Kinh thành Huế, với những vẻ đẹp xưa cũ mang hơi thở lịch sử hào hùng và kiến trúc lộng lẫy uy nghiêm đã khiến không ít người đổ về hàng năm để thăm quan và tìm lại một phần nào đó của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, nếu như vì khoảng cách địa lý mà bỏ qua Huế thì hẳn các bạn ở miền Nam sẽ không khỏi tiếc nuối, nhưng đừng vội buồn, ngay gần Sài Gòn cũng có một địa điểm siêu đẹp, đầy cổ kính góp phần không nhỏ trong trang sử Việt Nam, đó là Văn miếu Trấn Biên.
Văn Miếu Trấn Biên - Ảnh: emmett2e
Cái tên Văn Miếu Trấn Biên với người Nam Bộ có lẽ không còn xa lạ, bởi đây là một trong những văn miếu lớn nhất vùng, lại là văn miếu đầu tiên được xây dựng ở xứ Đàng Trong (theo cách gọi xưa). Văn Miếu Trấn Biên tôn vinh cao nhân Khổng Tử cùng rất nhiều bậc hiền tài thời bấy giờ, gánh trọng trách đào tạo nhân tài để phục vụ cho đất nước chế độ cũ.
Văn miếu Trấn Biên khá quen thuộc với người dân Nam Bộ - Ảnh: gazso
Được xây dựng năm 1715, tới 1861 thì bị thực dân Pháp phá bỏ, và cho tới đầu năm 1998 mới được Nhà nước khôi phục lại, cho tới nay Văn Miếu Trấn Biên đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung bởi công trình quy tụ rất nhiều hạng mục quan trọng, nhất là gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta ngày xưa.
Kiến trúc văn miếu Trấn Biên - Ảnh: lettynguyen
Văn Miếu Trấn Biên của ngày nay thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tọa lạc trong không gian rộng rãi, phong thủy tốt. Kiến trúc nơi đây dựa theo Văn Miếu Quốc Tử Giám của thủ đô Hà Nội, tức là có đầy đủ nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ… tạo nên sự uy nghi, đẹp cổ kính và nổi bật lên ý nghĩa truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam.
Không gian rộng rãi - Ảnh: tdm1198
Bước vào Văn Miếu Trấn Biên, bạn sẽ có cảm giác đến một kinh thành Huế thu nhỏ, với những vòm mái cong cong lợp ngói lưu ly xanh ngọc, các nhà bia truyền thống, Khuê Văn Các, cổng tam quan… Nhà thờ chính được xây khá quy mô theo dạng nhà ba gian hai chái của miền Bắc, nền gạch Tàu, cột chống nhà treo đôi liễn đối, gian giữa có bàn thờ Bác Hồ.
Ngỡ như lạc vào kinh thành Huế thu nhỏ - Ảnh: gazso
Đặc biệt, đây bạn có thể tìm thấy rất rất nhiều những biểu tượng, vật dụng thể hiện tinh thần dân tộc như tấm bia lớn khắc dòng chữ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, biểu tượng trống đồng, 18kg đất và 18 lit nước mang về từ đền Hùng (Phú Thọ)... Các công trình khác là nhà thờ danh nhân, miếu thờ, nơi trưng bày làng nghề truyền thống và tài liệu về lịch sử văn hóa con người Biên Hòa - Đồng Nai hay khu sinh hoạt truyền thống mà bạn sẽ mất cả buổi mới khám phá hết.
Nếu nói Văn Miếu Trấn Biên như một bức tranh thủy mặc quả không sai, bởi ở đây non nước hữu tình, kiến trúc cổ hòa với thiên nhiên tươi mát, màu xanh của mái và màu xanh của nước hồ, trời cao tạo nên tổng thể nhẹ nhàng tự nhiên, khiến tâm hồn thanh thản hơn bao giờ hết.
Lung linh về đêm - Ảnh: ipinable
Cảnh sắc Văn Miếu Trấn Biên cũng là địa điểm tuyệt vời cho những bộ hình cưới, hình xuân, chụp kỷ yếu… ban ngày thì đất trời hòa hợp, ban đêm thì lung linh không kém gì chốn kinh thành ở bất cứ đâu. Đến Trấn Biên không vì mục đích chụp ảnh cũng chẳng sao, bạn có thể tản bộ, tìm hiểu văn hóa lịch sử, thăm quan kiến trúc, ra hồ lớn giữa Văn Miếu cho cá ăn… Đảm bảo đây sẽ chuyến đi vừa vui vẻ vừa ý nghĩa.
Cho cá ăn - Ảnh: phanbom
Còn nếu chọn tới Trấn Biên những ngày cận Tết, xung quanh bạn sẽ là cả đường hoa rực rỡ. Người người, nhà nhà nhộn nhịp trẩy hội du xuân giữa trăm hoa đua nở và các công trình cầu kỳ tỉ mỉ, quy mô lớn hơn theo từng năm.
Trấn Biên ngày hướng dương nở - Ảnh: bee.vhuynhtt
Văn Miếu Trấn Biên không quá đặc biệt khiến cả nước hướng về như cố đô Huế, cũng không nổi tiếng như Quốc Tử Giám của Hà Nội xa xôi, mà chỉ đơn giản, nhẹ nhàng ở chốn bình yên giữa lòng thành phố. Tuy là công trình được phục dựng lại, nhưng ở Trấn Biên người ta tìm thấy được một phần lịch sử, một phần tình yêu đối với quê hương, đất nước và con người Việt Nam.
Một phần lịch sử - Ảnh: builethanhhang
Có lẽ những người Nam Bộ chẳng cần đi quá xa mới cảm nhận được những nét cổ kính của kinh đô xưa cũ, những người sống ở Sài Gòn hoa lệ cũng chẳng cần đáp chuyến máy bay tới cố đô Huế hay thủ đô Hà Nội nếu chưa đủ điều kiện, bởi họ có thể đến Trấn Biên - nơi văn miếu đượm hồn dân tộc dù thời gian có khi muốn xóa nhòa tất cả.
Nguồn: My tour