Chùa Khai Nguyên - điểm nhấn du lịch tâm linh ở Sơn Tây Hà Nội
admin | Đăng lúc 14:34 - 05/07/2023

Chùa Khai Nguyên Sơn Tây ghi dấu ấn trong lòng Phật tử, du khách muôn phương với kiến trúc kim cổ giao thoa cùng hệ thống tượng Phật, di vật giá trị giữa vùng ngoại ô Hà Nội thanh bình, yên ả.

 
Chùa Khai Nguyên
Chùa Khai Nguyên Sơn Đông Sơn Tây Hà Nội là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở ngoại ô Thủ đô (Ảnh: chuakhainguyen.com)

Với quy mô bề thế và bức tượng Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á, chùa Khai Nguyên thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách gần xa. Chùa trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội hấp dẫn, mang đến cho khách hành hương, vãng cảnh nhiều trải nghiệm khó quên.

1. Chùa Khai Nguyên ở đâu? Các cách di chuyển

  • Địa chỉ: Thôn Tây Ninh, X. Sơn Đông, TX. Sơn Tây, TP. Hà Nội

Chùa Khai Nguyên trước đây là Cổ Liêu Tự và có tên thường gọi là chùa Cheo. Tọa lạc tại vùng quê Sơn Tây bình dị, chùa cách thành phố Hà Nội khoảng 45km. Bạn có thể thực hiện hành trình viếng chùa bằng nhiều loại phương tiện tùy theo điều kiện và sở thích của mình như: 

  • Xe máy, ô tô cá nhân: Đây là phương tiện giúp bạn tự do và chủ động thời gian trong hành trình. Từ trung tâm Hà Nội, bạn có thể sử dụng google map và chọn tuyến đường phù hợp như đi theo QL32 và DT82 hoặc theo đường Cao tốc 08 (Hòa Lạc) và QL21A để nhanh chóng đến chùa Khai Nguyên. 
  • Xe buýt: Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể đón xe buýt số 74 và xuống ở điểm dừng gần chùa nhất. Xe xuất phát từ BX. Mỹ Đình đến Xuân Khanh (Sơn Tây) với tần suất khoảng 30 phút/chuyến.
  • Taxi: Nếu đi với gia đình, nhóm bạn đông người, bạn có thể chọn taxi Xanh GSM để nhanh chóng, tiện lợi đến chùa và không phải lo ngại mưa nắng. Hành trình di chuyển càng thêm thú vị với không gian xe rộng rãi, hiện đại, vận hành êm ái và dịch vụ chuyên nghiệp.

2. Tìm hiểu lịch sử chùa Khai Nguyên Sơn Tây

Với niên đại lịch sử từ nửa đầu thế kỷ XVI, chùa Khai Nguyên đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu và phục dựng nhờ sự đóng góp của nhân dân và phật tử vào năm 1759, 1981. Từ năm 2003, sau khi về trụ trì, Đại đức Thích Đạo Thịnh đã đẩy mạnh công tác tu bổ và mở rộng khuôn viên Chùa Khai Nguyên, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni và các tín đồ Phật tử.

Từ năm 2006, Chùa Khai Nguyên đã trải qua hơn 10 năm kiến thiết với nhiều hạng mục công trình đã được hoàn thiện như: 

  • Ngôi Đại Hùng Bảo Điện
  • Tháp Báo Ân
  • Nhà khách
  • Vãng Sinh Đường
  • Thư viện
  • Chùa một cột
  • Nhà tạo soạn
  • Nhà Pháp hội
  • Nhà tăng
  • Ao phóng sinh
  • Gác chuông

Đồng thời, một số công trình đang trong quá trình thi công như: cổng Tam Quan, đại tượng Phật A Di Đà, nhà Đa Năng...

Chùa Khai Nguyên
Chùa Khai Nguyên có niên đại lịch sử từ nửa đầu thế kỷ XVI và đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, sửa chữa (Ảnh: chuakhainguyen.com)

3. Chùa Khai Nguyên có gì?

Sau quá trình đại trùng tu, chùa Khai Nguyên đã được biết đến rộng rãi hơn và trở thành địa điểm tâm linh, vãng cảnh nổi tiếng. Chùa còn góp phần tạo nên sức hút cho du lịch Sơn Tây nhờ kiến trúc, không gian và những hoạt động hấp dẫn: 

3.1. Kiến trúc chùa Khai Nguyên có sự giao thoa kim cổ

Dù trải qua nhiều lần tôn tạo nhưng chùa Khai Nguyên vẫn giữ được lối kiến trúc cổ kính với nhiều chi tiết, hoa văn mang đậm dấu ấn nhà Lý. Lối kiến trúc của chùa Khai Nguyên còn mang đậm phong cách truyền thống, với không gian thờ tự trang nghiêm. 

Các công trình được bố trí khéo léo, tạo nên sự hài hòa với những chi tiết kiến trúc hiện đại. Khuôn viên chùa còn thu hút du khách với không gian xanh mát của hồ nước nên thơ và lầu gác mô phỏng hình dáng chùa Một Cột.

Chùa Khai Nguyên
Công trình lầu gác giữa ao Phóng sinh mô phỏng hình dáng chùa Một Cột trong khuôn viên chùa Khai Nguyên (Ảnh: chuakhainguyen.com)

3.2. Bức đại tượng Phật A Di Đà ý nghĩa, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á

Điểm nhấn đặc sắc của chùa Khai Nguyên còn đến từ bức tượng Phật A Di Đà. Đây là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á với chiều cao 72m và đường kính bệ tượng lên đến 1.200m2. Việc xây dựng bức tượng này đã được khởi đầu từ năm 2015 và hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Bức tượng mang trong mình kết cấu vững chắc và được tạo tác tinh xảo với hình ảnh đức Phật A Di Đà uy nghiêm trong tư thế kiết già, truyền tải vẻ từ bi và trí huệ. Trên tay trái của Ngài là một đóa sen hồng chớm nở, trong khi tay phải được đặt ở tư thế Giáo hóa thủ ấn. 

Hai lòng bàn tay của đức Phật được trang trí bằng hình bánh xe Pháp luân đắp nổi, thể hiện những triết lý sâu xa của Phật giáo. Phần đế của bức tượng là đóa sen khổng lồ, với 3 lớp và 56 cánh hoa. Tất cả các chi tiết tạo nên bức đại tượng độc đáo, thể hiện nét đẹp đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Chùa Khai Nguyên
Bức tượng Phật A Di Đà của chùa có ý nghĩa truyền tải thông điệp “Vì hòa bình thế giới” (Ảnh: chuakhainguyen.com)

Theo lời của trụ trì chùa Khai Nguyên Đại đức Thích Đạo Thịnh, bức tượng được xây dựng với ý nghĩa truyền tải thông điệp “Vì hòa bình thế giới”, mong muốn sự an lành và thịnh vượng cho đất nước, nhân dân, và sự phát triển của Phật pháp. Dưới tầng ngầm của pho tượng là khu vực được thiết kế mô phỏng 18 tầng địa ngục, nhằm truyền tải ý nghĩa sâu sắc của khái niệm luân hồi, quy luật nhân quả trong đạo Phật.

3.3. Hệ thống di vật và tượng Phật giá trị

Ngoài bức đại tượng, chùa Khai Nguyên còn là nơi thờ tự hệ thống tượng Phật đồ sộ. Trong đó có nhiều bức tượng được làm bằng chất liệu quý như: đồng, ngọc bích… Các bức tượng được sắp xếp trong gian Tam bảo, tạo nên hình thái kiến trúc độc đáo và không gian trang nghiêm, thanh tịnh. 

Ngoài ra, chùa Khai Nguyên còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị lịch sử lâu đời như: chuông đồng được đúc vào niên hiệu Tự Đức năm 1870, bia đá được khắc vào niên hiệu Cảnh Hưng năm 1759 và bia đá khắc vào niên hiệu Gia Long năm 1816. 

Chùa Khai Nguyên
Chùa Khai Nguyên hiện lưu giữ, thờ tự nhiều bức tượng Phật được làm bằng chất liệu quý (Ảnh: chuakhainguyen.com)

3.4. Nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa

Trong những năm gần đây, Chùa Khai Nguyên đã trở thành điểm đến quen thuộc của đông đảo Phật tử. Mỗi năm, chùa tổ chức các khóa tu học giáo lý nhà Phật dành cho Tăng Ni và Phật tử, thu hút hàng nghìn người tham gia. Trong đó, khóa tu ngắn hạn dành riêng cho các bạn trẻ, như học sinh và sinh viên, đã trở thành một phần không thể thiếu của chương trình. 

Những khóa học này không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức Phật pháp, mà còn gắn kết với các hoạt động nhân đạo như: hiến máu, thiện nguyện. Thông qua đó, giới trẻ sẽ có cơ hội nuôi dưỡng lòng nhân ái, hoàn thiện bản thân và có sự kết nối hơn với cộng động, thiên nhiên. 

Chùa Khai Nguyên
Chùa Khai Nguyên thường xuyên tổ chức nhiều khóa tu mùa hè và hoạt động thiện nguyện ý nghĩa (Ảnh: chuakhainguyen.com)
 

4. Những địa điểm tham quan gần chùa Khai Nguyên Hà Nội

Viếng chùa Khai Nguyên, bạn hãy kết hợp ghé thăm các điểm đến lân cận để có những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình khám phá thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của vùng đất Sơn Tây: 

  • Hồ Đồng Mô: Hồ Đồng Mô nằm dưới chân núi Ba Vì được mệnh danh là thiên đường dành cho người yêu hoàng hôn. Điểm đến là nơi lý tưởng để bạn tham gia các hoạt động ngoài trời như cắm trại, dã ngoại, câu cá, chèo sup… 
  • Làng cổ Đường Lâm: Ngôi làng cổ Đường Lâm yên bình sẽ mang đến cho bạn giờ phút an yên đáng nhớ với trải nghiệm đạp xe qua làng Mông Phụ, tham quan nhà cổ, đền Phùng Hưng, đền Ngô Quyền và thưởng thức những món đặc sản thơm ngon.
  • Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Cách chùa Khai Nguyên chỉ 15km, làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là nơi lý tưởng để bạn khám phá kiến trúc, nét đẹp văn hoá của các dân tộc trên khắp Việt Nam và tham gia các hoạt động lễ hội đặc sắc. 
  • Thành cổ Sơn Tây: Trong hành trình viếng chùa Khai Nguyên Sơn Tây, bạn hãy dành thời gian tham quan ngôi thành cổ duy nhất được xây bằng đá ong ở Việt Nam. Ngôi thành có kiến trúc độc đáo từ thời vua Minh Mạng với nhiều công trình ấn tượng như: cột cờ, vọng lâu, súng thần công, điện Kính Thiên và hào nước thơ mộng.
  • Chùa Mía: Tham quan chùa Mía, bạn sẽ được chiêm ngưỡng nhiều pho tượng cổ như tượng Bà Thị Kính, Tuyết Sơn, Phật Bà Quan Âm và La Hán. Bên cạnh đó, bạn còn được ngắm nhìn cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi và tòa Bảo tháp Cửu Phẩm Liên Hoa.
Chùa Khai Nguyên
Kết hợp tham quan ngôi chùa Mía cổ kính khi viếng chùa Khai Nguyên Sơn Tây (Ảnh: sưu tầm)

Trên đây là những thông tin cần biết cho hành trình khám phá chùa Khai Nguyên Sơn Tây. Ngôi chùa với kiến trúc độc đáo, khuôn viên rộng rãi, xanh mát là nơi lý tưởng để bạn hành hương, vãng cảnh và cảm nhận sự bình yên, an lạc giữa không gian trang nghiêm, thanh tịnh. 

Theo Vinpearl.com

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll