Chùa Bát Nhã Đà Nẵng – chốn tâm linh an yên, hút Phật tử tứ phương
admin | Đăng lúc 9:41 - 17/01/2024

Chùa Bát Nhã Đà Nẵng được xem là chỗ dựa tâm linh vững chắc của người dân Đà thành. Ngôi cổ tự này nổi tiếng linh thiêng và có kiến trúc độc đáo, thu hút Phật tử tứ phương về đây hành hương, cầu nguyện.

 
Bát Nhã là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại Đà Nẵng

Bát Nhã là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại Đà Nẵng (Ảnh: Sưu tầm)

Du lịch tâm linh Đà thành, ngoài chùa Linh Ứng, gần đây du khách đang rỉ tai nhau về một ngôi cổ tự linh thiêng không kém là chùa Bát Nhã Đà Nẵng. Với không gian yên bình, thanh tĩnh, ngôi chùa này đang trở thành địa điểm du lịch Đà Nẵng thu hút nhiều Phật tử tứ phương đến chiêm bái, vãn cảnh. 

1. Chùa Bát Nhã Đà Nẵng – cổ tự thiêng nổi tiếng Đà thành

  • Địa chỉ: số 176 Triệu Nữ Vương, phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng
  • Giờ mở cửa: 06:00 – 23:00 
  • Giá vé tham quan: miễn phí 

Bát Nhã là một trong những ngôi chùa Đà Nẵng nổi tiếng linh thiêng, thu hút nhiều Phật tử tứ phương. Chùa tọa lạc trong lòng thành phố, với vẻ đẹp uy nghiêm, thanh tịnh cùng cánh cổng màu trắng muốt ấn tượng. Chùa được thiết kế với 2 tầng lớn để thờ tự, một khoảng sân vừa phải có tượng Phật Quan Âm để Phật tử và người dân có thể đến thắp hương, chiêm bái.  

Chùa Bát Nhã Đà Nẵng được xem là chỗ dựa tâm linh vững chắc của người dân nơi đây. Đây cũng là ngôi chùa có hoạt động cầu an diễn ra sôi nổi và thường xuyên nhất ở Đà thành. Các buổi cầu an được tổ chức long trọng, thu hút hàng ngàn Phật tử quy tụ về đây thắp hương, cúng bái. 

Chùa Bát Nhã tọa lạc ở số 176 Triệu Nữ Vương, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng

2. Hướng dẫn đường đi chùa Bát Nhã ở Đà Nẵng

Địa chỉ chùa Bát Nhã Đà Nẵng cách trung tâm thành phố khoảng 20km, để di chuyển đến đây du khách có thể lựa chọn một trong các phương tiện dưới sau:

  • Phương tiện cá nhân: để chủ động hơn trong chuyến hành trình bạn có thể thuê xe máy Đà Nẵng đến chùa Bát Nhã với mức giá dao động từ 80.000 – 100.000 VNĐ/ngày. Ngoài ra, nếu có ô tô hoặc xe máy cá nhân thì bạn có thể lựa chọn để tiết kiệm chi phí. Xuất phát từ trung tâm thành phố, bạn chạy theo đường 602 rồi rẽ qua Bà Nà – Suối Mơ. Đi thẳng lên đường Hoàng Văn Thái, Điện Biên Phủ rồi rẽ vào đường công viên 29/3, sau đó rẽ trái vào đường Nguyễn Văn Linh, chạy thêm 1km nữa là đến chùa Bát Nhã. 
  • Phương tiện công cộng: nếu không muốn vất vả tìm đường, bạn có thể đến chùa bằng xe bus hoặc taxi Đà Nẵng. Với xe bus bạn có thể chọn tuyến 04 với lộ trình Tam Kỳ – Đà Nẵng. Tuy nhiên lúc lên xe nhớ dặn phụ xe điểm xuống gần chùa. Ngoài ra, nếu đi theo nhóm đông, bạn có thể lựa chọn các hãng taxi uy tín như: Tiên Sa, Mai Linh, VinaSun Green Đà Nẵng…

3. Lịch sử chùa Bát Nhã Đà Nẵng

Bát Nhã tự được xây dựng vào năm 1949 bởi hòa thượng Đại Đức Thích Chơn – ông cũng là vị trụ trì chùa Bát Nhã Đà Nẵng đầu tiên và là người tôn tạo tượng Quan Âm – linh hồn của ngôi cổ tự này. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, Bát Nhã cũng nhiều lần bị hư hại nặng nề do chiến tranh và thiên tai. 

Tính đến thời điểm hiện tại, chùa đã trải qua năm lần trùng tu lần lượt vào các năm 1970, 1991, 2001 và 2004. Sau nhiều lần xây dựng, kiến trúc chùa có sự thay đổi, uy nghiêm và khang trang hơn, tuy nhiên những bức tượng được thờ phụng vẫn còn giữ được nguyên trạng và sự linh ứng vẫn luôn tồn tại ở điện chùa. 

4. Kiến trúc độc đáo của chùa Bát Nhã Triệu Nữ Vương

Chùa Bát Nhã Đà Nẵng tọa lạc trong trung tâm thành phố nhưng có khuôn viên khá rộng, đến đây du khách sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh, yên bình. Điểm nhấn nổi bật nhất của ngôi chùa này là chiếc cổng màu trắng sừng sững, uy nghiêm. Chùa được xây dựng 2 tầng với khoảng sân rộng trồng nhiều cây xanh. 

Tượng Phật Quan Âm được đặt ngoài sân để Phật tử khắp nơi có thể đến hành hương, chiêm bái. Kiến trúc chùa độc đáo với các bậc cầu thang được chạm khắc thủ công vô cùng tỉ mỉ, tinh tế. Tầng 1 của chùa là chánh điện – nơi thờ cúng các vị thần và tượng phật. Tầng hai là nơi tổ chức các buổi giảng dạy Phật pháp cho những ai có nguyện vọng học tập và tĩnh tâm.  

Chùa Bát Nhã nổi bật với chiếc cổng màu trắng uy nghiêm

Chùa Bát Nhã nổi bật với chiếc cổng màu trắng uy nghiêm (Ảnh: Sưu tầm)

5. Những hoạt động tiêu biểu tại chùa Bát Nhã Đà Nẵng

Chùa Bát Nẵng là cổ tự linh thiêng, chính sự linh thiêng nổi tiếng này đã giúp cho ngôi chùa trở thành nơi cúng bái, cầu an của các Phật tử mỗi dịp trăng rằm hoặc đầu xuân năm mới. Ghé chùa, du khách sẽ có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động độc đáo. 

5.1. Hoạt động cầu an

Du lịch Đà Nẵng bạn đừng bỏ qua cơ hội đến chùa Bát Nhã để vãn cảnh, cầu an. Vào các ngày lễ Phật hoặc đất nước có chuyện buồn, buổi cầu an tại chùa sẽ diễn ra long trọng và thu hút hàng ngàn Phật tử khắp các nơi đổ về đây. Những buổi cầu an được Đại Đức Thích Chúc Tín chủ trì. Sau những lời khuyên răn, dặn dò từ trụ trì của chùa, các Phật tử sẽ thực hiện nghi thức rước đèn từ bi. 

Những ánh nến từ đèn sáp được thắp lên, những lời cầu khẩn tốt lành, cầu xin những điều tốt đẹp được mọi người cất lên trong đêm tối, tạo nên không khí vô cùng linh thiêng. Tiếng tụng niệm của hàng ngàn Phật tử hòa vào tiếng tụng niệm từ vị trụ trì và các bậc sư thầy trong chùa vang lên như lời cầu chúc cho quốc thái, dân an, nhà nhà đều an bình.  

Hoạt động cầu an tại chùa

Hoạt động cầu an tại chùa (Ảnh: Sưu tầm)

5.2. Tổ chức các khóa tu cho Phật tử

Tầng 2 của chùa Bát Nhã Đà Nẵng là nơi diễn ra các khóa tu cho Phật tử cũng như người dân địa phương và du khách. Các bài giảng về 48 lời nguyện của Phật A Di Đà sẽ giúp các Phật tử hướng thiện, tĩnh tâm, “gội” sạch tâm hồn và biết cách tu tâm dưỡng tính. Đặc biệt, vào Đại Lễ Phật Đản hoặc Tết Đoan Ngọ chùa thường xuyên tổ chức các khóa tu ngắn hạn. 

Chùa thường xuyên tổ chức các khóa tu cho Phật tử

Chùa thường xuyên tổ chức các khóa tu cho Phật tử (Ảnh: Sưu tầm)

6. Kinh nghiệm đi chùa Bát Nhã Hải Châu Đà Nẵng

Để hành trình khám phá chùa Bát Nhã Đà Nẵng trọn vẹn hơn, bạn nên dắt túi một số kinh nghiệm dưới đây!

6.1. Thời gian lý tưởng đi chùa Bát Nhã

Tháng 3 đến tháng 8 là thời điểm lý tưởng để bạn du lịch Đà Nẵng và ghé chùa Bát Nhã. Vào thời gian này Đà thành ít mưa, nắng nhẹ, thuận lợi cho hoạt động dâng hương, vãn cảnh, chiêm bái và cầu an ở chùa. Ngoài ra, vào dịp rằm, lễ Phật Đản hoặc đầu xuân năm mới cũng là thời điểm lý tưởng để bạn ghé chùa Bát Nhã Đà Nẵng cầu bình an, may mắn. 

Tháng 3 đến tháng 8 là thời điểm lý tưởng để ghé chùa

Tháng 3 đến tháng 8 là thời điểm lý tưởng để ghé chùa (Ảnh: Sưu tầm)

6.2. Lưu ý về trang phục, hành vi, cử chỉ khi đến chùa

  • Đến chùa Bát Nhã Đà Nẵng bạn cần mặc trang phục lịch sự, kín đáo, tránh mặc váy ngắn, quần đùi, trang phục hở hang. 
  • Đi nhẹ, nói khẽ, không hò heft để giữ không gian thanh tịnh trong chùa. 
  • Chỉ dâng lễ chay tại các bàn Phật thờ. 
  • Vào chùa không được đi cửa chính, chỉ được đi cửa phụ hai bên.
  • Nếu đi cùng trẻ nhỏ, bạn cần lưu ý trẻ để không làm rơi, đổ các tài sản trong chùa. 
  • Có ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan khuôn viên chùa. 

7. Những quán ăn ngon gần chùa Bát Nhã

Sau khi tham quan chùa Bát Nhã bạn có thể lấp đầy năng lượng bằng một số món ngon Đà Nẵng như: bánh canh, cơm tấm, cơm gà… Dưới đây là gợi ý một số quan ăn ngon gần chùa mà bạn có thể tham khảo:

  • Bánh canh ruộng bà Thu: 78 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Hải Châu, TP. Đà Nẵng
  • Bánh canh ngon Đà Nẵng: 222 đường Tố Hữu, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
  • Cơm Tấm House: số nhà 56 Đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
  • Cơm tấm Hồng Phúc: 46 đường Phan Bội Châu, TP. Đà Nẵng 

8. Các địa điểm tham quan gần chùa Bát Nhã tại Đà Nẵng

Gần chùa Bát Nhã Đà Nẵng có nhiều địa danh vô cùng nổi tiếng, bạn có thể kết hợp tham quan để hành trình du lịch Đà thành trọn vẹn hơn! 

8.1. Cầu Rồng Đà Nẵng

  • Địa chỉ: đường Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng

Cầu Rồng Đà Nẵng được xem là biểu tượng của Đà thành với tổng chiều dài 666m mô phỏng hình dáng một con rồng với trọng lượng gần 900 tấn. Thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng cầu Rồng là buổi tối, khi hệ thống đèn led được hoạt động, cây cầu thay đổi màu sắc liên tục và vô cùng lung linh. Đặc biệt, vào 9 giờ tối thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần, ghé cầu Rồng bạn sẽ được thưởng thức màn phun lửa và phun nước vô cùng ấn tượng. 

Cầu Rồng Đà Nẵng có tổng chiều dài 666m

Cầu Rồng Đà Nẵng có tổng chiều dài 666m (Ảnh: Sưu tầm)

 

8.2. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

  • Địa chỉ: Số 02 đường 2 Tháng 9, Bình Hiên, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng

Cách chùa Bát Nhã Đà Nẵng không xa là bảo tàng Điêu khắc Chăm. Đây là nơi bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa về thời kỳ hưng thịnh của Vương quốc Chăm Pa cổ xưa. Bảo tàng được thiết kế theo kiến trúc Gothic nổi tiếng với các mái hình vòng cung có đầu nhọn vô cùng độc đáo. Đến bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo và tha hồ check in với nhiều góc sống ảo cực đẹp. 

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Pa

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Pa (Ảnh: Sưu tầm)

 

8.3. Nhà thờ Con Gà

  • Địa chỉ: 156 Trần Phú, Hải Châu 1, Hải Châu, TP. Đà Nẵng

Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng mang vẻ đẹp tráng lệ và nguy nga như những tòa lâu đài ở Châu Âu. Với lối kiến trúc Gothic, nhà thờ nổi bật với những đường nét thiết kế sang trọng, cổ điển cùng biểu tượng con gà màu xám đặc biệt nằm trên nóc nhà thờ. Nhà thờ Con Gà có nhiều background đẹp để hội mê sống ảo có thể thỏa thích check in. 

Nhà thờ Con Gà với vẻ đẹp uy nghi, tráng lệ

Nhà thờ Con Gà với vẻ đẹp uy nghi, tráng lệ (Ảnh: Sưu tầm)

 

8.4. Cầu tình yêu Đà Nẵng

  • Địa chỉ: phía Đông sông Hàn, đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng

Cây cầu này được lấy cảm hứng từ những cây cầu tình yêu nổi tiếng trên thế giới như: Nga, Pháp, Ý, Đức. Đây là nơi chứng giám và ước hẹn cho tình cảm đôi lứa với ổ khóa tình yêu thể hiện tình cảm sắt son, bền chặt. Cầu tình yêu Đà Nẵng được thiết kế vòng cung, tựa như dải lụa mềm mại nằm vắt qua sông Hàn. Với kiến trúc độc đáo, nơi đây trở thành địa điểm nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến check in. 

Cầu tình yêu ở Đà Nẵng là địa điểm check in lý tưởng

Cầu tình yêu ở Đà Nẵng là địa điểm check in lý tưởng (Ảnh: Sưu tầm)

Không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà chùa Bát Nhã Đà Nẵng còn là nơi để du khách vãn cảnh, tìm lại sự thanh tịnh cho tâm hồn. Gác lại những lo toan, mệt nhọc trong cuộc sống, hãy lên kế hoạch cùng hội bạn thân ghé ngôi cổ tự linh thiêng tại Đà thành này để xoa dịu tâm hồn, tìm lại sự an yên cho chính bản thân mình.

Theo vinwonders.com

 
LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll