Nếu đã một lần đặt chân đến Hồ Thác Bà, du khách sẽ phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vỹ của thiên nhiên được vẽ bằng sức lao động của con người và bàn tay của tạo hóa. Ví như “Hạ Long của Tây Bắc” Hồ Thác Bà đã được công nhận là di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia. Hãy cùng khám phá những điều thú vị ẩn chứa ở nơi đây.
Khám phá Hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà ở đâu?
Cách Hà Nội khoảng 150km theo quốc lộ 2 về phía Tây Bắc. Hồ Thác Bà nằm trong lưu vực sông Chảy thuộc huyện Yên Bình và một phần huyện Lục Yên. Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1962, hoàn thành năm 1970. Với mục đích làm nghẽn sông Chảy tạo ra hồ nước cung cấp cho công trình nhà máy thủy điện Thác Bà. Đến năm 1996, Hồ Thác Bà Yên Bái đã được công nhận là di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia.
Sự tích hồ Thác Bà.
Hồ Thác Bà được ngọn núi Ông bao trọn, nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết về cặp vợ chồng. Chuyện kể rằng, ở một gia đình nọ có cặp vợ chồng và một người con trai cùng chung sống. Người chồng là người hết mực yêu thương vợ, nhưng mỗi khi anh ta ngồi vào bàn cờ đều vô cùng chú tâm, không quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Một ngày nọ, khi đang đánh cờ cùng tiên ông trên núi. Vì đều là những người sành sỏi, ván cờ của họ không có hồi kết, kéo dài từ ngày này sang ngày khác, từ hạ sang đông, biết bao nhiêu năm vẫn không thể phân thắng bại.
Người vợ ở nhà chờ chồng đến mòn mỏi, tóc đã bạc trắng mà vẫn không thấy chồng về. Khi bà qua đời, nằm chết trên mỏm đá. Mái tóc trắng dài xõa xuống hóa thành dòng thác. Khi ván cờ kết thúc, người chồng trở về, thấy vợ mình đã chết. Hối hận khôn xiết, người chồng biến thành ngọn núi ôm trọn dòng thác. Người đời tiếc thương nên lập đền thờ Ông và dinh Cậu. Ngày nay vẫn còn được hương khói trên đỉnh núi.
Kinh nghiệm vui chơi ở Hồ Thác Bà
Đến với Thác Bà, ai cũng phải ngỡ ngàng, xuýt xoa trước vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên dưới tác động của con người. Hồ nước được ví với Vịnh Hạ Long của Tây Bắc. Sở hữu 1.334 hòn đảo lớn nhỏ, phân bố rải rác, tạo thành nhiều hang động và cảnh quan đặc sắc.
Khi tới hồ, du khách sẽ được di chuyển bằng thuyền để thăm thú. Tận hưởng cảm giác lênh đênh trên dòng nước hiền hòa, nghe tiếng gió quyện với tiếng thì thào của núi rừng Tây Bắc. Có rất nhiều điểm tham quan để du khách ghé thăm như: đền Thác Ông, đền Mẫu Thác Bà, động Xuân Long, núi Cao Bền, động Thủy Tiên,…
Nhà máy thủy điện Thác Bà
Sau gần một tiếng đồng hồ đi thuyền từ cảng Hương Lý, điểm dừng chân đầu tiên là Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Là đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam, nhà máy được xây dựng trong thời kỳ nước ta quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Nơi đây đã trở thành chứng nhân lịch sử cho một thời gian khổ của cả dân tộc. Tại đây không ít chuyên gia Liên Xô và kỹ sư, công nhân Việt Nam đã hy sinh để đem lại ánh sáng cho mọi người
Động Thủy Tiên
Nằm trong lòng núi đá dài khoảng 100 m, đây là một hang động lớn sở hữu những nhũ đá có hình thù đa dạng và độc đáo. Động gắn liền với truyền thuyết Trọng Hải con trai vua Thủy Tề gặp công chúa Thủy Tiên – một trong 9 nàng công chúa của Ngọc Hoàng trốn cha xuống chốn trần gian du ngoạn. Họ gặp nhau, tình yêu nảy nở rồi quyết định sống chung trong hang động.
Đi xuyên qua cửa hang sẽ dẫn đến trung tâm, nơi được cho là cung điện nguy nga, tráng lệ mà Trọng Hải và Thủy Tiên từng ở. Ở đây có 3 cây cột đá lớn, dưới gốc cột có hình người quay ngược, cắm đầu xuống đất, chân dơ lên trời. Theo dân gian, đây là một vị thần được Ngọc Hoàng sai xuống cai quản cung điện, nhưng vì một lần phạm lỗi nên đã bị phạt treo chân lên trời.
Gần với cửa thông gió là khối nhũ đá tạo thành hình chim đại bàng – chim thần đưa công chúa Thủy Tiên về trời mỗi khi cần. Tại đây có cột đá thứ 4, kỳ lạ thay là mỗi khi gõ vào thân cột sẽ phát ra âm thanh giống như tiếng cồng chiêng. Đi lên khu vực cao nhất của động có thể thấy dòng sông Chảy uốn khúc từ phía xa như một dải lụa ôm trọn làng mạc.
Làng văn hóa Ngòi Tu
Khác với lối sống tất bật, xô bồ bên ngoài. Khi đến với làng văn hóa Ngòi Tu du khách sẽ cảm nhận được sự yên bình, êm ả với cảnh quan và văn hóa lâu đời của đồng bào nơi đây. Nằm bên hồ Thác Bà, thuộc địa phận xã Vũ Linh, huyện Yên Bình. Du khách có thể di chuyển bằng ô tô, xe máy dọc theo đường Đông Hồ. Hoặc nếu muốn di chuyển bằng thuyền thi du khách đi từ cảng Hương Lý. Xuôi theo những mái chèo để hòa mình vào cùng thiên nhiên hùng vĩ.
Với đặc trưng của khí hậu vùng hồ, mùa đông lạnh còn hè thì mát mẻ, kèm thêm cảnh quan được thiên nhiên ưu đãi. Chẳng lấy gì làm lạ khi Ngòi Tu lại là điểm tham quan thu hút du khách đến thế. Đây là nơi sinh sống của người Dao quần trắng với lối sinh hoạt vô cùng độc đáo. Dưới bức tranh làng quê yên bình, là những thiếu nữ người Dao ngồi dệt vải. Khói chiều từ bếp lửa hồng buông nhẹ trên những mái nhà nhấp nhô giữa núi rừng Tây Bắc.
Đền Mẫu Thác Bà
Đền Thác Bà hay còn gọi Đền Mẫu Thác Bà là ngôi đền dựa lưng núi Hoàng Thi, hướng ra sông Chảy. Với diện tích lên đến 1.800 m2, ngôi đền có 5 gian đại bái, 3 gian trung cung và 3 gian hậu cung. Sau khi leo hết 365 bậc đá, du khách sẽ đến được của sân đền. Nơi đây có thể chiêm ngưỡng được hết toàn cảnh công trình thủy điện Thác Bà, dòng chảy của Sông Chảy cùng một khoảng rộng lớn, xanh ngắt của hồ Thác Bà.
Vào mùa lễ hội, du khách thập phương đến đây rất đông. Lễ hội đền Mẫu Thác Bà gồm 3 hội chính gồm có: Hội mùa xuân được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng. Hội mùa hè diễn ra vào ngày 17 tháng 5 âm lịch. Hội cuối cùng là hội mùa thu ngày 10 tháng 10 âm lịch. Trong đó lễ hội xuân là lễ hội lớn nhất, đông nhất trong năm.
Động Xuân Long
Động Xuân Long nằm ẩn trong núi đá. Động mang một vẻ đẹp kỳ bí và ảo diệu, luôn là nơi đánh thức tính tò mò của người tham quan. Không nổi tiếng với những truyền thuyết được truyền khẩu qua bao đời như động Thủy Tiên. Động Xuân Long thu hút du khách bằng sự huyền bí của những tượng đá kỳ lạ được tạc bằng đôi bàn tay của người thợ tạo hóa.
Đát Ô Đồ
Đát Ô Đồi là cụm di tích bao gồm đền – chùa – thác Ô Đồ, nơi thờ nhân vật Ô Đồ người đã có công dạy chữ nho cho người dân bản. Tương truyền trước đây khi bệnh dịch tả hoành hành khiến cuộc sống người dân vô cùng cực khổ, người chết như ngả rạ. Ô Đồ khi ấy đã lập đàn tế trời trong suốt 3 ngày trên một tảng đá lớn ngay dưới chân thác giúp đẩy lùi bệnh dịch, tai qua nạn khỏi. Nhưng ông lại bị một cơn lũ lớn cuốn đi. Để tưởng nhớ công ơn, người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại thác nước này.
Núi Cao Biền
Núi Cao Bền là dãy núi dài nhất ở Hồ Thác Bà, núi nằm nghiêng mình quanh năm soi bóng xuống hồ. Từ đỉnh núi, du khách có thể ôm trọn vào tầm mắt con đập Thác Bà sừng sững. Đây là nơi lý tưởng nhất để đón ánh nắng bình minh, những tia nắng đầu tiên sẽ gõ của núi Cao Bền, sau đó rọi thẳng xuống mặt nước hồ, tạo nên thứ ánh sáng lấp lánh như hàng vạn viên kim cương. Hoặc khi đang tròng trành trên con thuyền nhỏ du ngoạn khắp hồ Thác Bà, đưa mắt nhìn lên cao sẽ thấy núi Cao Biền sừng sững, đỉnh chọc tới tận mây xanh.
Lưu trú ở Hồ Thác Bà
Homestay ở Hồ Thác Bà: là một loại hình du lịch lý tưởng dành cho những ai thích khám phá và trải nghiệm văn hóa. Không tốn quá nhiều chi phí, du khách sẽ được ở tại nhà của người dân địa phương để có góc nhìn chân thực nhất với cách sống của chính họ. Để phục vụ cho nhu cầu du lịch, rất nhiều homestay được mọc lên, thuận tiện cho việc nghỉ ngơi của du khách.
Khách sạn, nhà nghỉ ở Hồ Thác Bà: Nếu muốn sở hữu không gian riêng tư với chi phí không quá đắt đỏ, không khó để tìm được nhà nghỉ hoặc khách sạn tại hồ Thác Bà. Với các dịch vụ đi kèm như cung cấp bữa ăn, phương tiện đi lại, trang phục dân tộc,… Du khách có thể tiết kiệm kha khá thời gian để có thể trải nghiệm nhiều hơn.
Khu nghỉ dưỡng Hồ Thác Bà Yên Bái: Để phục vụ cho nhu cầu du lịch ngày càng lớn, cùng với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, không khí mát mẻ, trong lành, lượng du khách đông đúc. Hồ Thác Bà đã đưa vào hoạt động những khu nghỉ dưỡng Hồ Thác Bà Yên Bái. Nơi đây là địa điểm lý tưởng dành cho khách du lịch sinh thái hoặc các gia đình, hội nhóm. Khu nhỉ dưỡng thuộc vào phân khúc cao cấp. Hàng năm còn tiếp đón lượng lớn khách quốc tế đến từ: Pháp, Mỹ và Canada và một vài nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á.
Ăn gì ở Hồ Thác Bà?
Đến với Thác Bà, du khách không thể bỏ qua cơ hội được thưởng thức văn hóa ẩm thực nơi đây với nhiều món ngon được chế biến từ các loại thủy hải sản đặc trưng như: cá nướng, gỏi cá, ba ba, cá lăng, cá chiên, tôm hồ,… Ngoài ra những món đậm hương vị miền sơn cước như thịt trâu gác bếp, trứng kiến, gà đồi nướng, xôi lam, cơm ngũ sắc, nộm hoa chuối,…cũng rất đáng để được thử qua một lần.
Tây Bắc vẫn luôn hấp dẫn du khách bởi những nét đẹp mộc mạc trong văn hóa, những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ như thế. Hãy một lần đến với Hồ Thác Bà đề tự mình trải nghiệm, tự mình khám phá hết những nét riêng của nơi đây mà không giấy mực nào có thể lột tả được.