Từ lâu, chợ lùi đã trở thành “ đặc sản” có một không hai của đồng bào vùng cao Hà Giang. Không chỉ là nơi giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa. Các phiên chợ lùi Hà Giang còn chứa cái “hồn” cùng lối sống văn hóa của người dân Tây Bắc.
Hà Giang rất đẹp. Đó là vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ nhưng cũng không kém phần thơ mộng trữ tình. Vẻ đẹp của thiên nhiên trộn lẫn với con người tạo nên một Hà Giang kỳ bí và thân quen. Chợ lùi Hà Giang là nét văn hóa đặc sắc “có một không hai” của bà con vùng Tây Bắc
Chợ lùi là chợ gì?
Thực chất chợ lùi Hà Giang là do du khách miền xuôi gọi, còn nơi đây gọi là chợ phiên. Cách người miền xuôi gọi là “chợ lùi” nhằm chỉ phiên chợ có ngày họp lùi một ngày so với phiên liền trước đó.
Cách đồng bào dân tộc tính chợ lùi
Chợ lùi Hà Giang là phiên chợ họp một lần trong tuần. Tuần tiếp theo sẽ họp lùi lại một ngày so với phiên chợ tuần trước. Ví dụ như tuần này chợ họp vào chủ nhật thì tuần sau sẽ họp vào thứ 7, tuần sau nữa là thứ 6….
Tuy nhiên nếu tính kiểu chợ lùi như vậy thì rất khó để xác định được ngày xuống chợ chính xác. Có một cách tính khác để du khách xuống chợ đúng ngày đó là chợ 6 ngày sẽ có một phiên chứ không phải 7 ngày một phiên như các phiên chợ khác.
Hoặc theo đồng bào dân tộc Mông, người Hoa sẽ tính lịch xuống chợ dựa vào 12 con giáp. Họp vào những cặp ngày xung khắc nhau như Tỵ – Hợi, Thân – Dần….
Chợ lùi Hà Giang ở đâu?
Ở Hà Giang thì chợ lùi sẽ có 8 chợ đó là
Chợ Phó Bảng
Địa điểm họp: Cách ngã 3 Sùng Là khoảng 5km
Chợ họp vào ngày: 6,12,18,24 và 30 hàng tháng theo lịch dương.
Chợ Sà Phìn
Địa điểm chợ: Cổng dinh thự họ Vương thuộc huyện Đồng Văn
Lịch họp: Vào ngày mùng 5, 11, 17,23 và 29 hàng tháng theo lịch dương
Chợ Phó Cáo
Địa điểm chợ: Nằm ngay trên đoạn chuyển giao giữa thị trấn Đồng Văn và Yên Minh
Chợ họp vào ngày: 4, 10, 16 và 28 hàng tháng theo lịch dương.
Chợ Lũng Phìn
Địa chỉ: Ở huyện Yên Minh nhưng du khách phải đi theo đường Yên Minh – Mèo Vạc mới đến nơi.
Chợ họp vào ngày 2,8, 14, 20,26 hàng tháng
Ngoài ra còn có chợ Tráng Kìm, Lũng Cú, Sủng Trái họp vào ngày Sửu và ngày Mùi. Chợ Ma Lé họp và ngày Ngọ và ngày Tỵ. Chợ Tráng Bạ sẽ họp ở huyện Quản Bạ còn các chợ trên sẽ họp ở huyện Đồng Văn.
Có nên đi chợ lùi Hà Giang không?
Chợ phiên Hà Giang được xem như ngày hội của đồng bào các dân tộc người Hoa, người Mông và nhiều dân tộc thiểu số xung quanh khác. Đến chợ lùi bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống sinh hoạt, nét văn hóa và hơi thở của miền núi cao nguyên đá. Bạn sẽ thấy được không khí náo nhiệt, sự hồ hởi, háo hức của bà con khi xuống chợ. Hoặc cảm nhận sự chất phác, thật thà của người dân nơi đây. Tất cả đều mang đậm chất cao nguyên đá đầy đơn sơ, mộc mạc và giản dị
Bên cạnh đó, đến chợ lùi bạn sẽ được thưởng thức và mua được rất nhiều những đặc sản mà chỉ nơi đây mới có như lợn mán, hạt tê, gà đen, cải mèo, thắng cố…..Thêm vào đó, bạn còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ, phút giây ngẫu hứng của những “nghệ sĩ đường phố” vô cùng ấn tượng. Đến Hà Giang mà không đi chợ Lùi thì đúng là một thiếu sót
Phiên chợ lùi Hà Giang có gì hay?
Các phiên chợ lùi ở Hà Giang thường được họp từ đêm hoặc mờ sáng cho đến lúc chiều tà. Bà con đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa, thực phẩm mà còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu và hò hẹn.
Mỗi lần chợ họp, khắp các nẻo đường triền núi, vách đá. Đồng bào các dân tộc đổ về đây trong những bộ quần áo xúng xính rực rỡ hoa văn và sắc màu lộng lẫy. Chính vì thế người dân ở đây thường gọi là đi chơi chợ.
Các mặt hàng quần áo, lương thực, thực phẩm, phụ kiện, vải vóc….có ở chợ đều do bà con tự trồng, tự nuôi và tự làm nên. Nên ngoài giao dịch bằng tiền họ còn mang những đặc sản nhà mình để đem chia sẻ, trao đổi với bà con trong vùng khác
Đến chợ, bạn còn được thưởng thức món ăn đặc sản của Hà Giang như bánh tam giác mạch, thắng cố, rượu ngô…. vô cùng thơm ngon hấp dẫn.
Chợ lùi Hà Giang tuy đơn giản, thô sơ và nghèo nàn nhưng lúc nào cũng thấm đượm tình người. Phiên chợ lùi níu chân người đến không chỉ bởi hàng hóa đa dạng, độc đáo mà còn bởi tình người thật ấm áp. Ghé thăm phiên chợ đặc biệt này là một gợi ý không tồi để hiểu hơn về lối sống, phong tục và tập quán của bà con dân tộc thiểu số.
Nguồn: poliva