Ngã Ba Đồng Lộc - địa danh gắn liền với câu chuyện có thật của 10 cô gái anh hùng thời bom đạn. Ai tin được những cô gái với tuổi đời còn đôi mươi lại ngày đêm làm việc dưới mưa bom, thông đường cho chiến dịch mà miệng vẫn cười đùa vui ca, lòng còn gan dạ vững như ngọn núi Hồng Lĩnh.
Ngã Ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tĩnh Hà Tĩnh. Nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi Trường Sơn sừng sững. Về lại nơi từng là chiến trường khốc liệt năm xưa, nghe anh hướng dẫn viên mặc bộ đồ thanh niên xung phong, giọng anh đầy tình cảm đưa du khách trở về thời gian hơn 30 năm trước đây, cùng nghe về những chiến công lừng lẫy của 10 cô gái đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt bất khuất, kiên trung trong thời chiến.
Anh hướng dẫn viên bùi ngùi xúc động khi nói về 10 cô gái thanh niên xung phong - Ảnh: Yen.hoang
Mùa hè năm ấy, 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi đời từ 17-22 vẫn say sưa làm nhiệm vụ canh giữ giao điểm giao thông quan trọng nối liền bắc nam mà địch vẫn lăm le, ngày đêm dội bom hòng cắt tiếp tế và đường liên lạc giữa hai miền đất nước. Các cô gái ấy làm những công việc nặng nhọc nhất và nguy hiểm nhất: phá bom, sửa đường thông xe khi bị bom phá
10 cô gái đang lấp hố bom, ảnh do nhà báo Hoàng Văn Sắc chụp trước 1 tuần khi các cô gái hy sinh.
Trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968, cũng như mọi ngày, 10 cô gái thanh niên xung phong lại đi làm nhiệm vụ. Các cô miệng nói cười, tay làm luôn tay luôn chân không ngớt. Khi đợt bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc ngay cạnh miệng hầm nơi 10 cô gái đang trú ẩn, đó cũng là lúc các cô hy sinh. Bom nổ tung bụi mịt mù, nơi trú ẩn ấy cả 10 cô gái không một ai đứng dậy nữa. Tiếng gào thét của dân làng, của các đồng đội gọi tên các cô, cũng không một ai trả lời, chỉ thấy bụi mù với hố bom sâu hoẵm.
Hầm trú ẩn, nơi hy sinh của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: Hoa Pham Thi
Với tuổi đời còn quá trẻ, đa số các cô đều chưa lập gia đình. Sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong là một sự mất mát và một sự hy sinh đầy ý nghĩa để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Ngày 27/07/2009, tượng đài tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong chính thức được lập nên.
Tượng đài tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong - Ảnh: Hoàng Ngô Huy
Đài tưởng niệm 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc năm ấy có ý nghĩa vô cùng to lớn. Không những về mặt giá trị lịch sử, tượng đài còn có ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh, được nhân dân cả nước tự nguyện quyên góp và thờ phụng.
Hương khói tỏa nghi ngút trên 10 ngôi mộ được xếp ngay ngắn - ảnh: Chuot
Ghé thắp một nén nhang cho các chị mà lòng bồi hồi xúc động. Các chị hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Người đến thắp nhang cho các chị cũng không quên mua gương, lược...những dụng cụ làm đẹp của con gái thời chiến.
Khách đến dâng hương không quên mua gương, lược…-Ảnh: Petrotimes
10 cô gái ấy khi sống là những đóa hoa kiên cường và khi nằm xuống, các chị đã trở thành tượng đài bất khuất kiên trung về hình ảnh của phụ nữ Việt Nam. Khách quốc tế, khách trong nước ghé thăm, đều phải cúi mình trước sự hy sinh và tấm lòng quả cảm của các chị.
Khu tưởng niệm tại ngã ba Đồng Lộc luôn sáng đèn - Ảnh: Phanhoailinh
Trở về “tọa độ chết” năm xưa, cảnh yên bình này không ai ngỡ được mảnh đất này xưa kia đã phải oằn mình vì bom đạn. Cây cối mọc xanh tươi, cảnh sắc yên ả không còn khói bom đạn.
Đồng Lộc yên bình - ảnh: Ku Ziu
Trên đồi hoa sim tím đua nhau nở. Có được vẻ đẹp thanh bình ấy là nhờ những sự hy sinh mất mát to lớn kia. Đến Đồng Lộc để nghe kể về những huyền thoại có thực.
Hoa sim nở tím Đồng Lộc - Ảnh: Hoàng Ngô Huy
Ngã ba ấy nay đã trở thành huyền thoại. Trên trái đất này có biết bao nhiêu ngã ba, tại sao ngã ba Đồng Lộc lại nổi tiếng như thế. Ai có về ngã ba Đồng Lộc xin cho tôi nhắn đôi lời, gửi nén nhang cho các anh các chị thanh niên xung phong đã ngã xuống vì đất nước, cho tôi xin gửi bó bồ kết dâng lên các chị gội đầu thơm tho, cho tôi xin gửi chiếc gương, chiếc lược để chị tiếp tục chăm chút cho mình ở nơi xa ấy. Cho tôi xin gửi những lời cảm ơn chân thật, cảm ơn các chị. Xin cảm ơn.
Theo Mytour