Bất ngờ với những phong tục đón Tết kỳ lạ ở vùng cao Tây Bắc
admin | Đăng lúc 8:27 - 18/01/2023

Không phải nơi nào cũng có phong tục chào đón xuân giống nhau. Và những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc này sẽ khiến bạn bất ngờ bởi nét riêng độc đáo!

 

Mỗi vùng miền lại có nét riêng trong phong tục đón Tết. Nếu bạn ưa tìm hiểu, sẽ biết đến những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc. Tuy nhiên, dù mang những nét độc đáo đến kỳ lạ, thì các phong tục này đều hướng tới ý nghĩa tốt đẹp là mong cầu một năm mới hạnh phúc, thịnh vượng và gặp nhiều may mắn. 

Những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc
Những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc. Ảnh: Lam Thanh

Tìm hiểu các phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc

Cùng Lữ Hành Việt Nam tìm hiểu một vài phong tục đón Tết khá lạ lẫm ở vùng cao Tây Bắc này nhé, nhất định sẽ làm bạn hào hứng, muốn trải nghiệm một lần!

1. Tục thờ bát nước lã của người Pà Thẻn

Nếu để ý, bạn sẽ thấy trên bàn thờ tổ tiên của người Pà Thẻn ở Hà Giang luôn có một bát nước lã. Bát nước này nhất định phải là nước sạch và được lấy từ đầu nguồn của con suối trong nhất, sạch nhất của bản và được đậy kín suốt cả năm. Theo nguyên tắc chủ nhà người Pà Thẻn không bao giờ được phép để nước trong bát cạn đi. 

Những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc - Thờ bát nước lã
Người Pả Then có tục thờ bát nước lã. Ảnh: Vntravellive

Hàng năm, chủ nhà chỉ được phép mở bát nước ra hai lần vào cuối tháng 6 để tiếp thêm nước và vào ngày 30 Tết để thay bát nước mới.

Theo đó, vào đêm giao thừa 30 Tết, các gia đình ở Pà Thẻn sẽ đóng cửa cài then, bịt kín mọi lỗ thông khí trong nhà rồi nấu một nồi cháo gà để cả nhà cùng quây quần ăn tết. Ăn cháo xong, chủ nhà sẽ đi lấy bát nước lã trên ban thờ xuống để cọ rửa và thay nước mới. 

Theo phong tục đón Tết độc đáo của người Pà Thẻn ở Hà Giang công việc này phải được thực hiện kín đáo là vì người Pà Thẻn tin rằng nếu người ngoài nhìn thấy bát nước linh thiêng đang được lau chùi hay thay nước mới thì gia đình sẽ gặp nhiều xui xẻo trong năm mới.

2. Tục gội đầu bằng nước gạo chua của người Thái trắng

Vào chiều 30 Tết Nguyên đán, người Thái trắng ở Sơn La có tục gội đầu để xua đi tất cả những gì không may mắn trong năm qua - quả là một phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc.

Những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc - gội đầu nước chua
Người Thái trắng gội đầu nước chua xua đi đen đủi của năm cũ. Ảnh: Baomoi

Họ chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm cho chua rồi xối từ từ lên tóc. Tập tục này mang ý nghĩa gợi lên những điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi. Lễ gội đầu kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ.

3. Tục ăn trộm lấy may của người Lô Lô

Người Lô Lô ở Hà Giang quan niệm, thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra. Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hay những vật có giá trị lớn, mà chỉ là củ hành, củ tỏi, thanh củi…

Những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc-nguoi-lolo
Những cô gái Lô Lô. Ảnh: Baodantocmiennui

Người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, không muốn chủ nhà bắt được. Ai cũng đi âm thầm, lặng lẽ, gặp người quen cũng không chào hỏi. Thế nhưng nhỡ có bị chủ nhà bắt được thì họ cũng không bị trách móc gì. Đây cũng là nét đẹp văn hóa Hà Giang mà người Lô Lô vẫn giữ và duy trì!

Đặc biệt, mỗi gia đình phải đi ăn cắp cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12. Ví dụ, lấy ngô đủ 12 bắp; lấy gà, gạo, hoa quả cứ đủ con số 12. Đó là con số may mắn ứng với 12 tháng trong năm tới.

4. Tục gọi vía trâu về ăn Tết của người Mường

Coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, trong những ngày Tết, người Mường cũng không quên để cho con vật nuôi quan trọng này cùng ăn Tết với gia đình mình - Đây được xem là phong tục đón Tết độc đáo ở Tây Bắc đã truyền đời từ rất lâu.

Những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc-via-trau
Tục gọi vía trâu của người Mường

Trước ngày Tết vài bận, người dân sẽ chuẩn bị một chiếc mõ, qua giao thừa thì đốt đi để gọi vía trâu về. Không chỉ vậy, người Mường còn treo những xâu bánh ống lên các công cụ lao động thường ngày như cày, bừa, đòn gánh… để mời những “người bạn thân thiết” này ăn Tết. 

Phong tục đón Tết hay ho của người dân tộc Mường này có ý nghĩa rất nhân văn, thể hiện lòng biết ơn của con người đối với con vật nuôi trung thành đã giúp đỡ gia chủ việc đồng áng quanh năm. Người Mường quan niệm, sau một năm làm lụng vất vả, con trâu hay cái cày cũng đều xứng đáng được nghỉ ngơi.  

5. Tục hát thi cùng gà trống của người Pu Péo

Đây là một phong tục đón tết kì lạ của người dân Pu Péo, thuộc tỉnh Hà Giang. Trong đêm giao thừa, người Pu Péo sẽ thức để canh chừng chú gà trống nhà mình. Khi chú gà vỗ cánh chuẩn bị cất tiếng gáy, họ sẽ đốt một quả pháo ném vào chuồng để khiến những chú gà trong chuồng thi nhau nhảy lên và gáy vang. 

Những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc-pu-peo
Người Pu Péo ở Hà Giang. Ảnh: VOV4

Khi những tiếng gà gáy bắt đầu vang vọng, người Pu Péo cũng theo đó mà hò hát vang trời. Đối với người Pu Péo, tiếng gà gáy là dấu hiệu để đánh thức mặt trời, khởi đầu một ngày mới tốt lành. Do đó, ai hát to, hát khoẻ làm át được tiếng gáy thiêng liêng đó thì năm mới ắt sẽ gặp nhiều điều may mắn, hạnh phúc. 

6. Tục niêm phong nhà bằng giấy đỏ của người Cao Lan

Đồng bào dân tộc người Cao Lan đón tết với công việc đầu tiên chuẩn bị mừng năm mới là tục dán giấy đỏ trong nhà (theo tiếng Cao Lan là Chí dịt).

Theo đó, trước Tết 2 ngày, họ sẽ “niêm phong” tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ con dao, cái cày, cái bừa, cái cuốc, cái xẻng, cây cối quanh nhà, chuồng trại… đều được dán giấy đỏ để các vật này được “nghỉ Tết”. Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ.

Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng, mùa màng bội thu.

Những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc-dan-giay-do
Dán giấy đỏ vào các vật dụng quan trọng của người Cao Lan

Cũng theo phong tục dân tộc Cao Lan, ngày mồng 1 sẽ đi thăm họ hàng, mồng 2 là làng xóm. Và ăn món đặc trưng trong ngày Tết là bánh vắt vai (bên cạnh bánh chưng, bánh rán, bánh khảo như các dân tộc khác).

Trong dịp Tết, gia đình người Cao Lan nào cũng làm bánh vắt vai. Đó là loại bánh được làm từ gạo nếp, gói trong tàu lá chuối, nhân bánh là đỗ và đường. Và họ sẽ dùng bánh này để đi lễ Tết họ hàng nội ngoại ở xa. Vì bánh được cấu tạo theo chiều dài, có thể vắt trên vai nên người ta gọi đó là bánh vắt vai.

Bạn thấy những phong tục đón Tết kỳ lạ ở Tây Bắc này thế nào? Chúng đều mang nét riêng độc đáo, và đều gửi gắm ý nghĩa tốt đẹp cho một năm mới tràn đầy an khang thịnh vượng.

Theo Luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll