Mì Quảng chế biến khô, ăn kèm thịt bắp giò và chén nước dùng riêng mang đến hương vị vừa lạ, vừa quen.
Tiệm mì Quảng "núp hẻm" trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận Tân Bình gây chú ý nhờ cách biến tấu hợp khẩu vị nhiều người Sài Gòn. Quán nhỏ, nằm trước hiên nhà, chỉ có vài chiếc bàn nhưng lúc nào cũng đông khách. Thực đơn chính là mì Quảng bắp giò. Khác với kiểu mì Quảng chan xâm xấp nước dùng, mì Quảng ở đây có hai loại: khô và nước, tương tự kiểu ăn hủ tiếu ở Sài Gòn.
Trong chiếc tủ kính nhỏ đặt trên bàn, chủ quán chất đầy thịt bắp giò màu đỏ bắt mắt - thành phần chính của món ăn, nhưng không có các loại topping như thịt gà, trứng cút, tôm... quen thuộc. Cô Yến, chủ quán, cho biết phần thịt bắp gồm cả da lẫn nạc có vị béo, mềm, ít bị ngấy hơn so với thịt mông quá nhiều nạc, hay thịt ba rọi nhiều mỡ. Thịt ướp hơi giống cách làm thịt heo xá xíu, không đậm mùi ngũ vị hương. Miếng bắp giò lớn sẽ được cuộn chặt, rim mềm, da không dai và rất thấm vị.
Nước mì ở đây trong kèm lớp váng dầu, không có trứng gà như nước dùng của món mì ở xứ Quảng. Quán sử dụng sợi mì màu đỏ, mềm. Khi có khách gọi món, chủ quán trụng mì, cho vào bát, xếp thịt bắp giò lên trên, chan đầy nước dùng nếu khách chọn mì nước. Cuối cùng, thêm hành lá, đậu phộng rang và hành phi thơm giòn.
Tô mì đầy đủ giá 30.000 đồng. Thực khách gọi mì Quảng khô được phục vụ thêm chén nước dùng riêng, giống các món miến trộn khô, hủ tiếu khô... Khi ăn, thực khách trộn mì Quảng lên, ăn chung với rau sống như: rau muống bào, xà lách, rau thơm... Miếng bánh tráng chiên giòn, béo nhai vui miệng. Người thích ăn cay nêm nước mắm ngọt, ớt, vắt chanh tùy khẩu vị.
Mỗi ngày, quán bán hai buổi: 6h-10h30 phục vụ người ăn sáng; 14h30-18h30 dành cho người ăn xế chiều và tối. Chủ quán cho biết đã bán được khoảng 20 năm, có lượng khách quen cố định. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích món này, nhất là với những người đã quen ăn mì Quảng truyền thống.