Đến với Đồng Tháp, ngoài những làng hoa rực rỡ sắc màu, vườn cây ăn trái trĩu quả… ít người biết rằng nơi đây đã từng sở hữu một hệ thống lò gạch đồ sộ.
Sa Đéc từng rất hưng thịnh với nghề làm gạch truyền thống. (Ảnh: Thái Nghĩa)
Nghề làm gạch truyền thống đã gắn bó với vùng quê miền Tây Nam Bộ trong khoảng những năm 70 của thế kỷ XX. Vào thời hưng thịnh, những lò gạch là cả một cơ nghiệp của nhiều hộ gia đình, đồng thời cũng là công việc mưu sinh của không ít lao động trong vùng.
Không chỉ mang giá trị quan trọng về kinh tế, những lò gạch san sát, nhô cao nổi bật ngay cạnh dòng Sa Giang đã góp phần tạo nên nét đẹp rất riêng của miền quê Đồng Tháp. Những cụm lò ở thành phố Sa Đéc với sắc đỏ bắt mắt cùng cấu tạo kiểu tháp nhọn khiến nhiều người liên tưởng đến các tòa tháp Chăm nổi tiếng.
Dưới ánh nắng rực rỡ tỏa khắp mặt sông và hắt lên những lò gạch nóng đỏ, toàn bộ khu vực ven sông hiện lên như những tòa tháp cổ tích, một vẻ đẹp thanh bình, hoài cổ nhưng cũng rất độc đáo.