Du lịch Hội An, đừng quên tới thăm làng gốm Thanh Hà. Nơi đây với lịch sử hơn 500 năm tuổi, nhất định sẽ có nhiều điều thú vị dành cho bạn khám phá. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu những kinh nghiệm tham quan làng gốm Thanh Hà nhé!
Làng gốm Thanh Hà ở đâu? Đi tới đây theo đường nào?
Nằm yên bình bên bờ sông Thu Bồn, làng gốm Thanh Hà thuộc xã Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam. Nơi đây cách trung tâm TP. Hội An về phía Tây khoảng 3km.
Bạn cần di chuyển từ nơi mình sống tới Đà Nẵng bằng máy bay, tàu hoặc xe khách. Hội An cách Đà Nẵng khoảng 30km, đường đi và phương tiện cũng khá dễ. Bạn có thể cân nhắc lựa chọn cho phù hợp.
Để tới làng gốm Thanh Hà, bạn đi theo cung đường như sau:
Từ phố cổ Hội An, theo tuyến đường Hùng Vương, đến đường Duy Tân có ngã giao. Bạn hỏi người dân địa phương đường vào làng gốm. Từ điểm đó tới nơi chỉ cần đi thêm một đoạn ngắn nữa.
Lịch sử lâu đời của làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà tính tới nay đã có tuổi đời trên 500 năm. Tức là làng được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 15, có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Thời kỳ hoàng kim nhất của gốm Thanh Hà là vào thế kỷ 16 – 17. Thời gian này thương cảng Hội An vẫn còn vô cùng nhộn nhịp.
Được tiếp thu những tinh hoa của xứ Quảng, gốm Thanh Hà đã từng nổi danh khắp các tỉnh miền Trung. Về sau, Hội An không còn là thương cảng chính của miền Trung nữa. Vì thế mà làng gốm Thanh Hà cũng bị ảnh hưởng.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, tới nay làng gốm Thanh Hà vẫn còn giữ vững và tồn tại. Quả thật nơi đây là minh chứng sống động cho một làng nghề thủ công đã từng phát triển rực rỡ tại Hội An.
Các sản phẩm chủ yếu là bình dân, sử dụng hàng ngày. Có thể điểm qua như nồi, chậu, bình, lọ, chén… Và các sản phẩm dùng trong xây dựng như mái ngói. Điển hình nhất là mái ngói ở phố cổ Hội An, được sản xuất chính tại làng gốm Thanh Hà.
Khám phá vẻ đẹp trầm mặc của làng gốm Thanh Hà nơi xứ Quảng
Quá trình sáng tạo ra những sản phẩm gốm của các nghệ nhân
Đặc điểm riêng biệt mà có lẽ chỉ có ở gốm Thanh Hà, đó là gốm mộc, không phủ men. Đất sét nâu dọc sông Thu Bồn là nguyên liệu chính để làm ra các sản phẩm gốm. Loại đất sét này vừa dẻo, đặc, lại có độ kết dính cao. Vì thế mà gốm Thanh Hà mang màu nâu đỏ đặc trưng của phù sa sông Thu Bồn.
Toàn bộ các sản phẩm đều làm ở dạng gốm thô. Tức là chỉ bao gồm nặn đất, phơi khô rồi nung trong lò. Về mặt mỹ thuật không quá được đầu tư. Đất sét nhào nhuyễn, cắt mỏng từ 3 đến 4 lần bằng kéo xén đất. Sau đó người làm gốm phải dùng sức đạp thật nhiều lần nhằm tăng độ liên kết cho đất.
Phương thức sản xuất truyền thống suốt 500 năm nay vẫn không hề thay đổi. Gốm Thanh Hà sử dụng bàn xoay thủ công để tạo hình bằng tay. Chuốt đất thành hình xong xuôi, họ sẽ đem ra phơi nắng cho mau khô. Tiếp đó là trang trí theo ý thích rồi mới đưa vào lò nung bằng củi.
Có thể nói rằng để làm ra được những sản phẩm thủ công cầu kỳ như vậy, ngoài đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện, các nghệ nhân còn mang trong mình một lòng yêu nghề, tâm huyết với từng hòn đất. Không có khuôn thước hay định lượng, các sản phẩm đều dựa trên cảm giác và kinh nghiệm của người làm gốm.
Du khách không nên bỏ qua những trải nghiệm này
Đầu tiên, bạn sẽ được chứng kiến tận mắt quá trình tạo ra các sản phẩm gốm. Không chỉ vậy, du khách còn có cơ hội trải nghiệm tự tay làm gốm. Làng gốm Thanh Hà vẫn còn giữ được những nét cổ. Ngôi làng nhỏ bình dị với từng nhà có hàng rào bằng cây thấp ngang người. Đến Hội An có lẽ phải tới đây, không thì tiếc lắm.
Tham quan xong, bạn có thể thỏa thích lựa chọn những món đồ gốm xinh xinh mua về làm quà cho mọi người. Rất nhiều thứ “hay ho” dành cho bạn đấy: những con vật nhỏ, những chú tò he… Đây đều là những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn du khách.
Đã đến đây, bạn đừng quên ghé thăm cả Công viên Đất nung Thanh Hà nữa nhé! Đây là công viên gốm lớn nhất, “có một không hai” tại Việt Nam. Rất nhiều công trình kiến trúc của Việt Nam và các kỳ quan trên thế giới đã được tái hiện lại một cách đầy sinh động.
Giá vé tham quan
Mỗi vé có giá trị trong vòng 24h với 35.000đ/người/lượt.
Giá vé trên bao gồm: Một bản đồ hướng dẫn; Tham quan làng gốm, các di tích Miếu Nam Diêu, Đình Xuân Mỹ; Xem các nghệ nhân làm gốm; Trải nghiệm tự tay chuốt gốm, nặn con thổi.
Ngoài ra khi mua vé tham quan bạn sẽ được tặng một sản phẩm xinh xắn bằng gốm nữa đấy.
Theo Poliva