1. Sơ lược về Dinh Độc Lập Sài Gòn
Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc có thiết kế vô cùng độc đáo và nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn, đã có tuổi đời hơn 100 năm. Đây là công trình được Thống đốc Pháp La Grandière đặt nền móng xây dựng từ năm 1868 và đến năm 1871 thì hoàn thành.
Ban đầu được biết đến với cái tên là Dinh Norodom, cho đến năm 1954 thì được đổi thành Dinh Độc Lập. Theo như lịch sử kể lại rằng, vào thời Việt Nam Cộng hòa, nơi đây được sử dụng làm nơi ở và làm việc cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ, được đặt tên là Dinh Tổng Thống hay còn được gọi là Phủ Đầu Rồng.
Dinh vinh dự được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1976 vì những giá trị đặc biệt mà nơi đây đem lại. Vào năm 2009, nơi đây được liệt kê vào danh sách 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên tại Việt Nam.
Hiện nay, Dinh Độc Lập trở thành di tích quốc gia được rất nhiều người dân trong và ngoài nước, các nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao đến đây tham quan và chiêm ngưỡng, cùng ngược dòng quá khứ để cảm nhận giá trị cao quý của nền hòa bình, độc lập của dân tộc ngày nay.
2. Dinh Độc Lập Sài Gòn ở đâu?
Dinh Độc Lập nằm ngay tại trung tâm quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Đây được coi như là vị trí đắc địa và đẹp nhất tại Sài Gòn, bất kể du khách nào đến đây cũng có thể dừng chân tham quan. Dinh cũng được giới hạn bởi 4 trục đường chính:
-
Phía Đông Bắc là mặt chính của Dinh Độc Lập, được giới hạn bởi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
-
Phía Tây Nam là mặt sau của Dinh, được giới hạn bởi con đường Huyền Trân Công Chúa.
-
Phía Tây Bắc là mặt bên trái, được giới hạn bởi đường Nguyễn Thị Minh Khai.
-
Phía Đông Nam là mặt bên phải được giới hạn bởi đường Nguyễn Du.
3. Địa chỉ và cách di chuyển tới Dinh Độc Lập
3.1. Địa chỉ cụ thể
Dinh Độc Lập nằm tại vị trí vô cùng thuận tiện cho du khách thập phương khi muốn đến đây tham quan. Địa chỉ cụ thể:
-
135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
-
106 đường Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
3.2. Hướng dẫn di chuyển tới Dinh Độc Lập
Nằm tại vị trí rất thuận tiện nên du khách muốn đến đây có rất nhiều cách di chuyển khác nhau. Bạn hoàn toàn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Khi bạn lựa chọn di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy thì có thể đi theo tuyến đường Huyền Trân Công Chúa hoặc công viên Tao Đàn tại đường Trương Định.
Ngoài ra bạn cũng có thể lựa chọn di chuyển bằng phương tiện công cộng như xe buýt. Một số tuyến đường thuận tiện bạn có thể tham khảo như:
-
Tuyến 1: chợ Bến Thành – Bến xe Chợ Lớn
-
Tuyến 2: chợ Bến Thành – Bến xe Miền Tây
-
Tuyến 3: chợ Bến Thành – Thạnh Lộc
-
Tuyến 4: chợ Bến Thành – Cộng Hoà – Bến xe An Sương
-
Tuyến 5: Bến xe Chợ Lớn – Biên Hoà
4. Lịch sử Dinh Độc Lập
Từ năm 1867, sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ Lục Tỉnh, đã cho thiết kế và xây dựng nên một Dinh thự mới ở đại lộ Norodom (ngày nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) dành cho Thống đốc Nam Kỳ La Grandière làm việc, thay thế cho Dinh thự cũ ở cuối đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) vào năm 1863.
Tháng 2 năm 1686, Thống đốc người Pháp đã đặt nền móng xây dựng theo bản phác thảo của kiến trúc sư Achille Antoine Hermite.
Công trình xây dựng này đã chính thức hoàn thành vào năm 1871 và được đặt tên là Dinh Norodom. Tên gọi này được đặt theo tên của Quốc vương trị vì trong khoảng thời gian đó.
Sự kiện chấn động vào tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Khi này Dinh Norodom đã được chuyển thành nơi làm việc của Nhật.
Đến tháng 9 năm 1945, Nhật đã thất bại trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, khi đó Dinh Norodom lại trở về dưới sự cai quản của chính quyền Pháp.
Cho đến tháng 5 năm 1954, hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh của Pháp tại Việt Nam được kí kết. Đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền Nam Bắc.
Khi đó Dinh Norodom đã được chính quyền Pháp bàn giao lại cho Việt Nam. Và khi ấy thủ tướng Ngô Đình Diệm đã trực tiếp đứng lên nắm quyền.
Sự kiện diễn ra vào tháng 10 năm 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập nên nước Việt Nam Cộng Hòa. Khi ấy Dinh Norodom chính thức được đổi tên thành Dinh Độc Lập.
Tháng 2 năm 1962, sau sự kiện đảo chính của phi công quân đội Việt Nam cộng hòa, toàn bộ phần chính cánh trái đã bị ném bom tiêu diệt, làm sập đổ và không thể nào khôi phục lại được.
Vào tháng 7, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho san bằng hết tất cả và xây dựng một Dinh mới trên nền đất cũ theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
Nhưng đến tháng 11 năm sau đó, khi công trình đang xây dựng dở thì Ngô Đình Diệm đã bị ám sát. Mãi cho đến năm 1966, Dinh Độc Lập mới được xây dựng xong và khánh thành. Chủ tịch Uỷ ban Lãnh Đạo quốc gia Nguyễn Văn Thiệu đã lên nắm quyền.
Kể từ tháng 10 năm 1967 đến tháng 4 năm 1975, nơi đây đã trở thành nơi ở và làm việc của Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.
Đến tháng 4 năm 1975, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, chiến tranh kết thúc. Dinh Độc Lập đã trở thành một di tích lịch sử, một địa điểm du lịch không thể bỏ qua đối với mỗi du khách khi đến với mảnh đất Sài Gòn.
5. Kiến trúc Dinh Độc Lập
Đến với Dinh Độc Lập, du khách không chỉ tìm hiểu về lịch sử, cùng ngược dòng thời gian trở về quá khứ với những mốc son chói lọi mà còn khiến người ta phải trầm trồ, thán phục và tò mò muốn khám phá về kiến trúc.
5.1. Tổng thể bên ngoài Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập được xây dựng với tổng diện tích lên đến 20.000 mét vuông. Dinh được thiết kế với 3 tầng chính, 2 gác lửng, 1 sân thượng, 2 tầng hầm, tầng nền và sân thượng cũng đồng thời chính là sân bay trực thăng.
Được thiết kế dưới bàn tay tài tình, khéo léo của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, nơi đây mang một vẻ đẹp hài hòa khi kết hợp xen lẫn giữa lối kiến trúc Á Đông và nét hiện đại, vừa tạo sự gần gũi nhưng cũng rất hoành tráng, rộng lớn.
Bố cục của Dinh Độc Lập được sắp đặt theo lối triết học phương Đông ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện qua chiết tự chữ Hán, với mong muốn gửi gắm đến dân tộc Việt Nam những điều tốt lành, may mắn.
Toàn thể bình diện có hình chữ “Cát” với ý nghĩa là sự tốt lành, may mắn. Trung tâm có hình chữ “Khẩu” với hàm ý muốn đề cao nền tảng giáo dục và vấn đề tự do ngôn luận lúc bây giờ.
Cột cờ chính giữa được tạo hình chữ “Trung” với ý nghĩa muốn nhắc nhở về sự trung kiên. Mặt trước của dinh được bao lên lầu hai và lầu ba, kết hợp cùng mái hiên lối vào chính và hai cột gỗ tạo nên chữ “Hưng” với mong muốn sự hưng thịnh, phát triển của đất nước.
5.2. Nội thất bên trong Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập với hơn 100 căn phòng được thiết kế và trang trí theo nhiều phong cách khác nhau phục vụ mục đích sử dụng. Nơi đây toát lên vẻ tinh tế, thanh tao với hệ thống rèm hoa đá được thiết kế với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
Những bức rèm vừa để trang trí thêm cho căn phòng thêm sự nhã nhặn, vừa có tác dụng chống nắng từ hướng Tây, đón ánh nắng dịu nhẹ từ hướng Bắc, che chắn gió và đem lại sự kín đáo.
Điểm đặc biệt đó chính là bên trong Dinh đều có các ô cửa sổ ngay thẳng, bằng phẳng để gợi nên sự quang minh, chính đại.
5.3. Cảnh quan xung quanh Dinh Độc Lập
Mặt trước và sau của Dinh Độc Lập là công viên cây xanh và hệ thống các hồ nước nhân tạo, đem lại một cảnh quan trong xanh, mát mẻ và điều hòa không khí. Vào đầu những năm 1960, Dinh là công trình đầu tiên được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc xanh.
Sân trước của Dinh cho thiết kế thảm cỏ lớn hình oval với đường kính lên đến 102m kết hợp cùng hồ sen hình bán nguyệt chạy dọc theo chiều ngang của đại sảnh, vừa tạo được sự tinh tế trong phong cách thiết kế, vừa gợi liên tưởng đến hình ảnh những ngôi chùa tại Việt Nam, đem đến cảm giác rất thanh tịnh, nhẹ nhàng.
Khuôn viên Dinh Độc Lập được trồng bởi vô vàn những loài cây xanh, những hàng cây cổ thụ rợp bóng, vườn cây cảnh quý.
Không gian nơi đây luôn trong lành, mát mẻ và vô cùng thư thái. Phía xa, trên gò đất cao có một nhà chòi bát giác được thiết kế với không gian rộng mở, thoáng đãng làm nơi thư giãn.
6. Giá vé Dinh Độc Lập
Du khách khi đến đây, muốn tham quan sẽ phải mua vé vào cổng. Giá vé sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của du khách. Vé tham quan Tòa nhà chính và Nhà trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868-1966”
-
Người lớn: 65.000VNĐ/người
-
Sinh viên: 45.000VNĐ/người
-
Trẻ em: 15.00VNĐ/người
Vé tham quan Tòa nhà chính có giá như sau:
-
Người lớn: 40.000VNĐ/người
-
Sinh viên: 20.000VNĐ/người
-
Trẻ em: 10.000VNĐ/người
7. Giờ mở cửa Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập mở cửa phục vụ du khách tham quan vào tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ tết với những khung giờ theo quy định như:
-
Giờ bán vé: 8h00-12h00
-
Giờ tham quan: Tòa nhà chính từ 8h00-13h00, nhà trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868-1966” từ 9h00-13h00
8. Kinh nghiệm tham quan Dinh Độc Lập
Du khách khi đến với Dinh Độc Lập sẽ được tham quan 3 khu vực chính với tên gọi là khu cố định, khu chuyên đề và khu bổ sung. Trong chuyến tham quan du khách sẽ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo và ngắm nhìn những hiện vật có giá trị lịch sử quý giá.
Đến với nhà trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868-1966” là biệt thự cổ có tuổi đời hơn 100 năm tuổi còn sót lại ở trong khuôn viên của Dinh.
Đây cũng là nơi rất đáng để ghé qua tham quan. Khi tham quan tại Dinh, bạn sẽ được lắng nghe lại những câu chuyện, dấu mốc lịch sử với cách diễn đạt cô đọng, đa chiều, nêu bật lên những sự kiện nổi bật tại Sài Gòn và miền Nam lúc bấy giờ để có cái nhìn một cách xuyên suốt, rõ ràng về một giai đoạn lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc.
Du khách khi đến đây có rất nhiều cách di chuyển để tham quan Dinh Độc Lập. Bạn có thể lựa chọn việc tham quan tự do thông qua các bảng pano, bảng chỉ dẫn hay đi bằng xe điện chỉ tốn khoảng 10 phút để có thể thoải mái ngắm cảnh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi đây.
Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn, rõ hơn về Dinh thì có thể thuê hướng dẫn viên hoặc thuyết minh viên để nắm rõ những sự kiện lịch sử hơn.
Sau mỗi chương trình tham quan, du khách có thể dành ra 30 phút để xem một bộ phim tư liệu “Lịch sử Dinh Độc Lập” tại phòng chiếu phim vô cùng hiện đại để chuyến tham quan thêm phần ý nghĩa và có thêm cho mình nhiều hiểu biết hơn về lịch sử.
Vậy là đã kết thúc chuyến hành trình tham quan, khám phá Dinh Độc Lập. Đừng chần chừ gì nữa, hãy xách balo lên và bắt đầu chuyến hành trình đầy lí thú này ngay thôi nào. Cuối cùng, xin chúc quý khách sẽ có những chuyến đi thật bổ ích và đầy ý nghĩa cùng người thân và bạn bè.
Theo Ticotravel.com.vn