Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng khi nhắc về địa danh Lầu Ông Hoàng, người ta lại nhớ tới cuộc tình đã tốn bao giấy mực một thời giữa thi sĩ Hàn Mặc Tử và nàng Mộng Cầm xinh đẹp. “Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang”, để biết bao thi nhân, nghệ sỹ cũng đắm chìm trong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong những ký ức đầy mơ mộng của một giai thoại tình yêu. Và hôm nay, mỗi lần về Phan Thiết, người ta lại rỉ tai nhau cùng về chốn thơ ấy, để nghe gió thổi bên tai về câu chuyện của ngày xưa và ôm trọn vào lòng bức tranh non nước hữu tình những ngày gió lộng.
Lầu Ông Hoàng - Nơi ghi dấu mối tình xưa của Hàn Mặc Tử - Ảnh: Eric Viet Thang
LẦU ÔNG HOÀNG VÀ NHỮNG GIAI THOẠI ĐẦY BÍ ẨN
Trong một vài lời đồn đại xưa nay, người ta cứ nghĩ rằng Lầu Ông Hoàng là dinh thự mà ông hoàng Bảo Đại thường nghỉ mát lúc bấy giờ. Nhưng ít ai ngờ địa danh ấy lại gắn liền với một vị Công Tước người Pháp De Montpensier.
Quang cảnh khi xưa trên ngọn đồi nơi Lầu Ông Hoàng được xây dựng - Ảnh: anhcauduong (Tuệ Minh)
Lầu Ông Hoàng được khởi công xây dựng vào ngày 21/2/1911 với diện tích 536m2, nằm trên đỉnh đổi Bà Nài, cách Tháp Chàm Pôshanư khoảng 100m về hướng Nam.
Công trình này được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với móng nền được đúc bằng đá hộc xanh, nền cao tới hai thước, lót gạch bông sáng bóng. Phía trên nóc biệt thự là những phiến đá màu xanh, khiến bên trong luôn mát lạnh dù thời tiết bên ngoài có nóng nực đến cỡ nào.
Và những dấu tích còn sót lại ngày nay của Lầu Ông Hoàng - Ảnh: Sưu tầm
Phía trước biệt thự, người ta phải tròn mắt ngạc nhiên bởi một khoảng sân rộng với nhiều loại hoa, cây cảnh, thêm các cây che bóng mát và ghế đá ngồi trò chuyện, nghỉ ngơi.
Một công trình tuyệt đẹp được xem là một trong những biệt thự hiện đại nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên đến tháng 07 năm 1017, ông Hoàng De Montpensier bán lại biệt thự cho một chủ khách sạn người Pháp tên là Prasetts. Về sau, nó được vua Bảo Đại mua lại làm nơi nghỉ mát.
Nơi từng được Vua Bảo Đại mua lại làm nơi nghỉ mát - Ảnh: Sưu tầm
Mãi tới vài chục năm sau, khi Hàn Mặc Tử đặt chân tới Lầu Ông Hoàng, những kỷ niệm mà ông để lại, những vần thơ mà người thi sĩ viết nên mới khiến Lâu Ông Hoàng đi sâu vào tiềm thức của bao người bởi một câu chuyện tình đẹp nhưng đầy trắc trở.
Theo lời bà Mộng Cầm sau này kể lại, một ngày mùa hè, Hàn Mặc Tử vào Phan Thiết thăm bà và Mộng Cầm đã đưa ông tới Lầu Ông Hoàng nhưng đáng tiếc thay đây lại là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai người. Hàn Mặc Tử quay lại Huế, rồi vào Quy Nhơn và điều trị bệnh phong ở Tuy Hòa cho đến khi mất.
Cũng là nơi lưu dấu câu chuyện tình đầy bi thương của người thi sĩ họ Hàn - Ảnh: Sưu tầm
Vậy nên khi người ta nhắc tới câu chuyện tình xưa, họ lại nhớ về Lầu Ông Hoàng. Dường như nơi ấy cũng trở thành một niềm khắc khoải để tận mãi sau này, mỗi lúc nhớ về, người thi ấy trong những cơn đau bệnh cuối đời phải thốt lên:
“Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! là Phan Thiết Phan Thiết
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi”
LẦU ÔNG HOÀNG NGÀY NAY
Dù rằng ngày nay, Lầu Ông Hoàng chỉ còn phế tích nhưng mỗi lần ghé Phan Thiết, người ta lại rỉ tai nhau phải ghé bằng được quần thể di tích Lầu Ông Hoàng và cụm Tháp Pôshanư – nơi thờ công chúa người Chăm.
Tới Phan Thiết là phải ghé Lầu Ông Hoàng và cụm tháp Pôshanư - Ảnh: Break Away
Một điều đặc biệt rằng di tích Lầu Ông Hoàng dường như không có bàn tay tác động của con người, vẫn giữ nguyên vẹn những nét hoang sơ từ thuở nào, khiến người ta ngỡ như mình đang lạc bước một không gian xa xưa, lòng nhớ về người thi sĩ Hàn Mặc Tử thuở nào, thấy dấy lên bao niềm thương xót.
Và thổn thức trươc vẻ hoang sơ còn vẹn nguyên như thuở nào ở nơi ấy - Ảnh: Xavi 10283
Nhưng rồi khi đứng trên đỉnh Bà Nài lộng gió, phóng tầm mắt ra xa, ôm cả thành phố Phan Thiết vào lòng. Dường như chỉ ở vị trí này, trên phế tích Lầu Ông Hoàng nổi tiếng một thời, ta mới thấy một vẻ đẹp đầy mơ mộng của thành phố Phan Thiết đang bình yên nằm gọn trong một thung lũng lớn.
Rồi ôm trọn cả thành phố Phan Thiết bình yên nằm trong thung lũng lớn - Ảnh: Chungphoto2011
Mặt trước là biển xanh rì rào, từng con sóng biếc đang nhấp nhô lan mãi tới tận chân trời xa. Ngoảnh mặt nhìn lại phía sau, bỗng thấy những trập trùng những dãy núi uốn lượn tài tình, để rồi ẩn hiện phía sau đó là hình ảnh cao nguyên Lâm Đồng đang oằn mình trong làn sương mờ ảo.
Thấy xa xa những con sóng võ đêm ngày - Ảnh: Tiny Kapok
Nhưng có lẽ, bình minh trên Lầu Ông Hoàng mới khiến bao người xao xuyến. Mặt trời ửng hồng nhô dần lên từ biển lớn, cả một không gian đang chìm trong đêm đen huyễn hoặc, bỗng chốc tỏ dần trong ánh sáng màu nhiệm của buổi sớm mai. Từ trên cao, nhìn cảnh và người dần thức giấc, nhẹ nhàng, bình yên quá đỗi.
Nhưng có lẽ khoảnh khắc ngắm bình minh từ Lầu Ông Hoàng khiến người ta xao xuyến mãi - Ảnh: Le Anh Khoa
Nhiều người lại cố chờ để đón hoàng hôn nơi ấy, mặt trời đỏ rực, cố chiếu những tia nắng yếu ớt cuối ngày lên vạn vật rồi chìm dần về phía những dãy núi xa, trả lại cho Phan Thiết một màu huyền bí. Và khi trăng lên, đặc biệt là những ngày trăng 16, ánh sáng bàng bạc lan dần trên từng nhành cây ngọn cỏ, khiến mọi thứ trở nên ma mị đến khôn cùng. Ấy thế nên, xưa kia Hàn Mặc Tử mới ca ngợi những đêm trăng trên đỉnh Lầu Ông Hoàng lộng gió.
Và hoàng hôn về khiến nơi ấy ảo diệu khôn nguôi - Ảnh: Eric Viet Thang
“Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng”
Trăng mờ ảo, vẽ nên một bức tranh chốc tỏ chốc mờ, nhưng có lẽ với những người yêu Phan Thiết, ánh trăng bàng bạc ấy khiến người ta cứ mãi nhớ về.
Để nhớ về Lầu Ông Hoàng là nhớ những chuyện xưa - Ảnh: huu5189 [Hữu Khoa]
Hàn Mặc Tử và một đêm trăng cùng nàng thơ Mộng Cầm trên Lầu Ông Hoàng, và đến hôm nay, khi nhắc về địa danh ấy, người ta không chỉ cảm bởi vẻ đẹp thiên nhiên mà còn đau lòng nhớ về một mối tình đẹp nhưng nhuốm vẻ bi thương trong quá khứ. Để rồi, ghé Phan Thiết một lần, ta lại dặn lòng lên lên đỉnh Bà Nài, tìm về dấu tích Lầu Ông Hoàng khi xưa, mà thương mà nhớ.
Theo Mytour.vn