Đầu xuân lên chùa đi lễ cầu bình an đã trở thành một trong những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Mỗi dịp tết đến xuân về, người dân cả nước lại có dịp hành hương về với cửa phật, vừa để lễ phật đầu năm, thanh tịnh tâm hồn, vừa để thả mình trong vẻ đẹp của núi non sông nước. Chùa Tiên (Hòa Bình) là một địa chỉ hành hương, du lịch ngày nay đã được nhiều người biết tới. Bởi nơi đây còn giữ được nhiều nét nguyên sơ hiếm có của một thung lũng giữa đại ngàn với những động thạch nhũ kỳ ảo và những đồi núi xanh mướt. Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về vùng đất thiêng liêng này các bạn nhé!
1. Lịch sử hình thành
Lễ hội Chùa Tiên đã có từ thời xa xưa và ngày nay đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm lễ hội lại được tổ chức đông vui hơn, quy mô hơn, thu hút du khách bốn phương tìm về nhiều hơn. Gọi tên là lễ hội Chùa Tiên, nhưng đây là lễ hội chung cho cả khu di tích mà địa điểm chính được đặt ở Chùa Tiên.
Chùa Tiên - Mẫu Đầm Đa (hay còn được người dân gọi là Chùa Tiên - Đầm Đa) là một quần thể du lịch thuộc địa phận xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Trong quần thể có một ngôi chùa tên là Chùa Tiên, được Bộ văn hóa - Thông tin Việt Nam cấp bằng di tích lịch sử văn hóa tháng 9 năm 1989.
Được tọa lạc dưới chân núi Tung Xê trên một khu đất bằng phẳng theo truyền thuyết Chùa tiên được xây dựng từ rất xa xưa theo lối kiến trúc nhà sàn nguyên vật liệu là tranh tre nứa lá trải qua bao thăng trầm lịch sử ngôi chùa đã bị xuống cấp. Năm 1998 ngôi chùa được trùng tu tôn tạo lại khang trang như ngày nay.
Đến dâng hương tại Chùa Tiên du khách sẽ có dịp được bày tỏ lòng thành kính lên các đức phật các ước mong của mình. Để đáp ứng với nhân dân địa phương và khách thập phương về lễ phật ngày một đông ngôi chùa lại được khởi công xây mới năm 2007 với chiều dài 34m, chiều rộng 33m tổng diện tích là 1.122m2 với hệ thống tượng phật được lắp đặt thật công phu và bài trí cả một không gian rộng thật u huyền và tĩnh mịch.
2. Địa chỉ và kiến trúc chùa
-
Quần thể Chùa Tiên nằm tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, cách trung tâm Hà Nội khoảng 85km. Con đường đôi trải nhựa đen phẳng lì xuyên giữa hai hàng bằng lăng dẫn du khách vào với chùa Tiên. Bãi gửi xe được quy hoạch quy củ ngay cổng vào, tạo ấn tượng tốt với du khách khi đến đây.
-
Xét về vị trí địa lý, Chùa tiên nằm ngay sau chùa Hương và tại đây cũng đã có cáp treo từ chùa Tiên lên động Hương tích, nếu không đi cáp treo các bạn chỉ mất khoảng 30p leo núi để lên động Hương tích mà thôi.
3. Tham quan Chùa Tiên
Khu Du lịch Chùa Tiên - Đầm Đa là một quần thể du lịch bao gồm nhiều hang động, đền chùa tuyệt đẹp bao gồm: đền Trình, đền Mẫu ( Mẫu u Cơ) và nhiều động Động Ông Hoàng Bảy, Động Cô Chín, Động Suối Vàng Suối Bạc, Động Cậu Bé, Động Ông Hoàng Mười, Động Cung Tiên,.... và nằm bên kia sườn dãy núi Hương Sơn Chùa Hương. Ngoài ra quần thể danh thắng Chùa Tiên là di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia.
Chùa Tiên là ngôi chùa to nhất mới được xây dựng quy mô, hoành tráng với mái ngói đỏ, cong vút, phóng rộng tầm nhìn ra cả thung lũng phía trước.Trước khi đi thăm quan các động thì hãy vào chùa lễ bái đã thì đi đâu thì đi nhé, chùa thiêng lắm đấy.
Nếu như chính điện mới được xây dựng khiến du khách ngỡ ngàng, trầm trồ bởi quy mô, bề thế thì các hang động là nét độc đáo rất riêng của quần thể chùa Tiên. Từ sân chính điện, ngược lên các vách đá, dốc núi cao, các bạn gặp rất nhiều du khách thập phương đang chậm rãi từng bước chân khám phá các hang động. Điều đặc biệt là hệ thống loa được trang bị dọc đường đều văng vẳng tiếng tụng kinh, gõ mõ khiến du khách có cảm giác thanh tịnh, nhẹ bước chân ngược núi.
Đối diện đền Trình là động Tam Tòa với vẻ đẹp lung linh và kiêu hãnh. Nơi đây thờ 3 vị đức thánh ông, nằm ở vị trí trung tâm của vùng đất Nhượng Lão. Động có không gian rất thoáng rộng chiều dài của động khoảng 130m, động được chia làm 3 tòa. Đứng trước cửa động du khách sẽ phải bàng hoàng choáng ngợp bởi một không gian rộng lớn bao trùm một thế giới nhũ đá thần kỳ.
Đi sâu vào bên trong giữa bốn bề là màu xám của đá các khối nhũ hiện lên kỳ ảo giữa không gian màu tối các khối nhũ lấp lánh giữa ánh đèn trông như ngọc, ngà ngỡ như mọi sự trắng trong cao đẹp của thế gian ngưng tụ tại đây.
Tất cả các khối nhũ dải nhũ, măng đá cột đá ở nơi đây mang nhiều dáng vẻ nhiều màu sắc đã tạo cho động Tam Tòa thành một bảo tàng nghệ thuật tự nhiên với các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, hội họa thật hài hòa, tuyệt mỹ của tạo hóa Và sau khi thăm quan động Tam Tòa Du khách sẽ cảm thấy tâm hồn mình thư thái và luôn muốn vươn tới những điều chân thiện mỹ.
Nối tiếp đền Trình là đền Mẫu thờ mẹ, tín ngưỡng bản địa nguyên thủy của người Việt cổ, nơi đây còn có tên gọi là Mẫu Đầm Đa. Ngôi đền được xây dựng giống với ngôi nhà sàn của người Mường, sau đền là dãy núi với nhiều hang động.
Tiếp theo du khách sẽ đến Động Mẫu Long (còn gọi là Động Mẫu Âu Cơ), có dòng suối chảy qua động trong động Mẫu Long là nơi ngự của Mẫu âu cơ và bọc trăm trứng và cánh chim lạc việt.
Chính sự kết hợp hài hòa giữa bàn tay con người và sự ban tặng của thiên nhiên mà chùa Tiên Mẫu Đầm Đa có thể nói là bảo vật của vùng đất núi đá Hòa Bình thiêng liêng. Chính vì thế nếu chỉ có một ngày được nghỉ ngơi thì các bạn nên ghé qua tỉnh Hòa Bình để được chiêm ngưỡng toàn cảnh của chùa Tiên Mẫu Đầm Đa. Một ngày đó chắc chắn sẽ là một trong những ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời bạn.
Dòng suối huyền ảo trong động với dòng nước mát lạnh bắt nguồn từ những mạch nước ngầm trong núi. Cảm giác bạn leo lên những bậc cao mệt nhọc và nóng nực nhưng khi bước vào sâu trong động du khách sẽ cảm giác như mình bước vào một thế giới mới, mát lạnh dễ chịu hẳn luôn.
Đến với chùa Tiên du khách không chỉ được du xuân thưởng ngoạn, khám phá hệ thống hang động huyền bí; chiêm bái đức Phật cầu lộc, cầu tài tại cửa chùa mà du khách còn hòa mình với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của dân tộc Mường như múa sạp; các trò chơi dân gian: đi cà kheo, đánh đu, tung còn.
4. Ăn uống
Không chỉ đến thắp hương, lễ chùa mà ở trong và ngoài chùa,hai bên đường vào chùa có rất nhiều quầy bán đồ chơi, đồ ăn nhanh phục vụ du khách, và còn có rất nhiều quầy bán quà mang về nữa nhé.
Nếu đi theo đoàn thì các bạn có thể chọn một trong số những nhà hàng gần đấy để có chỗ ăn uống rộng rãi, thoải mái hơn. Đến với Hòa Bình các bạn cũng nên thử một số món đặc sản nơi đây như: thịt lợn Mường, thịt trâu lá lồm, rượu cần Hòa Bình, gà đồi,.....
5. Những tip nhỏ khi đi chùa
- Các bạn nên chọn cho mình những bộ quần áo rộng thoải mái để tránh việc mặc đồ bó sát gây ảnh hưởng khi leo núi nhé.
- Nên mang những đôi giày thể thao tránh đi những đôi cao gót sẽ làm bạn nhanh bị mỏi và tê chân.
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm đi chùa Tien chia sẻ với các bạn. Nếu có dịp các bạn hãy dành chút thời gian đầu năm để du xuân đến với vùng đất linh thiêng Hòa Bình, đến tham quan quần thể chùa Tiên- Đầm Đa để cầu bình an cho gia đình và người thân và cũng để tưởng nhớ về cội nguồn.
Theo Justfly.vn