Từng là một công trình trọng điểm trong quần thể các công trình kiến trúc của Kinh thành Huế xưa, Điện Kiến Trung bị thời gian lãng quên suốt hàng chục năm, nay trở lại với nét đẹp lộng lẫy trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách tại Huế.
Chính thức trở lại sau 5 năm trùng tu, đến nay Điện Kiến Trung đã chính thức mở cửa đón khách và trở thành một điểm tham quan hấp dẫn nhất định phải đến khi dừng chân tại cố đô Huế. Check-in Điện Kiến Trung, du khách hẳn sẽ không thể rời mắt bởi vẻ đẹp vừa lộng lẫy vừa tráng lệ, công trình mang đến cho du khách cảm xúc mãnh liệt về một huyền thoại sống lại sau 72 năm hoang phế đẹp nguy nga giữa lòng cố đô Huế.
Điện Kiến Trung Huế trong dòng chảy lịch sử
Định Kiến Trung là một trong những công trình kiến trúc rất quan trọng trong hệ thống các công trình kiến trúc của nhà Nguyễn đầu thế kỷ XX. Tên gọi Kiến Trung cũng mang ý nghĩa rất đặc biệt, chữ Kiến tức là dựng lên, tạo dựng, chữ Trung có hàm ý ngay thẳng.
Trước đây, tại vị trí của Điện Kiến Trung vua Minh Mạng đã cho xây dựng lầu Minh Viễn với 3 tầng, được mệnh danh là “Thần Kinh đệ nhất cảnh”. Đến năm 1876, do bị xuống cấp nặng nề, vua Tự Đức đã cho triệt giải công trình. Năm 1913 nhà vua Duy Tân lại tiếp tục cho xây dựng một công trình kiến trúc theo phong cách mới hoàn toàn, được gọi tên là lầu Du Cửu.
Điện Kiến Trung được chính thức xây dựng từ năm 1921 đến năm 1923 dưới thời Khải Định. Đây là một trong năm công trình lớn thuộc trục dũng đạo xuyên qua trung tâm của Tử Cấm Thành Huế, cùng với các công trình khác như điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái. Trong giai đoạn đầu xây dựng thì Điện Kiến Trung được thiết kế theo phong cách tân cổ điển với quy mô rất lớn, phong cách mang những nét đặc trưng của thời Khải Định với những đường nét hết sức cầu kỳ, tỉ mỉ nổi bật nhất chính là lối trang trí bằng cách đắp các mảnh sành sứ trên nền vôi vữa.
Đến thời vua Bảo Đại thì Điện Kiến Trung tiếp tục được bổ sung và sửa chữa. Sau cách mạng tháng 8, đây là nơi được vua Bảo Đại dùng để tiếp các phái đoàn chính phủ lâm thời, họp bàn việc thoái vị hay trao quyền điều hành đất nước cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuy nhiên, đến năm 1947 giữa rất nhiều biến động của lịch sử thì Điện Kiến Trung là một trong những công trình kiến trúc quan trọng của Hoàng Thành và Tử Cấm Thành Huế đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng kết thúc 24 năm tồn tại ngắn ngủi.
Ngày 16/2/2019 trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành tu bổ, phục hồi và tôn tạo lại Điện Kiến Trung với kinh phí lên đến hơn 120 tỷ đồng. Theo đó, với lần tu bổ tôn tạo này công trình sẽ được phục hồi và hoàn thiện cả nội thất lẫn ngoại thất. Đến dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, Điện Kiến Trung đã chính thức được mở cửa và ra mắt công chúng, trở thành một trong những điểm check in hấp dẫn thu hút du khách, trong quần thể các công trình kiến trúc của Hoàng thành Huế.
Khám phá không gian và kiến trúc Điện Kiến Trung
Kiến trúc của Điện Kiến Trung vừa mang nét uy nghi, bề thế của các công trình kiến trúc hoàng triều Nguyễn, nhưng cũng thể hiện đậm hơi thở của kiến trúc Việt ở những năm thế kỷ XX với sự kết hợp của phong cách kiến trúc Pháp, Italy và phong cách kiến trúc cổ của của triều Nguyễn. Không gian của Điện Kiến Trung bao gồm 3 khu vực chính là vườn cảnh, mặt tiền điện và khu vực nội thất.
Tổng thể kiến trúc điện Kiến Trung là sự kết hợp của kiến trúc Pháp, Italy và phong cách kiến trúc cổ của của triều Nguyễn. Ảnh: Lê Đình Hoàng
Vườn Cảnh là một không gian rộng lớn với thảm cỏ xanh mướt, cây cảnh cắt tỉa cầu kỳ và hai đài nghỉ chân với thiết kế cổ kính. Điểm nhấn nổi bật nhất của kiến trúc Điện Kiến Trung chính là mặt tiền điện. Khu vực này có ba cầu thang được đắp hình rồng vô cùng kinh tế, du khách có thể đi theo những bậc cầu thang này để lên trên thềm điện. Tầng chính của điện được thiết kế với 13 cửa Hiên, bao gồm 5 cửa ở gian giữa, mỗi bên được đặt 3 cửa, hai góc điện mỗi bên thêm hai cửa nữa được thiết kế nhô ra. Tầng trên cũng có thể thức tương đồng như ở tầng chính.
Nét độc đáo tạo nên điểm nhấn của mặt tiền kiến trúc điện chính là nghệ thuật khảm sành sứ với hoa văn trang trí họa tiết rất độc đáo. Hệ thống cửa được sơn vàng đỏ rực rỡ, tượng rồng và các hoa văn trang trí được thảm sành sứ rất bắt mắt, nổi bật là các họa tiết rồng năm móng là biểu trưng của quyền lực triều Nguyễn trên bức tường điện. Để những con rồng có hồn thì người thợ phải khéo léo kết hợp nhiều loại mảnh sành sứ khác nhau. Ngoài rồng thì hệ thống các con nghê, con lân ở khu vực mặt tiền điện Kiến Trung cũng được khảm sành sứ.
Các cửa sổ cũng được sơn rất rực rỡ, khu vực bên ngoài sản sành sứ cùng các chi tiết rồng mây bắt mắt. Phần mái điện được lợp bằng ngói, tráng men vàng trên bề mặt, kết hợp với đó là hệ thống hoa văn và rồng khảm sành sứ nổi bật phía trên đỉnh của mái điện
Không gian bên trong điện mang nhiều nét tương đồng với thiết kế nội thất của cung An Định. Không gian toát lên sự vương giả, quyền lực với màu vàng là chủ đạo cùng các họa tiết ấn tượng. Bên trong Điện Kiến Trung được trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế sử dụng là nơi trưng bày các cổ vật quý giá liên quan đến hoàng gia thời nhà Nguyễn như thường phục hàng ngày của vua Khải Định, chiếc giày thêu rồng vàng của hoàng thái tử Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại, Kiệu vua, tủ khảm ốc xà cừ, trấn phong…
Điện Kiến Trung mang những giá trị rất to lớn về mặt mỹ thuật, kiến trúc và lịch sử nơi đây có đầy đủ các đặc điểm của một công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương xưa. Cùng với các công trình có phong cách Á - Âu tuyệt đẹp dưới thời vua Khải Định như cửa Hiển Nhơn, Lăng Khải Định hay cung An Định thì điện Kiến Trung cũng là một điểm nhấn làm phong phú thêm cho đặc trưng kiến trúc Việt ,trong giai đoạn tân cổ điển với nghệ thuật khảm sành sứ tiêu biểu cho diện mạo kiến trúc cung đình Huế.
Kinh nghiệm check-in Điện Kiến Trung hữu ích cần biết
Hướng dẫn đường đi tới điện Kiến Trung
Điện Kiến Trung nằm ngay trong khuôn viên của đại Nội Huế, cách trung tâm thành phố 2,7 km. Từ cầu Phú Xuân du khách có thể di chuyển theo cung đường Lê Duẩn, rồi rẽ phải vào Cửa Nam hoặc cửa Quảng Đức, sau đó đi men theo bờ thành đến bãi xe Nam Thắng/ Nam Xương.
Sau khi gửi xe, du khách có thể tiếp tục đi bộ đến khu vực cổng Ngọ Môn để vào Đại Nội. Tiếp đến di chuyển theo trục đường từ cầu Trung Đạo đến Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành và cung Khôn Thái rồi mới đến Điện Kiến Trung.
Giá vé và giờ mở cửa
Hiện tại Điện Kiến Trung có khung giờ mở cửa từ 6h30 đến 17h30 hàng ngày, vào mùa đông cung điện sẽ mở cửa từ 7h - 17h. Điện Kiến Trung nằm bên trong đại nội Huế nên ghé thăm quan sẽ áp dụng theo mức vé của Đại Nội Huế. Người lớn sẽ có giá vé 200.000đ/ người, trẻ em Chiều cao dưới 1,3 vé 40.000/ người. Du khách người nước ngoài vé 200.000đ/ người.
Lưu ý cần biết
Nhằm phục vụ nhu cầu tham quan và trải nghiệm của du khách, Điện Kiến Trung cũng như các công trình kiến trúc khác trong khuôn viên Đại Nội thì tại nhà Hữu Vu sau Điện Thái Hòa và tại khu vực tầng 1 của điện Kiến Trung có dịch vụ cho thuê cổ phục để du khách thỏa thích check in khám phá.
Điện Kiến Trung có trưng bày nhiều cổ vật có giá trị từ thời nhà Nguyễn, nên trong quá trình tham quan du khách hãy lưu ý không tác động đến các cổ vật được trưng bày, giữ gìn không gian.
Sau 72 năm, cuối cùng Điện Kiến Trung cũng đã được trở lại với dáng vẻ bề thế, lộng lẫy tráng lệ. Nơi đây hứa hẹn sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất trong quần thể các công trình kiến trúc của kinh thành Huế. Chính vì vậy, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội check in khi đến với cố đô nhé.
Theo Luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet