Vũng Tàu, thành phố xinh đẹp với bờ biển trải dài và 2 ngọn núi lớn nhỏ nằm ở hai đầu nam bắc. Hai ngọn núi này được ví như là hai anh em, tạo thành bình phong che chắn cho vùng đất thơ mộng này.
Tên gọi ban đầu của núi Lớn là Tương Kỳ, còn núi Nhỏ là Tao Phùng. Nhưng chắc có lẽ do kích thước 2 núi quá khác biệt, nên người dân nơi đây đã lựa chọn Lớn, Nhỏ để dễ gọi tên hai ngọn núi này, cũng là để phân biệt ngọn núi nào là anh, ngọn núi nào là em.
Sự tích núi Lớn với tên gọi Tương Kỳ
Theo truyền thuyết kể lại, tên gọi Tương Kỳ của núi Lớn bắt nguồn từ duyên kỳ ngộ của một đôi trai tài gái sắc. Xưa, trên núi có ông cháu cụ giáo Hiếu, vốn là thầy dạy văn, võ cho 3 anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Mai, cháu gái cụ một hôm vào rừng hái nấm, không may gặp hổ dữ. Đang lúc lâm nguy, bỗng xuất hiện một tráng sĩ kịp cứu nguy, giúp cô thoát nạn. Khi Mai đưa tráng sĩ về gặp cụ giáo Hiếu, ông nhận ra đó là Lê Tuấn, một võ tướng của Nguyễn Huệ. Để đền ơn, cụ gả Mai cho Lê Tuấn và nghĩ rằng núi là nơi chứng kiến mối lương duyên ấy, nên xin đặt tên Tương Kỳ.
Núi Lớn có gì?
Ngày nay, núi Lớn còn được đông đảo du khách đến tham quan bởi vì di tích lịch sử Bạch Dinh với câu chuyện giam lỏng vị vua Thành Thái của triều Nguyễn. Bạch Dinh nằm bên sườn núi lớn, với hàng hoa sứ rợp bóng mỗi khi thu về. Bạch Dinh được xây dựng từ năm 1898, trải qua bao thăng trầm lịch sử, dinh thự màu trắng, ngói đỏ vẫn đứng vững hiên ngang và là minh chứng cho việc Pháp đô hộ Việt Nam mình bởi lối kiến trúc Châu u chuẩn Pháp. Rất đông các bạn trẻ và du khách đã lựa chọn Bạch Dinh cho những khuôn hình độc đáo của mình.
Ngoài Bạch Dinh, Thích Ca Phật Đài ở núi Lớn cũng nổi tiếng không kém. Được xếp hạng di tích quốc gia năm 1989, Thích Ca Phật Đài ở núi Lớn là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Vũng Tàu, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Quần thể kiến trúc – điêu khắc độc đáo này tạo dựng theo sự tích cuộc đời Đức Phật Thích Ca, từ lúc Đức Phật đản sanh đến lúc nhập cõi niết bàn.
Tao Phùng và sự tích núi Nhỏ
Tao Phùng có nghĩa là không hẹn mà gặp, gặp gỡ tình cờ. Chính vì thế, ngọn núi Nhỏ được đặt tên Tao Phùng bởi câu chuyện tình yêu đẹp của một nàng công chúa người cá và chàng trai làng Chài.
Xưa, công chúa con vua Thủy Tề hóa cá vàng đi chơi, không may sa lưới người trai làng chài. Thấy cá đẹp, chàng mang lên núi, khoét đá thành vũng nước, cho cá vào nuôi. Một hôm ở biển về, chàng không thấy cá đâu, chỉ thấy từ trong núi công chúa bước ra, kể rõ sự tình, rồi họ thành vợ chồng. Cuộc sống đang yên vui thì bỗng ngày kia, người vợ bị một vị khách lạ mặt “thu” vào hộp ngọc sáng chói, biến thành cá vàng, mắt đẫm lệ nhìn ra. Người chồng đau đớn xin tha nhưng không được. Từ đó cứ 5 năm một lần, cá vàng mới được ra gặp chồng ở núi Nhỏ, nên người đời gọi đó là núi Tao Phùng.
Núi Nhỏ có gì?
Tượng chúa dang tay là bức tượng nổi tiếng ở Vũng Tàu nằm ở núi Nhỏ. Tại đây du khách phải vượt qua 800 bậc thang thì mới lên được đến chân tượng chúa. Chinh phục tiếp 133 bậc của chiếc cầu thang xoắn ốc hẹp chỉ đủ 1 người lên ở bên trong lòng tượng để có thể lên được đến vai tượng. Từ vai tượng chúa Kito, bạn sẽ ngắm nhìn toàn bộ thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp.
Ngoài tượng chúa Kito, du khách đừng bỏ qua ngọn hải đăng lâu đời nhất ở Vũng Tàu nhé.
Đây cũng là địa điểm nhất định phải đến trên đỉnh núi Nhỏ. Ngọn hải đăng trắng tinh vững chãi, bên cạnh là tòa nhà quản đăng với kiến trúc Pháp cổ kính, con đường nhỏ lãng mạn uốn lượn theo sườn núi là background tuyệt đẹp để cho các bạn đang tìm góc sống ảo ở Vũng Tàu.
Theo Ticotravel.com.vn