1. Giới thiệu về làng tranh Đông Hồ
Làng tranh dân gian Đông Hồ là một làng nghề có lịch sử hơn 400 năm ở vùng đất Kinh Bắc. Ngôi làng gắn liền với nghề sản xuất tranh khắc gỗ – một dòng tranh dân gian có tiếng ở đất Kinh Bắc xưa.
Làng tranh Đông Hồ nổi tiếng không chỉ bởi cách tạo hình độc đáo mà còn chứa đựng cái hồn của người Việt qua những hình ảnh thân thuộc, gần gũi như lợn, gà, chuột, trẻ con,… Những bức tranh nổi tiếng có thể kể đến như Đám Cưới Chuột, Lợn ăn cây ráy, Vinh hoa,… thường được mua về để treo trong nhà vào những dịp Lễ, Tết.
Ngày nay, khi đến Bắc Ninh, du khách thường tìm đến làng tranh để tìm hiểu lịch sử, văn hóa cũng như chiêm nghiệm lẽ sống lại qua những bức tranh mang đượm hồn quê.
2. Vị trí và hướng dẫn di chuyển đến làng tranh Đông Hồ
2.1. Vị trí
Địa chỉ: phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Làng tranh Đồng Hồ ở đâu hay tranh Đông Hồ ở tỉnh nào là những câu hỏi được nhiều khách du lịch quan tâm. Địa chỉ của làng tranh nằm ở bên bờ Nam con sông Đuống, thuộc làng Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành.
Nơi đây cách thành phố Bắc Ninh khoảng 16km và cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 35km về hướng Đông Bắc.
2.2. Hướng dẫn di chuyển
Du khách xuất phát từ Hà Nội muốn đến tham quan làng tranh Đông Hồ có thể chọn di chuyển bằng các phương tiện đường bộ như xe khách, bus, xe máy hoặc ô tô tự lái.
Xe khách
Hiện nay, có nhiều nhà xe đang khai thác chuyến hành trình Hà Nội – Thuận Thành từ các bến xe như Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình với tần suất từ 2 – 3 chuyến/ngày.
Giá vé xe khách dao động từ 120.000 – 200.000 VNĐ/chiều. Một số hãng xe y tín, chất lượng mà bạn có thể tham khảo như Cúc Mừng, Green limousine, Phúc Xuyên, Hoàng Long,…
Xe ô tô, xe máy;
- Cung đường 1: Hà Nội – Quốc lộ 38 – cầu Hồ – đường Thiên Đức. Sau đó bạn chạy tiếp khoảng gần 2km nữa sẽ tới làng tranh.
- Cung đường 2: Hà Nội – đường 5 (Quốc lộ 5) – Quốc lộ 18B – Phố Sủi, chợ Keo, chợ Dâu – thị trấn Hồ – Quốc lộ 38 – cầu Hồ – đường Thiên Đức, đi thẳng khoảng 2km để đến làng tranh Đông Hồ.
Xe bus
Ngoài các phương tiện ở trên bạn cũng có thể chọn đi bằng xe buýt số 204 chặng Hà Nội – Thuận Thành, Bắc Ninh. Giá vé cho quãng đường này là 10.000 VNĐ/vé.
Sau khi xuống đến bến bus tại trung tâm thị xã Thuận Thành thì bạn tiếp tục gọi xe ôm hoặc taxi để về lại làng Đông Hồ.
3. Lịch sử hình thành và phát triển của làng tranh dân gian Đông Hồ
Theo những tài liệu ghi chép của người dân trong vùng thì nghề làm tranh Đông Hồ có từ thế kỷ 17, tính đến nay đã ngót nghét hơn 4 thiên niên kỷ. Xuất xứ của làng tranh Đồng Hồ từ làng Hồ, Sông Hồ, Thuận Thành, bên bờ sông Đuống.
Đến năm 1945, tại làng Đông Hồ, có tất thảy 17 dòng họ theo nghề in ấn tranh dân gian. Những bức tranh độc đáo của làng nghề khi đó rất được ưa chuộng, đem trưng trong nhà với ý nghĩa mong cầu tài lộc, phú quý.
Trải qua bao thăng trầm, nghề làm tranh dần mai một và nhiều gia đình trong làng đã chuyển sang làm nghề khác. Hiện nay, chỉ còn sót lại hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế vẫn gắn bó với nghiệp gìn giữ và phát triển dòng tranh truyền thống của ông cha.
4. Du lịch làng tranh Đông Hồ có gì thú vị?
4.1. Khám phá nét đẹp của làng tranh Đông Hồ Bắc Ninh
Tranh Đông Hồ được biết đến là dòng tranh dân gian nổi tiếng bậc nhất bên cạnh những cái tên như tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế). Các đề tài được khai thác trong tranh vô cùng gần gũi với cuộc sống làng quê Bắc Bộ. Trong đó có nhiều bức họa mang tính châm biếm, phê phán hiện thực xã hội.
Điểm đặc biệt của dòng tranh này là sử dụng các ván gỗ để khắc đường nét, màu sắc sau đó in trực tiếp lên trên giấy Điệp (giấy Dó) mà không cần vẽ. Theo chia sẻ của nghệ nhân tranh Đông Hồ thì để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh cần sử dụng tới hai bản khác là ván in nét làm từ gỗ thị/thừng được và ván in màu chế tác từ gỗ mỡ.
Tranh lôi cuốn người xem bởi những đường nét, mềm mại, dứt khoát đậm chất Việt Nam. Màu sắc 100% được lấy từ thiên nhiên như màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của sỏi son, mùa xanh của lá chàm, màu đen của tro,… tạo nên sự khác biệt và độc đáo. Chẳng vậy mà những bức tranh của làng nghề đã đi vào trong thơ ca nhưng một biểu tượng văn hóa:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
4.2. Check in là nghề làm tranh dân gian truyền thống
Du khách tới thăm quan làng tranh Đông Hồ sẽ có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh nhiều màu sắc. Chúng đều được đóng khung gọn gàng, treo trên tường, giá đựng, trông vừa sinh động, chân thực vừa chứa đựng những tầng ý nghĩa riêng biệt. Bạn có thể thỏa sức tạo dáng, chụp hình check – in với những bức tranh độc đáo, mang đậm hồn quê hay những dụng cụ, nguyên liệu, bản khắc gỗ độc đáo.
4.3. Gặp gỡ và tham gia học làm tranh Đông Hồ cùng nghệ nhân
Một lần đến với Đông Hồ, du khách thích thú gặp gỡ các nghệ nhân cả một đời giữ lửa cho làng nghề truyền thống của ông cha. Bạn có dịp tìm hiểu về lịch sử, đặc điểm của dòng tranh và quy trình chi tiết để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Sau đó, bạn có thể tự tay thao tác để tạo ra một bức tranh dân gian mang thương hiệu Đông Hồ.
4.4. Lễ hội làng tranh Đông Hồ
Hằng năm, cứ vào ngày 14 – 16 tháng 3 Âm lịch, người dân trong vùng lại nô nức tổ chức lễ hội làng tranh Đông Hồ với nhiều hoạt động văn hóa ấn tượng và đặc sắc tôn vinh tổ nghề và truyền tải văn hóa đến khách du lịch và thế hệ trẻ. Bạn có thể du xuân làng tranh vào dịp này, tận hưởng không khí sôi động và tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống.
4.5. Triển lãm tranh dân gian Đông Hồ
Triển lãm tranh dân gian Đông Hồ là hoạt động văn hóa – nghệ thuật đặc sắc của tỉnh Bắc Ninh, thu hút nhiều du khách đến tham gia. Tại đây, trưng bày hơn 100 bức tranh ấn tượng cùng các bản khắc gỗ và tư liệu quý gắn với nghề làm tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ có lịch sử hơn 400 năm.
5. Ăn gì khi đi du lịch làng tranh Đông Hồ?
5.1. Bánh phu thê
Nói đến những món ăn đặc sản của Bắc Ninh không thể bỏ qua bánh phu thê truyền thống. Món này thường được làm trong các lễ hội, đám cưới và các dịp quan trọng khác.
Nét đặc sắc của bánh phu thê đến từ mùi thơm của gạo nếp, lá chuối cùng phần vỏ bánh dẻo thơm và nhân đậu xanh ngọt thanh, bùi ngậy. Ăn bánh cùng với tách trà nóng vừa dậy thêm hương vị lại chống ngán khiến ai ai cũng thích mê.
5.2. Nem làng Bùi
Có dịp du lịch làng tranh Đông Hồ đừng quên dành thời gian thưởng thức hương vị thơm ngon có tiếng của nem làng Bùi. Món ăn được làm tỉ mỉ, kỳ công từ thịt lợn trộn chung gia vị, thính gạo, thêm vài lá ổi tươi rồi đem gói trong lá chuối. Khi ăn sẽ cảm nhận độ chua nhẹ, vị đậm đà của thịt kích thích vị giác vô cùng.
5.3. Bò tơ hấp cuốn bánh tráng
Thêm một món đặc sản mà bạn nhất định phải thử trong chuyến hành trình đến thăm làng tranh Đông Hồ là món bò tơ hấp cuốn bánh tráng. Bò tơ sau khi đem đi hấp có độ mềm, vị ngọt đậm tự nhiên, không bị hôi. Khi ăn thì cuốn chung với rau sống, bánh tráng chấm ngập trong bát mắm nên đưa vị phải biết.
6. Một số lưu ý khi khám phá làng tranh Đông Hồ
Khi đến tham quan làng tranh dân gian Đông Hồ bạn cần chú ý những điều sau:
- Theo dõi dự báo thời tiết để sắp xếp đến tham quan vào những ngày thời tiết nắng đẹp, thuận tiện đi lại.
- Tôn trọng không gian làng nghề, tránh làm hư hại hiện vật. Chuẩn bị mũ nón, ô dù, áo khoác và đồ ăn nhẹ để tiếp thêm năng lượng trong hành trình khám phá làng nghề.
- Nếu bạn có ý định mua tranh về trưng bày hay làm quà biếu thì có thể nhờ người trong làng đóng khung, bọc kín để tránh hư hỏng khi vận chuyển.
Bài viết đã cùng bạn khám phá từ A – Z làng tranh Đông Hồ điểm đến văn hóa ấn tượng xứ Kinh Bắc. Còn chần chờ gì mà không nhanh chân đến tham quan làng tranh và trải nghiệm hoạt động in tranh cùng nghệ nhân ngay hôm nay. Chúc bạn và những người thân yêu sẽ có một chuyến đi thật đáng nhớ nhé!
Theo Ticotravel.com.vn