Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch covid-19. Sau đại dịch, ngành du lịch đã tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm tổ chức trở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới và đang có những dấu hiệu khởi sắc đáng kể.
Dấu hiệu phục hồi du lịch sau đại dịch
- Lượng khách du lịch tăng cao
Từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch nội địa có sự bùng nổ với lượng du khách tăng mạnh qua các tháng. Tính trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt, riêng trong tháng 5/2022 cao nhất với 12 triệu lượt khách.
Bên cạnh đó lượng du khách quốc tế đến Việt nam đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nhiều điểm đến du lịch trên cả nước có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng khách và doanh thu:
TP. Hồ Chí Minh đón 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43,1% so cùng kỳ năm trước cùng với 478.000 lượt khách quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và đạt 73,5% so với kế hoạch đề ra năm 2022.
Hà Nội - Tổng lượng khách du lịch ước đạt 8,61 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách du lịch nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt khách, khách du lịch quốc tế ước đạt 211.000 lượt.
Ngành du lịch Quảng Ninh cũng đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, cùng với thành công trong việc đăng cai tổ chức 7 môn thi đấu SEA Games 31, Quảng Ninh đón 5,5 triệu lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ.
Thanh Hóa cũng đang là một trong những địa phương dẫn đầu về lượng khách du lịch trong 6 tháng đầu năm của cả nước. Theo báo cáo của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh đã đón 6,8 triệu lượt khách, tăng 131,6% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 68,2% kế hoạch năm.
- Sân bay quá tải
Theo công bố của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Dự kiến trong năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu lượt, tăng 190% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng số lượng khách quốc tế được dự đoán đạt 5 triệu lượt, tăng 844%, trong khi khách nội địa đạt 82,8 triệu lượt, tăng 178,4%. Sản lượng hàng hóa đạt 1,5 triệu tấn, tăng 5%.
Trong đó 2 sân bay lớn của Việt nam là sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài đều có lượng khách tăng vọt, thậm chí xảy ra tình trạng quá tải.
Theo thống kê, trong nước có 719.154 lượt khách tới sân bay Tân Sơn Nhất, từ đầu tháng 6 đến nay. Trong đó khách đến đạt 370.361, khách đi đạt 348.793.
Lượng khách quốc tế đang dần trở lại Tân Sơn Nhất. Tính đến nay, đã có 119.086 lượt khách đến và đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn.
Nhà ga T1 thuộc sân bay quốc tế Nội Bài có diện tích 115.000m2, với 555 chỗ đỗ ô tô và đủ vị trí cho 6 tuyến xe buýt kết nối Hà Nội với Nội Bài. Cùng với lượng khách tăng cao và xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển đến sân bay đang gây áp lực lớn đến luồng di chuyển và sân đỗ ôtô dẫn đến tình trạng quá tải.
Giải pháp cho ngành du lịch phát triển bền vững
Nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch trong thời gian qua là do các đường bay quốc tế được khôi phục; các địa điểm du lịch mở cửa trở lại; dịch Covid-19 được kiểm soát, SEA Games 31 được tổ chức thành công góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch được khởi sắc. Tuy nhiên để đảm bảo du lịch phát triển bền vững trong giai đoạn tới cần nhiều hơn các biện pháp cũng như sự góp sức của của các cấp lãnh đạo và ngành du lịch:
- Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch.
Các địa phương tăng cường tổ chức nhiều sự kiện nhằm kích cầu, thu hút du khách, giới thiệu đến du khách những tiềm năng, cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, từng bước khôi phục lại tăng trưởng ngành.
Điển hình như Quảng Ninh đang triển khai chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa với chủ đề: “Du lịch Quảng Ninh - an toàn - thân thiện - hấp dẫn” cụ thể như xây dựng chuyên trang “Live fully in Ha Long - Quang Ninh” (Sống trọn vẹn tại Hạ Long - Quảng Ninh”), xây dựng video clip quảng bá các chương trình trải nghiệm du lịch an toàn theo chủ đề “Quảng Ninh hấp dẫn 4 mùa”...
- Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch.
Xu hướng hiện nay của khách hàng là tìm kiếm sự tiện lợi để tiết kiệm thời gian, việc tối ưu hóa các hoạt động của doanh nghiệp và trải nghiệm của người dùng bằng cách giúp khách hàng nắm bắt sản phẩm và dịch vụ thông qua truy cập dữ liệu, từ đó giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất.
Chuyển đổi số trong du lịch không giúp khách hàng tiếp cận dễ hơn mà còn giúp các doanh nghiệp du lịch chuẩn hóa các quy trình, tăng hiệu suất công việc.
- Đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường.
Sau đại dịch, xu hướng và thói quen của khách du lịch có nhiều thay đổi để hấp dẫn du khách các đơn vị phải thay đổi cách làm, xây dựng sản phẩm đa dạng. Khách du lịch quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, an toàn và vệ sinh; sinh thái; nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm theo nhu cầu; đặt dịch vụ trực tuyến…
Tùy thuộc vào tài nguyên du lịch và thế mạnh của từng địa phương, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển phù hợp để đạt được những hiệu quả cao nhất.
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch, cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch.
Từ những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, lao động của nhiều doanh nghiệp du lịch đã nghỉ làm hoặc chuyển nghề sang các công việc khác, cùng với đó là xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách đã thay đổi. Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp hiện nay không chỉ là tìm kiếm nguồn lao động mà còn hỗ trợ đào tạo kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu mới về sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển du lịch bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.