1. Đồi thông hai mộ ở đâu?
Đồi thông hai mộ nằm bên bờ hồ Than Thở, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 6km. Đồi cao giữa rừng thông tĩnh mịch, không gian hoang vắng cùng những lời đồn ma mị xung quanh khiến nhiều du khách e dè khi có ý định tới đây. Tuy nhiên thì lời đồn chỉ là lời đồn, không có gì xác thực về những câu chuyện ma quái ở đây.
Hiện tại, đồi thông hai mộ là địa điểm tham quan du lịch miễn phí. Không có bất kỳ chi phí phát sinh nào. Bạn nên cẩn thận với những kẻ lừa đảo và các chiêu trò chèo kéo du khách, tránh để bị lợi dụng.
Hướng dẫn di chuyển đến Đồi thông hai mộ:
Từ trung tâm Đà Lạt, bạn di chuyển theo đường Trần Quốc Toản => đường Sương Ngọc Ánh => đường Phan Chu Trinh => đường Hồ Xuân Hương => đường 27C => Hồ Than Thở
2. Chuyện tình đầy đau thương trên đồi thông hai mộ
Vốn là một địa điểm thu hút nhiều người tìm đến, nhưng không phải ai cũng biết đến câu chuyện có thật về một cuộc tình ngang trái cách đây hơn 60 năm về trước.
Câu chuyện xảy ra vào năm 1956, anh Tâm quê ở Vĩnh Long, là sĩ quan trường Võ Bị và cô Thảo, giáo viên trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt. Hai người gặp nhau bên cạnh hồ thơ mộng đã đem lòng yêu tha thiết, thề non hẹn biển:
“Dù cho vật đổi sao dời
Thảo Tâm cũng nguyện trọn đời bên nhau”
Tại thời điểm đó, gia đình hai bên đều hết sức ngăn cấm, cho rằng anh và cô Thảo không môn đăng hộ đối. Anh bị ép phải cưới một người con gái anh không yêu thương làm vợ. Tuy không muốn, nhưng vì cần làm tròn đạo hiếu của một người con, anh đành chấp nhận.
Về phần cô Thảo, khi nghe tin anh Tâm về quê lấy vợ, đã nghĩ là anh phụ tình mình. Cô đến bên hồ Sương Mai (sau này là hồ Than Thở), để lại hai câu thơ trên tà áo dài trắng rồi gieo mình xuống hồ tự vẫn.
“Tà áo trắng nay tình ta đã hết
Chút tình này xin trả lại cho nhau”
Khi quay trở lại trường Võ Bị, anh Tâm nghe tin cô Thảo tự vẫn mà đau buồn tột độ. Anh đến bên mộ của cô trên đồi thông hai mộ, cạnh hồ nơi hai người vẫn thường hẹn hò tâm sự và nói: “Nếu không được chung một mái nhà, thì chết nhất định sẽ chung một nấm mồ”.
Sau đó, anh xin đơn vị tham gia vào tuyến đầu chống địch. Không may bị thương rất nặng, được tận tình cứu chữa và chăm sóc nhưng không qua khỏi. Trước lúc ra đi, anh có một tâm nguyện xin được chôn cất bên cạnh mộ cô Thảo. Đồng đội đã làm theo di nguyện của anh và lập một tấm bia đôi “Mệnh Chung” cho đến ngày nay.
Năm 1975, do tuổi già sức yếu, không thể thường xuyên tới thăm mộ con, cha mẹ đã cho người bốc mộ đưa anh về quê. Cũng có thông tin rằng, vợ của anh Tâm ở quê nhà do đem lòng ghen tức, nên sau khi mãn tang, đã đem thi hài anh về Vĩnh Long chôn cất. Đồi thông hai mộ chỉ còn lại mộ của cô Thảo.
Năm 1997, UBND thành phố Đà Lạt cấp phép cho công ty TNHH Thùy Dương cải tạo lại khu vực hồ Than Thở. Ngôi mộ của cô Thảo được tân tạo khang trang, đồng thời xây thêm một ngôi mộ gió kế bên đề tên Vũ Minh Tâm để hoàn thành di nguyện của hai người. Tấm bia đôi “Mệnh Chung” ghi những câu thơ trong nhật ký sau thời gian phai mờ đã không còn nhìn thấy chữ.
3. Nhạc phẩm Đồi thông hai mộ
Cảm khái chuyện tình của hai con người si tình, nhạc sĩ Hồng Vân đã sáng tác bài hát “Đồi thông hai mộ”. Giai điệu bolero này được nhiều người yêu thích và được thể hiện thành công qua các giọng ca như: Lệ Quyên, Hoàng Oanh, Dạ Hương,…
4. Vẻ đẹp tĩnh lặng của Hồ Than Thở
Hồ Than Thở là một hồ nước tự nhiên nằm yên tĩnh bên cạnh rừng thông ngút ngàn. Vì nơi đây khá xa với khu dân cư cùng cảnh quan tĩnh lặng xung quanh, nhiều cặp đôi đã chọn nơi này làm địa điểm hẹn hò, tâm sự.
Nơi đây không chỉ có đồi thông hai mộ, mà còn được trồng những loài hoa đầy màu sắc, đua nhau nở mỗi dịp xuân về. Bởi vậy, đây cũng là địa điểm checkin tuyệt vời với khung cảnh thiên nhiên.
Theo Ticotravel.com.vn