Kẽm Trống Hà Nam là một thắng cảnh nên thơ. Địa danh này gồm cả sông, cả núi, đồng ruộng, cây cỏ bao xung quanh, thêm vào đó là con người tạo dựng thêm những cảnh quan để có một tổng thể khu danh thắng như hiện nay.
Kẽm Trống ở đâu?
Đến Hà Nam mà không khám phá Kẽm Trống thì thật là một thiếu sót. Kẽm Trống thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khu Kẽm Trống còn thuộc địa phận xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Địa danh này vô cùng nên thơ, đã được Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đưa vào những câu thơ của mình:
“Hai bên là núi, giữa là sông
Có phải đây là Kẽm Trống không?
Gió dập cành cây khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
Ở trong hang núi cong hơi hẹp
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng
Qua cửa mình ơi nên ngoái lại
Nào ai có biết nỗi bưng bồng”
Những cảnh đẹp nên thơ ở Kẽm Trống Hà Nam
Qua bài thơ của nữ thi sĩ, ta càng hiểu hơn địa thế của Kẽm Trống Hà Nam. Đây là một khoảng đất trống giữa hai dãy núi đá vôi do con sông ở giữa tạo thành. Nếu nói đến bức tranh thủy mặc do thiên nhiên ban tặng thì chắc chắn không đâu khác đó chính là Kẽm Trống. Một khung cảnh có cây cỏ, sông núi, đồng ruộng và thêm vào đó là con người. Tất cả đã tạo nên một thắng cảnh nên thơ, đậm chất trữ tình.
Kẽm Trống quả nhiên là địa danh sơn thủy hữu tình. Trời cao xanh thăm thẳm, những ngọn núi biếc xanh với biết bao loại cây. Dòng nước trong xanh như ngọc bích hiền hòa trôi chầm chậm. Không gian nơi đây thanh vắng. Thi thoảng có tiếng chim véo von, tiếng gió nhẹ khiến cây đung đưa khe khẽ.
Các ngọn núi quanh Kẽm Trống Hà Nam
Đến Kẽm Trống Hà Nam, du khách còn được tham quan các thắng cảnh khác ngay gần đó. Bên bờ khúc sông Đáy này có các ngọn núi hoang sơ như núi Bồng, núi Vọng, núi Rồng ở phía bên phải bờ. Bên kia bờ lại có núi Rùa, núi Cổ Động, núi Trinh Tiết…. Trên ngọn núi Trinh Tiết có một ngôi chùa cổ. Nhân dân nơi đây quan niệm ngôi chùa ấy để lấy linh khí của trời đất. Những ngọn núi cao, thấp, trập trùng tạo thành dạng địa hình núi đa dạng.
Con sông đào
Sông đào nằm ở phía tả ngạn sông Đáy. Con sông này chảy quanh núi Rùa và núi Cổ Động. Con sông này gắn liền với câu chuyện ông vua Minh Mệnh khi mới lên ngôi năm 1821. Khi ông thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây thì hiểu ý tứ của bài thơ mà thi sĩ Hồ Xuân Hương viết. Do đó ông đã cho người đào con sông này. Đây là một giai thoại vui về vua Minh Mệnh.
Ngoài ra con sông đào này còn có một truyền thuyết khác. Khi tướng tài làng Đoan Vĩ đánh đâu thắng đó, được vua ban tước Quận Công. Thế nhưng mỗi lần qua đây quan Thượng Chế đã tâu lại với vua rằng phải chặt đứt long mạch nơi này, tránh hậu họa về sau. Quan Thượng Chế và vua lo sợ rằng ngai vàng sẽ về tay Quận Công. Do đó bắt nhân dân một ngày phải đào xong con sông. Nhân dân nơi đây chết rất nhiều, máu chảy thành sông. Những truyền thuyết về con sông này cho thấy sự ích kỷ, tham lam, tranh quyền đoạt lợi của giai cấp thống trị lúc bấy giờ.
Chùa Trinh Tiết
Là một trong những ngọn núi cao tại nơi đây. Núi Trinh Tiết là nơi Trinh Tiết sơn tự ngự tọa. Nơi đây được du khách xa gần đến tham quan và chiêm bái. Chùa có lối kiến trúc kiểu chữ nhị, có hai tòa, mỗi tòa gồm ba gian. Núi được nhân dân thắp nhang tuần tiết. Ở hậu cung chùa thờ vị một vị công chúa đời nhà Trần. Ở Kẽm Trống Hà Nam còn có các động kì bí. Du khách tham quan không vào tham quan động được bởi cửa động rất hẹp. Tuy nhiên đứng bên cạnh thưởng ngoạn cảnh núi non hùng vĩ cũng rất thú vị rồi.
Một địa điểm thú vị như Kẽm Trống thì tại sao du khách lại bỏ qua được cơ chứ. Hãy đến nơi đây tận hưởng bầu không khí trong lành, ngắm khung cảnh sơn thủy hữu tình. Để tâm hồn mình lúc nào cũng thư thái, an nhiên. Đừng quên ghi lại hình ảnh khu Kẽm Trống này để lưu giữ những kỉ niệm nơi đây nhé!