1. Giới thiệu đỉnh Thánh Giá
Đỉnh núi này nay còn được biết đến là đỉnh mờ sương bởi trên đỉnh núi này sương mù che phủ kéo dài hơn nửa năm, cái tên Thánh Giá chỉ còn trong tâm tưởng. Những thế hệ người gắn bó lâu năm ở địa phương cũng không biết cái tên đỉnh Thánh Giá có tự bao giờ.
Người xưa truyền rằng, trên ngọn núi xa xa, cao sừng sững kia có hình dạng giống như một cây thánh giá. Nhưng do thời gian, chiến tranh tàn phá và tác động của con người nên cây thánh giá ấy đã không còn được nguyên vẹn.
Đỉnh Thánh Giá thuộc núi Thánh Giá, có diện tích khoảng 2 hecta, độ cao 577m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Đây được mệnh danh là “nóc nhà” của Côn Đảo. Từ trên đỉnh núi, quý khách sẽ được phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh Côn Đảo dưới một góc nhìn rộng và bao quát, thu vào vẻ đẹp rừng núi, biển đảo thiêng liêng.
2. Truyền thuyết về đỉnh Thánh Giá
Lệ xưa kể rằng, các cặp đôi yêu nhau khi muốn khẳng định tình cảm của hai người, sẽ cùng nhau chinh phục đỉnh Thánh Giá, nếu có thể trải qua những khó khăn trên đường trường thì chắc chắn cặp đôi đó sẽ có thể sống bên nhau hạnh phúc, bình an trọn đời.
Câu chuyện tưởng chừng như có vẻ đơn giản nhưng thực tế không có nhiều cặp đôi đặt chân lên được đỉnh núi vì dốc đứng khó leo, trơn trượt, nguy hiểm, tầm nhìn hạn chế do sương mù bủa vây. Chỉ có những người lính radar thuộc Trung đoàn 251 làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời Tổ quốc mới lên xuống đỉnh núi hàng ngày.
3. Đỉnh Thánh Giá ở đâu?
3.1 Vị trí đỉnh núi
Đỉnh núi này nằm ở khu vực phía Tây Nam của đảo Côn Sơn. Khoảng cách từ trung tâm thị trấn tới chân đỉnh Thánh Giá khoảng 3 km và tới đỉnh núi khoảng 6 km. Khu vực đỉnh núi này có độ rộng khoảng 2 hecta. Bao quanh đỉnh núi là hệ thống rừng nguyên sinh rậm rạp, là nơi cư trú của nhiều loại động, thực vật quý hiếm.
3.2 Cách di chuyển đến đỉnh Thánh Giá
Hiện nay trên Côn Đảo đã có sân bay dân dụng, giúp cho việc di chuyển đến địa điểm này thuận lợi hơn. Quý khách có thể lựa chọn máy bay hoặc các phương tiện như tàu thủy, tàu cao tốc với khoảng cách gần 96 hải lý để ghé thăm huyện đảo.
Để lên tới đỉnh núi Thánh Giá, quý khách phải di chuyển trên một con đường độc đạo, dốc cao chênh vênh, hiểm trở. Băng qua khu vực hồ An Hải, bằng lối đường mòn khoảng hơn 1 giờ đồng hồ thì quý khách sẽ có thể leo đến đỉnh núi.
4. Thời điểm lý tưởng để chinh phục đỉnh Thánh Giá
Địa hình đỉnh núi khá hiểm trở, đường lên dốc đứng, vách cheo leo. Chính vì vậy quý khách nên lựa chọn những ngày trời nắng, khô ráo để khám phá đỉnh Thánh Giá.
Trên đỉnh núi sẽ có khoảng 9 tháng sương mù bao phủ, nên khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau là phù hợp nhất để tham quan đỉnh núi. Vào thời điểm này, sương mù mỏng hơn, tầm nhìn được mở rộng, các hoạt động khám phá cũng thuận tiện hơn.
5. Các hoạt động khám phá tại đỉnh Thánh Giá
5.1 Ngắm hoàng hôn tại đỉnh núi
Theo truyền thuyết, nếu được cùng nhau ngắm nhìn hoàng hôn trên đỉnh Thánh Giá thì hai người sẽ được bên nhau mãi mãi. Chính vì lý do này mà đỉnh núi trở thành nơi nguyện thề của các cặp đôi. Dưới ánh chiều buông lả lơi trên sườn núi, quý khách có thể thấy hoàng hôn khoác lên núi rừng một lớp áo choàng lấp lánh, cảnh sắc không gì lãng mạn bằng.
5.2 Khám phá hồ nước ngọt trên núi
Hồ An Hải là hồ nước ngọt lớn nhất trên đảo Côn Đảo, là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng cho khu dân sinh dưới chân núi. Không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống dân cư, hồ An Hải còn có cảnh sắc thơ mộng, hấp dẫn nhiều khách du lịch ghé thăm.
Bao quanh hồ là khu rừng xanh mát, soi bóng xuống mặt nước như một chiếc gương lớn trong veo. Điểm xuyết trên mặt hồ là những đóa hoa súng, hoa sen rực rỡ khoe sắc hồng yêu kiều. Sự yên bình và không khí trong lành nơi đây sẽ giúp quý khách thư giãn, thoải mái.
5.3 Khám phá khu rừng nguyên sinh
Những khu rừng nguyên sinh ôm lấy đỉnh Thánh Giá là tài nguyên quan trọng của huyện đảo. Không chỉ là lá phổi xanh điều tiết khí hậu, những khu rừng này còn bảo vệ những loại thực vật, động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Dạo quanh dưới những tán cổ thụ rợp bóng nơi đỉnh Thánh Giá, lắng nghe chim muông ca hát trên tầng xanh, quý khách sẽ cảm nhận được mạch nguồn của sự sống cũng như sự yên bình trong tâm hồn khi về với mẹ thiên nhiên.
5.4 Tham quan miếu bà Phi Yến
“Gió đưa cây Cải về trời / Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”, đây là câu ca dao mà người dân nói về bà Phi Yến người phụ nữ trung trinh đã can ngăn vua Nguyễn Ánh không nên cấu kết ngoại bang, cuối cùng bị giam trong hang đá, con trai bị ném xuống biển.
Bà được dân làng cứu và sống tại làng, tuy nhiên có tên vô lại định làm nhục bà, bà đã chặt cánh tay bị hắn chạm vào rồi tự tử. Cảm tạ người phụ nữ đáng trân trọng ấy, dân làng lập miếu thờ phụng và tương truyền, bà cùng con trai rất hay hiển linh để tiết lộ điềm lành dữ cho dân làng.
Miếu bà Phi Yến là điểm dừng chân gần đỉnh Thánh Giá, quý khách có thể vào thắp hương cầu an, vãn cảnh, thư giãn tại các khu ghế đá quanh miếu.
6. Các món ăn ngon địa phương nhất định phải thử
6.1 Mứt hạt bàng
Cây bàng là loại cây phổ biến ở huyện đảo, sức sống mãnh liệt của loài cây này rất hợp điều kiện thổ nhưỡng nơi đây nên quanh năm những bóng bàng đều xòe ra ôm lấy những con đường, thôn xóm.
Hạt bàng được người dân chế biến, ngào đường, tạo nên một món ăn vặt mang đậm chất địa phương. Với những đứa trẻ sống xa đất liền, món ăn vặt ngọt bùi này quả thật là món quà quý giá.
6.2 Cua mặt trăng
Loại cua có cái tên thú vị này chỉ hay được tìm thấy ở các rặng san hô của Côn Đảo. Nếu có dịp ghé thăm đỉnh Thánh Giá, quý khách đừng quên thưởng thức món cua mặt trăng hấp chấm muối tiêu chanh vô cùng hấp dẫn nhé.
6.3 Mắm nhum
Một món ăn độc đáo mà ít nơi làm được đó là món mắm nhum. Món mắm này có vị bùi ngậy của nhum, vị mặn mà của biển, dùng để chấm hoặc ăn trực tiếp với cơm nóng đều rất hấp dẫn.
Với những kinh nghiệm về đỉnh Thánh Giá bài viết chia sẻ, chắc hẳn rằng quý khách đã hiểu hơn về ngọn núi nổi tiếng này và thêm yêu mến huyện đảo xa xôi của tổ quốc. Hãy lưu lại ngay bài viết này để có cho mình sự chuẩn bị tốt nhất cho chuyến hành trình sắp tới bạn nhé!
Theo Ticotravel.com.vn