Vườn nhãn cổ Bạc Liêu, cùng với cà phê trang trại cừu, cánh đồng Hoa Huỳnh, nông trại Tôm Khỏe,...góp mặt vào danh sách nhất định phải ghé thăm của nhiều du khách khi đến vùng đất Tây Nam Bộ này.
Không giống như các khu du lịch sinh thái hay các điểm vui chơi mới nổi lên thời gian gần đây, vườn nhãn Bạc Liêu có tuổi đời gần trăm năm nên từ lâu đã vang danh khắp vùng. Người dân địa phương cùng khách du lịch biết đến danh tiếng địa điểm du lịch Bạc Liêu này không chỉ vì hương vị ngọt thanh tao và hương thơm quyến rũ của những quả nhãn mà còn vì tuổi thọ "khủng" của khu vườn. Hầu hết những cây nhãn ở đây đều trên trăm năm tuổi nên tên của vườn nhãn còn có thêm chữ "cổ".
Những ai lần đầu đặt chân vào vườn cũng ấn tượng với dáng vẻ gân guốc và uốn lượn tựa như những tác phẩm nghệ thuật mà tạo hóa đã khắc nên ở từng gốc và thân cây.
Tạo hình đặc biệt, lịch sử hình thành và lớn lên hàng trăm năm, thành quả cho ra lại là những quả nhãn thanh ngọt, mát nhẹ nơi đầu lưỡi, vườn nhãn cổ Bạc Liêu gắn bó với đời sống của người dân Bạc Liêu từ bao đời nay. Còn với khách phương xa, có bạn có dịp du lịch Bạc Liêu, hãy dành một buổi hoặc một ngày ghé vườn để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của những thân nhãn cổ hơn trăm tuổi và đặc biệt đừng bỏ lỡ cơ hội nếm thử vị ngọt ngon của nhãn cổ trứ danh một thời.
Người dân Bạc Liêu vô cùng tự hào về địa danh này nên đã nhiều lần thể hiện lòng yêu vườn nhãn cổ, thương nhớ quê hương qua những câu thơ, bài hát:
"Ai về thăm lại Ɓạc Liêu.
Ghé qua vườn nhãn biển chiều mênh mông.
Điệu buồn Ɗạ Ϲổ Hoài Lang.
Ɗặt dìu theo gió cung đàn nhớ thương."
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu ở đâu?
Địa chỉ: ĐT31, xã Vĩnh Trach Đông, tỉnh Bạc Liêu.
Giờ mở cửa: 6:30 – 18:00
Vườn nhãn nổi tiếng nhất Bạc Liêu kéo dài trên 10km đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông với diện tích lên đến 230ha. Vườn chỉ cách trung tâm thị xã Bạc Liêu chừng 6km về hướng Nam với hàng trăm giồng nhãn ngút ngàn xanh tốt.
Hướng dẫn di chuyển:
Sau khi đi từ Sài Gòn đến Bạc liêu bằng xe khách, xe máy hay xe thuê thì bạn đi theo cung đường sau để đến vườn nhãn. Xuất phát từ bến xe khách Bạc Liêu, bạn rẽ phải và sau đó chạy dọc theo đường Trần Phú chừng 2km. Tiếp tục đi đến vòng xuyến thì bạn nhớ rẽ phải vào đường Hai Bà Trưng để đi đến vòng xuyến tiếp theo. Tại đây, bạn rẽ phải đi qua cầu Võ Thị Sáu và đi tiếp để thẳng tiến vào đường Ninh Bình. Bạn cứ đi thẳng cho tới cuối đường thì rẽ phải ra con đường mang tên người nhạc sĩ nổi tiếng Cao Văn Lầu. Đến đây, hãy chạy thẳng qua chợ Hiệp Thành khoảng 4,3km rồi rẽ trái vô ĐT31, cuối cùng chạy thẳng đoạn đường 5km là tới nơi rồi nhé.
Đây là vườn nhãn đặc biệt bậc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, trồng hai giống nhãn Su-bic và Tu-huýt di thực từ Trung Hoa sang trên những giồng đất bồi màu mỡ ven biển mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Bạc Liêu. Có thể nói đây chính là niềm tự hào của người dân địa phương và cũng đồng thời đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch của tỉnh, là điểm đến thu hút nhiều khách phương xa đến tham quan.
Lịch sử lâu đời của vườn nhãn cổ Bạc Liêu
Theo lời kể của những người dân địa phương, cụ thể là những ông bà cụ lớn tuổi thì vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng cách đây trên trăm năm. Trước kia, khu vực này là đất giồng cát. Qua bao năm tháng bồi lắng của thiên nhiên và do tác động của con người đắp đê lấn biển mà hình thành nên loại đất có độ thoát thủy tốt, tầng canh tác dày.
Thổ nhưỡng ở đây cực kỳ thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa mà, nhất là trái cây nhiệt đới. Những người Hoa đầu tiên đến đây sinh sống vào đầu thế kỷ 19, mà cụ thể là ông Trương Hưng đã lựa chọn và mang hai giống nhãn có tên Su-bíc và Tu-huýt sang trồng ở những giồng cát Bạc Liêu.
Hai giống nhãn này cho ra loại nhãn có trái và hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt thanh mà không gắt. Cả hai giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Theo thời gian, nhiều người đã nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc lên khắp hai xã của Bạc Liêu.
Những gốc nhãn cổ thụ trong vườn cổ không chỉ mang lại nguồn kinh tế cho người dân địa phương mà nó còn ẩn chứa nhiều yếu tố liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của đất giồng Bạc Liêu cũng như là minh chứng cho sự gắn bó của ba nền văn hóa Kinh, Hoa và Khmer. Vì vậy người dân Bạc Liêu yêu quý vườn nhãn cổ cũng như người Bến Tre tự hào về dừa, Tiền Giang vinh danh khóm Tân Lập hay Đồng Tháp thường nhắc đến vườn quýt Lai Vung.
Thời điểm lý tưởng check in vườn nhãn cổ Bạc Liêu
Thời điểm lý tưởng để tham quan vườn nhãn cổ hay vườn chim Bạc Liêu cùng khu du lịch sinh thái Hồ Nam vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 9. Đây là lúc vườn nhãn đang vào mùa trổ hoa. Du lịch Bạc liêu và ghé thăm vườn những ngày tháng 5 sẽ thấy cả không gian ngập màu hoa trắng tuyệt đẹp, bướm ong dập dìu hút mật tạo nên cảnh tượng vừa thơ mộng vừa vui mắt.
Còn thời điểm tháng 9 lại là lúc thu hoạch nhãn, khi vườn cây sai trái nhất nên khách phương xa đến đây tha hồ thưởng thức vị thơm ngon thanh mát nức tiếng của nhãn Bạc Liêu.
Có thể nói tháng 5 và 9 là hai mốc thời gian lý tưởng nhất để tham quan vườn nhãn cổ nên bạn nhớ lưu ý vào những kinh nghiệm du lịch miền Tây của mình và gia đình nhé.
Những trải nghiệm thú vị trong vườn nhãn cổ
Trong vườn nhãn cổ rộng 3ha, lớn nhất xã Hiệp Thành hiện tại, có nhiều gốc nhãn do chính tay các cụ đời trước trồng để lại với tuổi thọ trên 100 năm. Tại đây thậm chí còn lưu giữ một cây nhãn do ông Trương Hưng trồng đầu tiên, nay đã thành cây cổ thụ mấy người ôm không xuể. Điểm đặc biệt là đến ngày nay, cây cổ đến mùa vẫn còn ra hoa kết trái, dù hơi ít.
Check in vườn nhãn, du khách tha hồ nghỉ ngơi dưới những tán cây rợp bóng và tận hưởng không gian vùng quê yên tĩnh, hít thở bầu không khí trong lành và đặc biệt là có cơ hội thưởng thức tiếng ca, câu hò đờn ca tài tử. Đến đúng mùa nhãn chín, bạn còn được chiêu đãi những trái nhãn thơm ngon, đậm chất miệt vườn.
Nếu thích, bạn cũng có thể cùng người dân tham gia thu hoạch nhãn. Cảm giác được tự tay hái trái từ dãy nhãn cổ thụ và từ từ nhấm nháp hương vị thơm ngon của loại cây gắn bó với người dân quê hương của đờn ca tài tử sẽ khiến cho người ăn không thể nào quên đâu đấy. Sau khi thử những trái nhãn thơm ngon xong, bạn đừng quên mua về làm quà cho người thân và gia đình nhé.
Ngoài ra, trên quãng đường di chuyển đến vườn nhãn cổ, có khá nhiều quán bán bánh xèo thơm ngon góp mặt vào danh sách những quán ăn ngon ở Bạc Liêu nữa đấy nên bạn nhớ dừng chân thưởng thức nhé.
Những giồng nhãn trong vườn nhãn cổ Bạc Liêu trăm năm tuổi vẫn đang được người dân nuôi dưỡng và gìn giữ như một nét văn hóa từ thời khai hoang mở đất. Khi tham quan vườn nhãn, bạn sẽ cảm nhận được cái tình của đất và người nơi đây, ăn loại trái thơm ngon này và nằm dưới những tán cây cổ thụ đung đưa đón từng ngọn gió mát từ biển Bạc Liêu thổi vào, hãy tận hưởng mùi hương nhãn ngọt ngào, sự tĩnh lặng và bình yên đến từ đất trời miền Tây và sống chậm lại, tạm quên những nhọc nhằn đời thường nhé. Chúc bạn có chuyến du lịch Bạc Liêu và check in vườn nhãn thật thú vị.
Theo Luhanhvietnam.com.vn