi mùa sẽ mang lại một vẻ đẹp khác nhau đến cho du khách.
Khi mùa xuân, mảnh đất này sẽ trở nên dịu êm và căng tràn sức sống với cỏ cây bắt đầu đâm chồi nảy lộc và ra hoa. Mùa hè nơi này lại khoác lên vẻ đẹp của mùa nước đỏ với dòng nước chảy xiết trắng xóa.
Mùa đông lại là vẻ đẹp của sương khói mờ ảo như ẩn như hiện bao trùm lấy mảnh đất này.
7. Gợi ý những món ăn đặc sản tại Mù Cang Chải
7.1. Thịt trâu, thịt lợn gác bếp
Đặt chân đến mảnh đất Tây Bắc này, chắc chắn du khách sẽ phải thử qua món ăn dường như được coi là đặc điểm nhận dạng của người dân vùng cao.
Đó chính là thịt trâu hoặc thịt lợn gác bếp. Đây là món ăn đặc sản của người dân tộc Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi đồi.
Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng rồi lại hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi.
7.2. Thịt lợn kẹp cây rừng nướng
Đây cũng là một món ăn mang đậm phong cách ẩm thực địa phương để giới thiệu đến với du khách. Món ăn này thường được chế biến từ những chú lợn đen chăn thả tự do nên có thịt chắc cùng hương thơm nức mũi đặc trưng.
Những miếng thịt sau khi được thái lát ra sẽ được tẩm ướp với gia vị đặc trưng của miền núi là hạt mắc kén cùng với hành tươi, sau đó bọc vài lớp lá dong tươi bên ngoài và lấy kẹp tre kẹp lại và nướng trên bếp than hoa.
Vì được nướng trên bếp than hoa nên món ăn này đòi hỏi người chế biến phải thật khéo tay để thịt có thể chín đều, mang đậm hương vị hòa quyện say mê lòng người.
7.3. Quả táo mèo
Và tất nhiên, bên cạnh trải nghiệm thưởng thức những món mặn đặc sản địa phương thì thức quả đặc trưng của mảnh đất vùng cao là quả táo mèo cũng là đặc sản tại Mù Cang Chải mà bạn rất nên thử nhé.
Quả táo mèo được kết tinh từ hương của rừng núi bao la, ngấm đẫm gió ngàn, lại hấp thụ dưỡng chất của vùng cao nên nó mang trong mình đủ vị chua ngọt và chát đắng hòa quyện.
Táo mèo thường được ngâm ủ rất kỹ rồi cất thứ tinh chất ấy ra để chế thành rượu. Ban đầu, uống rượu táo mèo, du khách sẽ tưởng như đang uống một loại nước giải khát có ga, thế nhưng càng uống càng ngất ngây. Vậy nên du khách cũng nên hạn chế uống nếu không muốn say mèm nhé!
7.4. Xôi nếp Mù Cang Chải
Và tất nhiên, giữa “vương quốc” của những thửa ruộng bậc thang thì xôi nếp Mù Cang Chải có lẽ sẽ là món ăn đặc sản đầu tiên mà bạn sẽ nếm thử khi đặt chân đến mảnh đất này.
Xôi nếp tại mảnh đất này gây ấn tượng với du khách không phải bơi hương thơm béo ngậy của cốt dừa mà từ chính những hạt gạo làm nên món ăn này.
Những hạt gạo nếp chứa đựng trong mình cả tinh hoa của mảnh đất vùng cao Tây Bắc này nên những hạt gạo ở đây vừa dẻo vừa thơm, lại bùi bùi lại miệng tạo nên hương vị của món xôi trứ danh ở Mù Cang Chải.
7.5. Mèn mén
Đây cũng là món ăn đặc sản cuối cùng khép lại hành trình khám phá Mù Cang Chải ngày hôm nay rồi. Mèn mén là món ăn đặc trưng của người dân tộc Mông.
Món ăn này được chế biến từ ngô tẻ – một loại lương thực phổ biến đã nuôi sống biết bao nhiêu thế hệ của người dân sinh sống tại mảnh đất này. Mèn mén có độ dẻo và thơm, thường được ăn cùng với canh óc đậu, thắng cố hoặc một vài loại canh khác.
Vậy là du khách đã được dạo quanh một vòng Mù Cang Chải – địa danh du lịch có thể nói là “hot” bậc nhất của tỉnh Yên Bái. Hy vọng rằng với những chia sẻ chi tiết phía trên, du khách đã “bỏ túi” cho mình được những thông tin hữu ích để có thể yên tâm mà đặt chân lên hành trình khám phá vùng đất xinh đẹp và bình yên này.
Theo Ticotravel.com.vn