Chùa Khánh Lâm Măng Đen: chốn thiền định thâm u giữa đại ngàn
admin | Đăng lúc 10:41 - 07/09/2023

Nổi bật với vẻ bề thế, kiến trúc đẹp và độc đáo ở xứ đại ngàn Măng Đen, chùa Khánh Lâm được đông đảo du khách ưa thích và ghé thăm để thanh tịnh tâm hồn. Đây đồng thời cũng là điểm nhấn ấn tượng trên bản đồ du lịch Kon Tum. 

 

Măng Đen vẫn luôn được biết đến là Đà Lạt của Kon Tum với những thác hồ, đồi thông, rừng sim và những vườn hoa xứ lạnh đẹp mê hồn, đặc biệt ngoài những điểm đến thiên nhiên tuyệt đẹp thì nơi đây còn có những điểm đến tâm linh rất hấp dẫn mà nổi bật trong số đó chính là chùa Khánh Lâm. Ghé chùa Khánh Lâm du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo với sự kết hợp của kiến trúc chùa truyền thống và kiến trúc nhà rông bản địa, khám phá lịch sử của ngôi chùa, những câu chuyện tâm linh huyền bí và trên hết là tìm được sự bình yên giữa không gian tĩnh lặng hoà quyện cùng cảnh sắc thiên nhiên đẹp ngỡ ngàng.

Chùa Khánh Lâm Măng Đen
Chùa Khánh Lâm Măng Đen điểm hẹn tâm linh tuyệt đẹp ở xứ đại ngàn. Ảnh:@clover_1195

Chùa Khánh Lâm Măng Đen ở đâu? Hướng dẫn di chuyển 

Chùa Khánh Lâm nằm ở khu du lịch sinh thái Măng Đen thuộc địa bàn của xã Đắk Long, huyện Kon Plông, cách trung tâm thành phố Kon Tum 55,2km. Chùa có vị trí khá đắc địa khi nằm giữa khu du lịch sinh thái nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Từ tp Kon Tum để đến chùa Khánh Lâm du khách có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô theo con đường quốc lộ 24 đến thằng đường Xuân Diệu. Trên con đường Xuân Diệu nhìn về hướng tay trái bạn sẽ nhìn thấy biển hướng dẫn để đến chùa Khánh Lâm. Quốc lộ 24 nối Kon Tum đến Măng Đen cũng là tuyến đường có nhiều điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách như đồi cỏ Bông Lau, chợ Kon Rẫy hay rừng thông Măng Đen rất đẹp.

vị trí Chùa Khánh Lâm Măng Đen
Chùa nằm trong khu du lịch sinh thái Măng Đen, cách Kon Tum 55,2km. Ảnh: @mieliam060207

Lịch sử của chùa Khánh Lâm Măng Đen 

Chùa Khánh Lâm Măng Đen được chính thức khởi công từ ngày 7/3/2012 và hoàn thành vào năm 2017, sau hơn 5 năm xây dựng. Đến thời điểm hiện tài ngôi chùa vẫn còn một số hạng mục đang được hoàn thiện nhưng về cơ bản diện mạo của điểm đến này đã thành hình và trở thành điểm dừng chân ưa thích của du khách. Được biết người phát tâm khởi nguyện dựng lập chùa Khánh Lâm chính là Đại đức Thích Nhuận Bảo cũng là trụ trì của chùa. Tên gọi Khánh Lâm được ghép từ tên của tổ đình Trung Khánh nơi đại đức Thích Nhuận Bảo xuất thân và tên chùa Phướng Tâm nơi mà thầy đã trụ trì suốt thời gian dài. Mặc dù tuổi đời còn non trẻ so với các ngôi chùa khác ở Tây Nguyên như chùa Khánh Lâm đang dần trở thành điểm du lịch, điểm đến tâm linh quan trọng là một điểm nhấn cho du lịch xứ đại ngàn Măng Đen.

lịch sử Chùa Khánh Lâm Măng Đen
Chùa được xây dựng từ năm 2012 và hoàn thành sau đó 5 năm. Ảnh: Dao Phuc Quang Vu

Khám phá vẻ đẹp độc đáo của chùa Khánh Lâm 

Khuôn viên chùa Khánh Lâm Măng Đen được quy hoạch với diện tích 10 ha trên một ngọn đồi nguyên sinh phong quang với độ cao trung bình 1200m so với mực nước biển. Từ chân đồi, du khách sẽ khám phá chùa theo lối tam quan phía trước, bước qua hơn 200 bậc thang đá sẽ nhìn thấy ngôi chùa bề thế nằm tôn nghiêm ẩn mình giữa những tán cây rừng xum xuê tĩnh lặng.

Cổng tam quan chùa 

Cổng tam quan của chùa Khánh Lâm được xây dựng với vẻ cổ kính đặc trưng, thiết kế độc đáo với các tầng mái cong vút kết hợp với các chi tiết chạm khắc gỗ công phu hoà quyện với tông màu gạch xưa cũ tạo nên vẻ đẹp cổ kính ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ở chính giữa cổng tam quan là bảng tiên chùa Khánh Lâm và hai bên cổng tam quan của chùa là hai dòng chữ Từ Bi và Hỷ Xả mang ý nghĩa về sự giáo hóa chúng sinh để được lìa khổ và được vui an lạc.

tam quan Chùa Khánh Lâm Măng Đen
Cổng tam quan của chùa Khánh Lâm mang nét cổ kính đặc trưng. Ảnh: @_jj_1986_vv_1990

Khu chính điện

Khu chính điện của chùa Khánh Lâm nằm nổi bật giữa không gian xanh mướt của cây rừng với kiến trúc 3 tầng mái rất thu hút ánh nhìn. Kiến trúc của chính điện là sự kết hợp của kiến trúc đình chùa cổ của người Việt và kiến trúc nhà rông Tây Nguyên. Phía trước chánh điện là khoản sân rất rộng, hai bên là dãy nhà tây Lan và Đông Lan nằm đối diện với diện tích 250m2 được xây dựng bằng gỗ mít rừng. Tất cả các cột kèo và hệ thống cửa của hai dãy nhà này được chạm khắc rất kỳ công, tinh xảo và đầy tính nghệ thuật.

chính điện Chùa Khánh Lâm Măng Đen
Chính điện chùa được lấy cảm hứng từ kiến trúc nhà rông Tây Nguyên. Ảnh@mrgreendatto
 
tượng phật chính điện Chùa Khánh Lâm Măng Đen
Khu vực bên trong của chính điện chùa Khánh Lâm là tượng Phật linh thiêng. Ảnh: @nguyentrannhahuyen

Phía trước hai dãy nhà Đông Lan và Tây Lan là 18 bức tượng các vị La Hán với tạc tạo với đủ hình dáng, sắc thái vừa trang nghiêm lại vừa uy nghi. Những bức tượng La Hán chính là biểu tượng của những vị đệ tử tu hành chín quả có tu vi cực hạn, thể hiện đầy tính nghệ thuật, sắc sảo và mang ý nghĩa bản sắc riêng có của Phật giáo.

Dãy nhà Đông Lan và Tây Lan chùa Khánh Lâm
Dãy nhà Đông Lan và Tây Lan được làm từ gỗ mít rừng. Ảnh: @ngocdieptieu.
 
tượng phật chính điện Chùa Khánh Lâm Măng Đen
Chùa có 18 bức tượng La Hán được tạc tạo rất sinh động. Ảnh:@ku_mua

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 17m 

Nằm ở phía trước chánh điện chùa Khánh Lâm là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 17m, xung quanh được bao bạo bởi cây cối xanh mướt, bên cạnh là hồ ao sen mang đến vẻ tĩnh mịch, yên bình. Khu vực gần tượng Quan Thế Âm còn có tháp chuông với chiếc hồng chung cao khoảng 2m nặng trên 1 tấn và tháp trống với chiếc trống có thân là từ gỗ pơ mu liền khối có đường kính 1,4m càng tăng thêm vẻ cổ kính ấn tượng. Dạo bước ở không gian này du khách hẳn sẽ cảm thấy thật bình an, thoải mái với tấm lòng rộng mở đầy an lạc.

tượng quan thế âm chùa Khánh Lâm
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 17 mét là một trong những điểm nhấn ở chùa. Ảnh: @minhquan7929
 
tháp hồng chum chùa Khánh Lâm
Tháp chuông với chiếc hồng chung cao khoảng 2m nặng trên 1 tấn. Ảnh: Dao Phuc Quang Vu

Lối đi thơ mộng ở chùa Khánh Lâm
Những lối đi thơ mộng là điểm check-in ưa thích của du khách khi đến chùa Khánh Lâm. Ảnh:@lamthuvien

tháp  chùa Khánh Lâm
Các hạng mục công trình tạo nên vẻ đẹp tổng thể ấn tượng. Ảnh: @lamthuvien

Ngoài những hạng mục đã hoàn thiện thì chùa Khánh Lâm vẫn đang tiếp tục xây dựng các hạng mục còn dang dở như Nhà Tổ, Nhà Tăng, Thư phòng… để hoàn thiện không gian của quần thể du lịch tâm linh đặc sắc này.

Kinh nghiệm check-in chùa Khánh Lâm Măng Đen cho người mới 

Thời điểm lý tưởng nhất để thăm quan và tận hưởng vẻ đẹp bình yên, tĩnh lặng của chùa Khánh Lâm Măng Đen là khung giờ buổi sáng sớm từ 5h, đến đây bạn sẽ được tận hưởng bầu không khí trong trẻo của sớm mai đầu ngay, hít hà bầu không khí mát lạnh căng tràn lồng ngực và tận hưởng sự an yên trong tâm hồn. 

Khi đến chùa hãy lưu ý ăn mặc thích hợp đi giày thể thao hoặc dép bệt để thoải mái vận động, chùa vẫn còn những hạng mục dang dở nên khi thăm quan du khách hãy lưu ý không nên đến gần những nơi chưa hoàn thiện.

thời điểm đến chùa Khánh Lâm
Sáng sớm là thời gian lý tưởng nhất để ghé thăm chùa Khánh Lâm. Ảnh:@bosuuu

Du khách có thể kết hợp thăm quan chùa Khánh Lâm với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác tại Măng Đen như thác Pa Sỹ, hồ Đắk Ke, hay làng Kon Bring, những quán cafe siêu xinh, những vườn rau hoa xứ lạnh tuyệt đẹp. 

Thực chất trước đây Măng Đen cũng đã từng có một ngôi chùa nhỏ tên gọi là Bảo Sơn Tự được tuyên uý quân đội Sài Gòn lập ra, tuy nhiên do ảnh hưởng của chiến tranh Bảo Sơn Tự đã bị phá hoại hoàn toàn và sự xuất hiện của chùa Khánh Lâm chính là lần thứ 2 mà dấu ấn Phật Giáo đã được xác lập sắc nét tại miền đất xinh đẹp này. Ghé Măng Đen hãy đến chùa Khánh Lâm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa với kiến trúc nhà rông độc đáo và tận hưởng những phút giây an tĩnh từ tâm hồn giữa chốn đại ngàn Tây Nguyên.. 


Theo Luhanhvietnam.com.vn 

Ảnh: Internet 

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll