Định vị tọa độ cột cốc 428
Hà Giang là vùng đất nổi tiếng với cảnh đẹp hùng vĩ nơi địa đầu tổ quốc, được du khách biết đến với biểu tượng cực Bắc là cột cờ Lũng Cú. Nhưng bạn biết không, cột mốc 428 Hà Giang cũng là một điểm cực Bắc khác trong địa bàn tỉnh. Đây là nơi mà du khách có thể nhìn thấy dòng sông Nho Quế chảy từ nước bạn Trung Quốc vào Việt Nam.
Trên thực tế, cả cột cờ ở Lũng Cú và cột mốc 428 đều không phải điểm cực Bắc thực sự của nước ta. Cả hai cột mốc này đều mang ý nghĩa biểu trưng vì dễ đi, dễ tìm và thuận lợi cho việc quảng bá du lịch của tỉnh. Trên thực tế, cột mốc cực Bắc thực sự còn cách khá xa hai điểm đến này.
Tuy nhiên, khi biết thêm rằng cột mốc 428 cũng là một dấu mốc quan trọng nơi địa đầu tổ quốc, bạn hãy một lần đến thăm để cảm nhận được vẻ đẹp thiêng liêng của miền đất biên viễn. Cột mốc 428 nằm ở độ cao 1433 mét so mới mực nước biển, cách sông Nho Quế chỉ 2km.
Cột mốc 428 ở đâu? Đây chỉ là một cột mốc nhỏ nằm trên sườn núi thuộc bản Xéo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, có tọa độ tọa độ là 23.379741, 105.306454. Muốn đến được đây, du khách phải di chuyển đến cột cờ Lũng Cú. Rồi từ cột cờ, bạn tiếp tục đi xe máy thêm 2km để đến cột mốc này.
Cột mốc 428 Hà Giang có gì đẹp?
Hành trình khám phá cột mốc 428 Hà Giang là một hành trình khá vất vả khi phải trekking qua những con đường ngoằn ngoèo trên sườn đồi. Dù không phải là một cột mốc quá đỗi uy nghiêm, bề thế nhưng chắc hẳn rằng khi đến được đây, bạn sẽ thấy đầy tự hào và thêm yêu quê hương, tổ quốc.
Cột mốc 428 được khởi công xây dựng vào 28/4/2008. Cột bốc được làm bằng chất liệu đá hoa cương có độ bền cực cao, nằm trên nền đất có lót bê tông vững chãi. Dù cột mốc 428 Hà Giang có vẻ nhỏ nhưng phải mất 2 năm ròng để hoàn thành vì địa hình trúc trắc, việc vận chuyển vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của người dân địa phương, của đồn biên phòng Lũng Cú mà cột mốc đã hoàn thành, dần trở thành điểm đến ở Hà Giang được nhiều du khách biết đến. Ngày nay, việc đi thăm cột mốc này còn là cơ hội để du khách chiêm ngưỡng núi rừng Hà Giang trùng điệp, cảm nhận sự thiêng liêng của miền đất cực Bắc Việt Nam.
Đến thăm cột mốc 428 Hà Giang, du khách có thể chụp ảnh kỷ niệm để lưu lại cho mình hành trình thật đáng nhớ. Đứng từ cột mốc, bạn cũng có thể phóng tầm nhìn ra xa, thưởng ngoạn bức tranh của núi đồi, rừng cây Hà Giang điệp trùng đầy ấn tượng.
Kinh nghiệm chinh phục cột mốc 428 Hà Giang
Ngày càng nhiều du khách biết đến cột mốc biên giới 428 độc đáo này. Tuy nhiên không phải mùa nào trong năm cũng thích hợp để bạn đến đây. Thông thường, thời điểm tháng 12 – 3 và tháng 9 – 11 là phù hợp nhất để khám phá cột mốc xa xôi này.
Địa hình đến đây khá khó khăn vì có nhiều đoạn ngoằn ngoèo, nhiều cây cối và cỏ mọc. Do đó, tốt nhất bạn nên đi vào ban ngày, để đảm bảo không bị lạc và an toàn hơn. Sẽ tốt hơn khi bạn đi theo nhóm từ 2 người trở lên trong hành trình chinh phục cột mốc nơi cực Bắc Hà Giang.
Nếu bạn có tìm hiểu về du lịch Hà Giang, bạn sẽ biết địa hình nơi đây là núi rừng hiểm trở. Vậy nên, du khách nên chọn cho mình trang phục thể thao, mang giày leo núi để tiện hơn cho việc đi lại, di chuyển.
Lưu ý, cột mốc này là một địa danh thiêng liêng nên du khách muốn đến thăm cần phải xin phép Đồn biên phòng Lũng Cú. Đặc biệt khi xin phép, bạn còn được 1 chiến sĩ đi theo dẫn đường, đảm bảo cho hành trình an toàn và suôn sẻ.
Theo kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ từng đến đây, nếu đi vào sáng sớm, bạn sẽ được trải nghiệm leo núi trong bức tranh thiên nhiên hết sức thơ mộng với mây và sương mù để thấy được Hà Giang xinh đẹp và kỳ vĩ đến nhường nào.
Sau khi check in cột mốc 428, bạn có thể tiếp tục đi theo hướng sông Nho Quế về phía Bắc khoảng 2 km để đến với cột mốc cực Bắc thực sự của tổ quốc. Hành trình này sẽ vất vả thêm đôi chút nhưng chắc chắn cho bạn nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Cột mốc 428 Hà Giang là một điểm đến ít người biết nhưng cũng là một tọa độ thật xinh đẹp và thiêng liêng của miền đất cao nguyên đá. Đến đây, du khách vừa cảm nhận trọn vẹn cảnh đẹp Hà Giang, đồng thời vừa cảm nhận trọn vẹn hơn sự thiêng liêng của non nước Việt Nam nơi miền biên viễn xa xôi.