Với vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính giữa đồi thông thơ mộng, Lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt là điểm đến hấp dẫn với những du khách yêu thích nét đẹp hoài cổ ở xứ sương mù.
Nét đẹp hoài cổ của những công trình kiến trúc cũ tại Đà Lạt đã trở thành điều đặc biệt thu hút những tâm hồn mơ mộng tìm đến và giữa rất nhiều các công trình mang đậm dấu ấn riêng thì lăng Nguyễn Hữu Hào vẫn luôn là một nét chấm phá rất riêng trên bản đồ du lịch của thành phố xinh đẹp này. Không chỉ mang trong mình dấu ấn về một nhân vật có tiếng trong lịch sử mà lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt còn sở hữu nét đẹp kiến trúc độc đáo cùng với không gian thơ mộng đậm chất Đà Lạt khiến du khách say mê.
Định vị tọa độ Lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt
Lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt nằm ở trên một ngọn đồi xanh mướt thuộc đường Vạn Thành, phía Tây Nam thành phố và chỉ nằm cách thác Cam Ly tầm 150m.
Quần thể lăng mộ này là nơi an táng ông Nguyễn Hữu Hào và vợ công là bà Lê Thị Bình, chính là thân phụ mẫu của Nam Phương Hoàng Hậu. Theo ghi chép lịch sử thì ông Nguyễn Hữu Hào trước đây là một điền chủ rất giàu có ở Gò Công, ngày nay chính là tỉnh Tiền Giang. Ông lấy bà Lê Thị Bình, con gái của ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, cung là một trong những người giàu bậc nhất xứ Việt lúc bấy giờ. Lúc ông còn sinh thời, con gái là Nam Phương Hoàng Hậu, tên gọi Nguyễn Hữu Thị Lan là người đưa ông bà lên sinh sống tại Đà Lạt và thường xuyên ghé thăm.
Từ khi lên Đà Lạt sinh sống, cụ Nguyễn Hữu Hào rất ít khi về quê, vào những ngày cuối đời vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hào đều có nguyện vọng sau khi mất sẽ được chôn cất tại Đà Lạt. Thực hiện di nguyện của cha, Nam Phương Hoàng Hậu đã cho xây dựng lăng mộ ông tại Đà Lạt từ 1939, sau đó 4 năm thì hoàn thành.
Lăng Nguyễn Hữu Hào ở Đà Lạt được xây dựng khá bề thế và uy nghi ẩn mình giữa rừng thông xanh mướt và trầm mặc. Lăng được xây dựng trên đồi cao với dáng tựa như một đoá hoa sen đang nở, phần cổng có 4 trụ biểu thẳng đứng được trang trí hoa sen, điểm nhất chính là cặp câu đối do chính Nam Phương Hoàng Hậu đề tự . Tại đây chỉ có duy nhất một lối đi dẫn lên lăng gọi là Nhất Chính Đạo với 158 bậc, du khách muốn đến nơi đặt mộ của Quận Công và phu nhân thì cần đi qua một sân tế thêm 13 bậc thang đến sân chầu và tiếp tục đi thêm 20 bậc.
Công trình lăng Nguyễn Hữu Hào hoàn toàn được xây dựng bằng gạch đá không dùng chất liệu gỗ, phần mái cũng đúc bê tông cốt thép sau đó vát cong lợp ngói lưu ly. Đỉnh mái có đặt một cây thánh giá vì sinh thời ông Nguyễn Hữu Hào theo đạo Công Giáo.
Đến khu vực chính lăng, du khách sẽ nhìn thấy ngôi mộ của Quận công và phu nhân được đặt song song và tạc bằng chất liệu đá xanh nguyên khối, trên mộ được chạm khắc hoa vặt rất tinh xảo mà chỉ những người giàu có của thời kỳ đó mới có. Giữa hai ngôi mộ là một bàn cúng, và trong lăng còn có hai văn bia tạc để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục do chính hai con gái của Quận công dựng.
Từ lăng mộ tưởng như bị lãng quên trở thành điểm check-in thơ mộng
Lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt mang vẻ đẹp rất an yên và trầm tĩnh, khác xa một thành phố náo nhiệt xô bồ ngoài kia, một ngọn đồi được xem là hẻo lánh với cây cối mọc um tùm lại là cảnh sắc bình yên của một công trình kiến trúc bề thế của quý tộc xưa tưởng chừng như đã bị quên lãng theo năm tháng. Điểm nhấn nổi bật nhất cho không gian nơi đây với các tín đồ xê dịch chính là con đường Nhất chính đạo với 158 bậc thang thẳng tắp đã bị cỏ cây phủ lối đi dưới rừng thông xanh trầm mặc dẫn lối lên khu lăng mộ uy nghi.
Ghé lăng Nguyễn Hữu Hào và thong thả dạo bước dưới tán thông xanh, hít thở không khí trong lành giữa tiết trời se lạnh đặc trưng của Đà Lạt, hay mân mê những nhánh dã quỳ dại ven đường, đi qua sân chầu vắng, bệ tượng đá đầu rêu phòng, mang đến cảm giác bình yên đến lạ lùng. Khung cảnh mộng mơ của con đường Nhất chính đạo được nhiều bạn trẻ ưa thích và lựa chọn để check-in khi ghé thăm lăng Nguyễn Hữu Hào. Khung cảnh bình yên, xanh ngát dưới rừng thông mang đến cảm giác như đang được lạc vào thế giới bình yên của những khu rừng kỳ diệu. Thay vì phải chen chúc xếp hàng chờ check-in thì bạn có thể thoải mái dạo bước và check in ở bất cứ vị trí nào cảm thấy yêu thích.
Kinh nghiệm nên biết khi đến Lăng Nguyễn Hữu Hào
Lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt nằm không xa trung tâm nên việc di chuyển khá dễ dàng. Bạn có thể check-in nhanh bằng cách di chuyển từ chợ trung tâm theo hướng đường Nguyễn Văn Cừ đi qua đường 3 tháng 2 đến vòng xoay của khách sạn Sài Gòn Đà Lạt thì rẽ qua đường Nguyễn Văn Thụ sau đó chạy thẳng lên một chút sẽ đến được lăng.
Lăng mộ Nguyễn Hữu Hào hiện là điểm check-in tự do nên du khách đến có thể thoải mái vào thăm quan ở tất cả các khung giờ, không tốn tiền mua vé.
Vì chưa có cơ quan quản lý nên khi đến lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt bạn lưu ý khoá xe cẩn thận. Khu lăng mộ này là một điểm điểm linh thiêng nên khi thăm quan hãy lưu ý không gây ồn ào hay xả rác bừa bãi. Ngoài ra đừng quên chọn cách ăn mặc thích hợp để đảm bảo tính tôn nghiêm.
Vì Lăng Nguyễn Hữu Hào nằm trên cung đường du lịch Tà Nung nên khi check-in tại đây bạn có thể kết hợp ghé thăm một vài điểm thăm quan gần đó như khu du lịch thác Cam Ly, làng hoa Vạn Thành, nhà thờ con Gà…
Không mang vẻ đẹp thướt tha, lộng lẫy như chốn tiên cảnh Lăng Nguyễn Hữu Hào Đà Lạt với không gian bình yên, nhẹ nhàng và có chút hoang vắng sẽ là điểm dừng chân tuyệt vời để bạn được sống lại với những cảm xúc bình yên, nhẹ nhàng sau những bộn bề.
Theo Luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet